Tang thương miền Trung: Những tiếng kêu cứu trong đêm

19/10/2020 05:36 GMT+7

Hàng ngàn người dân ở vùng lũ Quảng Bình, Quảng Trị... bàng hoàng khi lũ dữ đột ngột tràn về. Trong tối 17.10 và suốt hôm qua 18.10, nhiều đợt ứng cứu khẩn cấp để đưa dân thoát khỏi biển nước...

Nước dâng tận nóc nhà

Gần như toàn H.Lệ Thủy (Quảng Bình) bị “tê liệt” vì lũ lớn từ chiều tối 17.10. Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, vùng hạ du Quảng Bình vừa hứng lượng nước lớn đổ về từ thượng nguồn “nhanh chưa từng thấy” trong nhiều năm qua.

Người Quảng Bình lên mạng xã hội cầu cứu vì mưa trắng trời, lũ dâng quá nhanh

Điện cắt, nước dâng quá nhanh, nhiều người dân các địa bàn khác như Quảng Ninh, Minh Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Trạch, Ba Đồn... có nhà bị nước lũ bao vây tứ phía và bắt đầu hoảng loạn. Xuất hiện ngày càng nhiều những tiếng kêu cứu trong đêm và cả trên… mạng xã hội. Mọi người nhanh chóng chia sẻ số điện thoại của lực lượng chức năng, các đội tình nguyện để hy vọng có sự ứng cứu kịp thời.
Tôi sống ở đây đã hơn 40 năm, nhưng chưa bao giờ thấy lũ dữ kinh hoàng như thế.
So với đỉnh lũ năm 1999, lũ lần này cao hơn cả mét
Ông Hồ Tất Ngôn, P.Đông Thanh, TP.Đông Hà, Quảng Trị
Ông Dương Quang Huỳnh (63 tuổi, ở thôn Quảng Xá, xã Tân Ninh, H.Quảng Ninh) nghe tiếng kêu cứu vọng ra từ rìa làng, không đành lòng nên chèo thuyền nhỏ đến. Một người bị tai nạn ở chân đang run sợ. “Mưa tầm tã, trời tối không thấy gì. Tôi đưa người bị thương đến vùng cao ráo rồi quay thuyền lại giúp thêm 2 người khác”, ông Huỳnh nhớ lại.
Nước ngập sâu tại TP.Đông Hà (Quảng Trị) khiến người dân phải sơ tán ảnh: HUY ĐẠT

Nước ngập sâu tại TP.Đông Hà (Quảng Trị) khiến người dân phải sơ tán

ẢNH: HUY ĐẠT

Cứu người là ưu tiên trước hết. Ngay trong đêm tối, Công an xã Cam Thủy (H.Lệ Thủy) phối hợp các lực lượng tại chỗ kịp cứu hộ một phụ nữ mang bầu khi lũ ngập đến cổ; rồi một gia đình có 3 mẹ con khi nước dâng đến tận nóc nhà. Sau đó, lực lượng ăn mì gói đỡ đói ngay trên thuyền nhôm và tiếp tục hành trình cứu người. “Cam Thủy là địa bàn ven QL1, địa hình cao nhưng bị ngập như vậy thì nhiều xã khác của huyện sẽ bị ngập rất sâu. Nếu chúng tôi không nhanh, chắc có ít nhất 2 người bị lũ cuốn”, đại úy Hồ Viết Nam, Trưởng công an xã Cam Thủy, nhớ lại chuyện ứng cứu các anh Hoàng Văn Sỹ (ở xã Liên Thủy) và Lê Thế Hải (ở P.Bắc Lý, TP.Đồng Hới).

Nước lên quá nhanh, tài sản mất sạch

Khuya 17.10 rạng sáng 18.10, nước lũ dâng rất nhanh cũng khiến người dân tại TP.Đông Hà (Quảng Trị) kêu cứu. Từ khu vực trung tâm TP.Đông Hà, những phường Đông Thanh, Đông Giang... đến vùng xa hơn như Cam Hiếu, Cam Thủy, Cam Thanh, Cam Tuyền... của H.Cam Lộ, dồn dập lời khẩn cầu “phát” đi trong đêm khuya. Tại P.Đông Lương (TP.Đông Hà), khi tiếp nhận điện thoại cầu cứu, chính quyền địa phương đã cử lực lượng xuyên đêm cứu hộ.
Ở P.Đông Thanh, ông Hồ Tất Ngôn (65 tuổi) nhớ cảnh cả khối phố 5 đột ngột chìm trong biển nước khi lũ về. Thời điểm đó, nhiều người dân đang say giấc… Riêng người nhà ông Ngôn (bị ngập hơn 2 m) thậm chí không kịp thu dọn đồ đạc, tài sản, chỉ có thể tháo ngói ngồi trên mái chờ đêm tối qua mau. “Tôi sống ở đây đã hơn 40 năm, nhưng chưa bao giờ thấy lũ dữ kinh hoàng như thế. So với đỉnh lũ năm 1999, lũ lần này cao hơn cả mét”, ông nói.
Cứu một gia đình ngập lụt ở thôn Thế Lộc, xã Tân Ninh, H.Quảng Ninh (Quảng Bình) ẢNH: TRƯƠNG QUANG NAM

Cứu một gia đình ngập lụt ở thôn Thế Lộc, xã Tân Ninh, H.Quảng Ninh (Quảng Bình)

ẢNH: TRƯƠNG QUANG NAM

Nhưng không phải ai cũng kịp rời đi. Trưa qua 18.10, PV Thanh Niên trở lại vùng ngập lụt ở P.Đông Lương, nhiều người vẫn còn mắc kẹt, nhiều tuyến đường ngập đến 2 - 3 m. Ông Nguyễn Đức Thọ (45 tuổi, trú KP.3, TP.Đông Hà) ráng “bám trụ” để di chuyển, kê cao các bao chứa lúa sợ ướt, mãi đến khi nước dâng ngập gần 2,5 m, vợ chồng ông đành phải đưa các con sang nhà hàng xóm (2 tầng) để trú tạm.
Ông Nguyễn Chơn Thử, Chủ tịch UBND P.Đông Lương, cho hay: “Nhiều người không nghĩ mưa lũ nước dâng cao và nhanh đến như vậy. Khi nước dâng cao, họ bị mắc kẹt trên mái nhà, buộc chúng tôi phải cứu hộ ngay trong đêm”.

Thủ tướng quyết định xuất cấp 4.000 tấn gạo hỗ trợ nhân dân miền Trung

Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định giao Bộ Tài chính xuất cấp không thu tiền 4.000 tấn gạotừ nguồn dự trữ quốc gia cho các tỉnh: Quảng Bình 1.000 tấn, Quảng Trị 1.000 tấn, Thừa Thiên-Huế 1.000 tấn, Quảng Nam 1.000 tấn để hỗ trợ cứu đói cho nhân dân vùng bị thiên tai, mưa lũ.
Thủ tướng Chính phủ giao UBND các tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam tiếp nhận và sử dụng số gạo được cấp bảo đảm hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, định mức theo quy định.

“May có các chú bộ đội”

Lúc 7 giờ sáng qua, mực nước trên sông Kiến Giang tại H.Lệ Thủy (Quảng Bình) tại trạm Lệ Thủy đã đạt 3,79 m, trên báo động 3 là 1,09 m. Thời điểm đó, phân tích số liệu, Đài khí tượng thủy văn Quảng Bình dự báo mức lũ này còn cách không xa mức lũ lịch sử năm 1979 (3,91 m) và lũ đặc biệt lớn năm 2010 (3,81 m). Độ rủi ro thiên tai đang ở cấp 2. Nhưng chỉ vài giờ sau, lúc 11 giờ trưa, Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình phát cảnh báo sông Kiến Giang tại H.Lệ Thủy đã trên báo động 3 là 1,6 m, vượt lũ lịch sử năm 1979 là 0,39 m. Còn trên sông Gianh, lũ tiếp tục lên nhanh và không loại trừ khả năng xuất hiện lũ đặc biệt lớn.
Tình huống đặc biệt khẩn cấp buộc Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Bình tốc lực triển khai 3 hướng đi trinh sát địa bàn ngay từ sáng sớm. Có mặt trên đoàn trinh sát do thượng tá Trần Chí Hiếu, Phó tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, PV Thanh Niên ghi nhận tình trạng ngập lụt kinh hoàng. Hàng nghìn nhà dân chìm trong nước. Lực lượng cứu hộ tại chỗ vội vã ứng cứu nhiều người dân đang bám trên mái nhà...
Đưa cháu nhỏ thoát khỏi vùng lũ ở Quảng Bình ẢNH: TRƯƠNG QUANG NAM

Đưa cháu nhỏ thoát khỏi vùng lũ ở Quảng Bình

ẢNH: TRƯƠNG QUANG NAM

Đến chiều qua, các thuyền cứu hộ của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Bình vẫn tiếp tục lao ra dòng nước lũ để cấp tập đi cứu dân. Tại thôn Quảng Xá, xã Tân Ninh (H.Quảng Ninh), khi nghe tiếng gọi thất thanh, đoàn ghé thuyền vào và phát hiện bà Nguyễn Thị Quy đang đứng trên trụ cổng nhà hàng xóm kêu cứu. Gần đó, mẹ con chị Hoàng Thị Hậu đang vẫy tay... Khi thuyền vòng qua thôn Thế Lộc (xã Tân Ninh), PV Thanh Niên còn nhận thấy nhiều người hò hét vẫy tay chỉ về hướng có ngôi nhà bị ngập gần đến mái. Đến gần mới thấy một người đang dùng một tay bám cửa, tay kia quơ vội... Sau mới biết đó là em Nguyễn Kế Thành, học sinh lớp 12, và biết có thêm… cha mẹ của Thành (ông Nguyễn Kế Tuyển, bà Nguyễn Thị Thủy) còn kẹt bên trong. “Không ngờ lũ dữ dội quá. Hôm qua đến giờ, gia đình tôi phải ăn mì gói. May có các chú bộ đội cứu kịp, nếu không…”, bà Thủy bỏ dở câu nói.
 

Khẩn trương khắc phục hậu quả bão lũ, giúp dân sớm ổn định cuộc sống

Tối 17.10, trong chương trình “Cả nước chung tay vì người nghèo” năm 2020, ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư T.Ư Đảng, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, cho biết Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã có lời thăm hỏi cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các tỉnh bị bão lũ, đồng thời kêu gọi nhân dân cả nước tiếp tục động viên, giúp đỡ người nghèo, người gặp hoạn nạn, khó khăn.
Thay mặt Ban Thường trực Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, ông Trần Thanh Mẫn đã trân trọng chuyển lời của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tới đồng bào trong và ngoài nước, nội dung như sau:
“Những ngày vừa qua, ở một số tỉnh miền Trung đã xảy ra lũ, lụt nghiêm trọng, làm nhiều người chết, bị thương và mất tích, gây thiệt hại lớn về người, tài sản, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của nhân dân.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi xin bày tỏ sự cảm thông sâu sắc, chia sẻ những mất mát, đau thương; gửi lời chia buồn đến những gia đình có người thân bị nạn do lũ, lụt.
Tôi đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ VN, các ban, ngành, đoàn thể khẩn trương phòng, chống lụt, bão; khắc phục hậu quả; kịp thời thăm hỏi, giúp đỡ nhân dân sớm ổn định cuộc sống, phục hồi sản xuất.
Nhân dịp này, tôi xin chân thành cảm ơn những tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm đã có nhiều hoạt động từ thiện, ủng hộ, giúp đỡ kịp thời, hiệu quả.
Tôi rất mong đồng bào ta ở trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần “tương thân, tương ái”, “thương người như thể thương thân”, hết lòng động viên, giúp đỡ những người đang gặp hoạn nạn, khó khăn, những người nghèo, hộ nghèo, để hạn chế đến mức thấp nhất những tổn thất do thiên tai gây ra”.
Theo Chinhphu.vn

Hàng cứu trợ của Báo Thanh Niên sẽ thả từ trực thăng

Trưa 18.10, sau nhiều giờ di chuyển, đoàn cứu hộ của H.Hướng Hóa đã tiếp cận được hiện trường vụ sạt lở đất ở thôn Tà Rùng (xã Húc, H.Hướng Hóa, Quảng Trị), nơi có 6 người trong một ngôi nhà bị đất đá sạt lở vùi lấp mất tích xảy ra lúc 17 giờ chiều 17.10 (Thanh Niên đã thông tin). Ông Lê Minh Tuấn, Bí thư Huyện ủy Hướng Hóa, cho biết trưa qua, thi thể 6 người trong ngôi nhà này đã được lực lượng chức năng đưa ra ngoài, trong đó có 1 phụ nữ đang mang thai. Công tác xử lý hiện trường gặp rất nhiều khó khăn do lượng đất đá khổng lồ từ vách núi phía sau nhà đổ ụp xuống.
Trong khi đó, ông Hà Sỹ Đồng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, cho biết tối 17.10, chính quyền xã Hướng Việt (H.Hướng Hóa) nhận tin báo có 7 người dân đi làm rẫy bị mất liên lạc liền cử tổ cán bộ xã gồm 7 người đi tìm kiếm. Trên đường đi, do gặp lũ lớn bất ngờ, thượng úy Trương Văn Thắng (công an viên xã Hướng Việt) trong tổ tìm kiếm cứu nạn đã tử vong; 2 người khác bị thương nặng gồm Chủ tịch UBND xã và Phó bí thư thường trực Đảng ủy xã; 4 người còn lại trong tổ tìm kiếm cứu nạn bị thất lạc nhưng an toàn, mãi đến trưa qua (18.10) mới liên lạc được. Trong khi đó, nhóm 7 người dân đi rẫy hiện vẫn đang mất tích.
Theo ông Hà Sỹ Đồng, lực lượng chức năng vẫn chưa tiếp cận hiện trường, vì xã Hướng Việt nằm ngay sau xã Hướng Phùng (hiện trường sạt lở làm 22 cán bộ, chiến sĩ Đoàn 337 bị vùi lấp) trên tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh tây, có rất nhiều điểm sạt lở.
Cũng theo ông Hà Sỹ Đồng, hiện xã Hướng Việt có hơn 10 người chết và mất tích do mưa lũ, hàng trăm hộ dân với khoảng 500 nhân khẩu bị chia cắt. “Người dân đang đói và rét, thiếu rất nhiều nhu yếu phẩm nếu mưa lớn tiếp tục diễn ra trong những ngày tới. Chúng tôi đã đề nghị Bộ Quốc phòng hỗ trợ trực thăng để ứng cứu, hỗ trợ người dân và công tác cứu hộ”, ông Đồng nói.
Thông tin từ trung tướng Nguyễn Tân Cương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, cho biết đã có chủ trương điều 2 trực thăng bay vào khu vực có người mất tích cũng như các khu dân cư bị cô lập ở Hướng Việt để thả nhu yếu phẩm, thuốc men... Ngay trong đêm 18.10, Báo Thanh Niên đã bàn giao 400 thùng mì tôm đầu tiên cho Trung đoàn 930, Sư đoàn 372 thuộc lực lượng Phòng không - Không quân tại sân bay Phú Bài làm nhiệm vụ thả hàng cứu trợ vào sáng sớm 19.10 đến người dân tỉnh Quảng Trị đang bị cô lập vì mưa lũ tang thương.
Hoàng Sơn 

Mưa cực lớn ở Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.