Nhưng cũng khó trách, bởi 2 dự án đường sắt đô thị (metro) số 1 và 2 ra đời trước khi TOD được đặt ra và giờ là được thí điểm theo Nghị quyết 98. Nếu tính trước, khâu giải phóng mặt bằng phải "ôm" luôn phần đất dành phát triển đô thị xung quanh. Chứ metro số 1 và số 2 từ khi được phê duyệt, khởi động đến nay đã cả thập niên, đất hai bên được người dân mua hết, giá đất cũng đã cao vời vợi, giải tỏa thêm sẽ rất tốn kém và đặc biệt là rất mất thời gian. Vì thế với 2 tuyến metro này, có lẽ TP sẽ tập trung vào khu vực ngoại thành, như đề xuất của nhiều chuyên gia tại cuộc họp mới đây.
Cái gì chậm thì cũng chậm rồi, vấn đề của TP.HCM bây giờ là phải tăng tốc áp dụng mô hình TOD ở phần còn khả thi của 2 dự án trên và đặc biệt là ở các dự án sau này. Bởi với một siêu đô thị nói chung và TP.HCM nói riêng, giao thông công cộng là tất yếu. Bao năm qua, TP cũng trăn trở nâng lên đặt xuống đề án hạn chế xe cá nhân, xây dựng mạng lưới metro, xe buýt...
Bao năm qua, TP cũng đau đáu phát triển các đô thị vệ tinh để giãn dân khu vực trung tâm thì TOD, với mục tiêu là tạo ra các khu vực đô thị dễ dàng tiếp cận bằng phương tiện giao thông công cộng, giảm sự phụ thuộc phương tiện giao thông cá nhân, thúc đẩy lối sống bền vững, thân thiện môi trường, chính là lời giải cho các chiến lược này. Đặc biệt là nhà nước có nguồn thu rất lớn, hoặc ít nhất là thu hồi được tiền bỏ ra làm dự án hạ tầng. Chúng ta đều biết, ngân sách eo hẹp chính là nguyên nhân khiến nhiều dự án trọng điểm chậm tiến độ, dở dang. Cũng vì chậm tiến độ, dở dang dẫn đến tình trạng đội các loại giá, dẫn đến các vấn đề không giải quyết được như kẹt xe, ô nhiễm, ùn tắc giao thông…; kéo trì cả cơ hội phát triển của TP. Những khó khăn, bế tắc này sẽ được giải tỏa nếu áp dụng thành công mô hình TOD trong thời gian tới.
Trên thực tế, TP đang có lợi thế lớn để áp dụng mô hình TOD. TP có tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên sắp đi vào hoạt động, tuyến metro số 2 Bến Thành - Tham Lương cũng tăng tốc. Theo quy hoạch, TP.HCM có 8 hệ thống metro xuyên tâm và vành khuyên kết nối các khu vực chính của TP. Rồi đường vành đai 2, 3, 4 cũng đang vận dụng cơ chế đặc thù của Nghị quyết 98 để chạy nước rút... Đây là cơ sở quan trọng để TP phát triển mô hình TOD dọc các tuyến này.
Thế nhưng, cơ hội, thuận lợi luôn đi kèm thách thức. Chẳng nói đâu xa, ngay việc giải ngân đầu tư công, dù TP hết sức quyết tâm, quyết liệt nhưng tiến độ vẫn đang rất chậm. Cụ thể, năm 2024, TP.HCM được giao giải ngân vốn đầu tư công gần 80.000 tỉ đồng và đặt mục tiêu giải ngân trên 95%. Tuy nhiên đến hết tháng 5, tỷ lệ giải ngân chỉ được khoảng 14%, trong đó không ít dự án bị chậm vì khâu giải phóng mặt bằng. Mới đây, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã có văn bản phê bình các đơn vị chậm trễ và yêu cầu đẩy nhanh tiến độ và có báo cáo giải trình cụ thể.
Có lẽ đã đến lúc phải có những chế tài nghiêm khắc hơn về tiến độ, nếu không thì những lợi thế cũng sẽ bị vô hiệu hóa bởi sự ì ạch của bộ máy hành chính. TOD cần tăng tốc. Đừng để vài năm nữa nhìn lại, nhiều dự án lại bỏ lỡ cơ hội chỗ này, chỗ kia... như câu chuyện của metro số 1 nói trên.
Bình luận (0)