Theo đó, Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan khẩn trương làm việc với phía Trung Quốc để thống nhất biên bản ghi nhớ, phương án hỗ trợ, hợp tác đầu tư về 3 tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Đồng Đăng, Hạ Long - Móng Cái (tuyến đường sắt ven biển Nam Định - Thái Bình - Quảng Ninh kéo dài).
Bên cạnh đó, cần sớm đầu tư các tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Đồng Đăng, Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng, kết hợp vận tải hàng hóa và hành khách; tuyến Cần Thơ - TP.HCM chủ yếu là hành khách. Trước mắt, cần tập trung đầu tư các tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng (phấn đấu khởi công trong năm 2025), nghiên cứu phương án sử dụng vốn vay ưu đãi nước ngoài (xác định rõ lãi suất vay ưu đãi, giá trị vay và thời gian vay) và phương án phát hành trái phiếu để đầu tư. Đồng thời sớm khởi động lại để triển khai đầu tư hoàn thành tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân theo đúng Kết luận số 49-KL/TW của Bộ Chính trị.
Trao đổi với Thanh Niên, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cho biết hiện Bộ GTVT đang tích cực nghiên cứu đầu tư các tuyến mới theo chỉ đạo. Riêng với tuyến Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân, hiện đang nghiên cứu điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án làm cơ sở triển khai đầu tư trong giai đoạn 2026 - 2030. Đây là dự án đã dở dang hơn 18 năm, vẫn trong tình cảnh "cầu chờ đường, đường chờ ray". Tuyến đường sắt này có vai trò quan trọng trong phát triển hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.
Theo ông Đặng Sỹ Mạnh, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt VN, việc đầu tư các tuyến đường sắt mới là cực kỳ cần thiết, đặc biệt là hạ tầng kết nối trục ngang để vận tải hàng hóa, trong đó tuyến cần làm nhất là Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. "Nếu khai thác được tuyến này sẽ khai thác được năng lực cảng biển Hải Phòng và phía nam, tây của Trung Quốc tới Tây Á và châu Âu. Đây sẽ là con đường ngắn nhất để vận chuyển, từ đó chi phí sẽ rẻ đi, tiết kiệm thời gian. Tuyến đường sắt này rất cần và lẽ ra nên làm sớm, nhưng hiện vẫn đang vướng. Trong khi đó, Lào đã có kế hoạch nối đường sắt với Thái Lan, Malaysia và Trung Quốc, sẽ tạo ra con đường xuyên Á. Nếu không làm sớm thì mình sẽ chậm chân", ông Mạnh nói.
Đặc biệt, cũng theo lãnh đạo VNR, trong nỗ lực tăng cường vận tải hàng hóa, đường sắt sẽ nghiên cứu mở rộng thêm các tàu liên vận. Hiện ga Kép (Bắc Giang) được phép khai thác hoạt động liên vận quốc tế từ tháng 2.2023, ngoài phục vụ hàng công nghiệp chế biến xuất khẩu của tỉnh, các chuyến tàu liên vận cũng đã góp phần xuất khẩu vải thiều tươi sang Trung Quốc.
Khu vực phía nam, tại ga Sóng Thần (Bình Dương) đã đón, tiễn các chuyến tàu container liên vận quốc tế, phục vụ hàng công nghiệp, nông sản, trái cây tươi xuất nhập khẩu của tỉnh Bình Dương và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Tại ga Yên Viên, tàu chuyên tuyến từ Thạch Gia Trang (tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc) sang và ngược lại đã mở ra tuyến vận tải liên vận quốc tế mới.
Biến tàu Bắc - Nam hiện tại thành "di sản sống"
Theo ông Đặng Sỹ Mạnh, VNR dự kiến sẽ xây dựng những đoàn tàu mang tên các tỉnh, mang những điểm đặc sắc của từng địa phương lên tàu, không chỉ kết nối du lịch mà còn quảng bá đầu tư. Hai là những đoàn tàu cao cấp 5 sao chuyên du lịch, phục vụ khách phân khúc cao, chạy càng chậm càng tốt, chở càng ít người càng tốt, thậm chí có thể nghiên cứu làm cả bể bơi trên tàu, có những dịch vụ rất cao cấp. Ngoài ra, có những đoàn tàu phục vụ di sản, trưng bày cả những giá trị di sản văn hóa như một triển lãm, đến từng tỉnh dừng lại vài ngày cho hành khách xem. Bản thân nhiều đoàn tàu hiện cũng là một "di sản sống" với đầu máy diesel, hay tới đây là đầu máy hơi nước chạy qua đèo Hải Vân (hiện đã phục chế được 2 đầu máy tại nhà máy Dĩ An)…
Bình luận (0)