Cụ thể, Bộ GTVT được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan khẩn trương làm việc với phía Trung Quốc để thống nhất biên bản ghi nhớ, phương án hỗ trợ, hợp tác đầu tư về 3 tuyến đường sắt: Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Đồng Đăng, Hạ Long - Móng Cái (tuyến đường sắt ven biển Nam Định - Thái Bình - Quảng Ninh kéo dài).
Thường trực Chính phủ đánh giá cần sớm đầu tư 3 tuyến đường sắt này, kết hợp vận tải hàng hóa và hành khách. Trước mắt cần tập trung đầu tư các tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng (phấn đấu khởi công trong năm 2025), nghiên cứu phương án sử dụng vốn vay ưu đãi nước ngoài (xác định rõ: lãi suất vay ưu đãi, giá trị vay và thời gian vay) và phương án phát hành trái phiếu để đầu tư.
Đồng thời, tăng tốc tiến độ triển khai dự án đường sắt cao tốc TP.HCM - Cần Thơ, bổ sung vào chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Tuyến TP.HCM - Cần Thơ sẽ chủ yếu chở hành khách. Ngoài ra, Bộ GTVT cần cần sớm khởi động lại để triển khai đầu tư hoàn thành tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân theo đúng Kết luận số 49 của Bộ Chính trị.
Cần đầu tư thêm một số tuyến đường sắt quốc gia
Trước đó, Cục Đường sắt Việt Nam cho biết, đơn vị này đang làm việc với Cục Đường sắt quốc gia Trung Quốc thống nhất điểm nối ray đường sắt khổ tiêu chuẩn 1.435 mm giữa hai bên.
Theo đó, hai bên sẽ thúc đẩy việc xây dựng thỏa thuận liên Chính phủ về phương án, điểm nối ray đường sắt khổ tiêu chuẩn giữa ga Lào Cai, Việt Nam và ga Hà Khẩu Bắc, Trung Quốc, làm cơ sở để triển khai xây dựng đoạn tuyến này vào năm 2025, chuẩn bị sẵn sàng cho tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng khổ tiêu chuẩn đang được thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư.
Về phía Việt Nam, hiện Dự án đấu nối ray giữa ga Lào Cai với ga Hà Khẩu Bắc đã được đề xuất đầu tư giai đoạn 2021 - 2025 với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 2.206 tỉ đồng.
Bình luận (0)