Tìm hiểu từ thực tế
Do mọi sinh hoạt của cậu học sinh lớp 11A11 Trần Phan Thanh Hải, người bị teo cơ chân tay, quẹo cột sống, đều dồn lên vai mẹ nên Hải đã nghiên cứu phần mềm khám lâm sàng nhằm phát hiện sớm bệnh hiểm nghèo.
Đề tài nghiên cứu khoa học của cậu học trò Trường THPT Marie Curie mang tên Khám lâm sàng nhằm phát hiện sớm bệnh hiểm nghèo, tránh lạm dụng thuốc kháng sinh tương thích trên smartphone và web quản lý giúp làm giảm thời gian chờ khám, sự quá tải ở bệnh viện.
|
Để thực hiện phần mềm này, Thanh Hải đã tìm hiểu thực tế cuộc sống bận rộn khiến mọi người càng ngày càng ít quan tâm đến sức khỏe, tự ý điều trị và uống thuốc. Đặc biệt, việc tự ý sử dụng thuốc kháng sinh đã lên tới mức báo động qua cảnh báo của Tổ chức y tế thế giới, ước tính vào năm 2050, trên thế giới, cứ sau 3 giây sẽ có một người tử vong do bệnh kháng thuốc.Ngoài ra, Hải cũng nhìn thấy cảnh quá tải bệnh viện, người bệnh phải ngồi chờ cả ngày để được khám khiến mất quá nhiều thời gian và công sức, ảnh hưởng tới công việc, giờ lao động.
Vì vậy, Hải đưa ra hướng giải quyết cần phải có phương tiện giúp người dân hiểu rõ tình trạng và mức độ nguy hiểm của bệnh để họ đi khám trong điều kiện thuận lợi nhất.
Nghiên cứu vì tình yêu với mẹ
Từ đó Hải bắt tay vào viết phần mềm khám lâm sàng sử dụng trí tuệ nhân tạo nhằm bổ sung kiến thức cho người dân giúp họ phân biệt được bệnh thông thường và bệnh nguy hiểm, nguy cơ, tác hại, hậu quả khi không điều trị sớm bệnh để họ đi khám ngay, không tự ý điều trị. Đồng thời xây dựng hệ thống Web Services nhằm liên kết các bệnh viện lại với nhau, công bố số người đã bóc số các số chuẩn bị vào khám… Với tính năng trên, người bệnh chỉ cần lên trang web xem bệnh viện nào không quá tải để vào khám và lấy số thứ tự từ xa.
Theo diễn giải của cậu học sinh lớp 11 này, muốn lấy số từ xa, bệnh nhân ghi lại số điện thoại, email để sau khi bốc số, hệ thống sẽ gửi mail thông báo yêu cầu xác nhận số thứ tự. Sau khi xác nhận, hệ thống sẽ gửi phiếu bóc số qua mail cho bệnh nhân và sẽ thông báo số sắp chuẩn bị vào khám để họ tới khám đúng lúc, không phải chờ đợi.
|
Chẳng hạn, sau khi bệnh nhân bốc được số 500, họ hẹn đến khi số chuẩn bị là 450 ( tuỳ vào quãng đường đi đến bệnh viện mà chọn số thông báo gần hay xa số bốc được) thì hệ thống thông báo cho họ. Trong thời gian chờ, bệnh nhân có thể tranh thủ xử lý công việc cá nhân cho đến khi nhận tin nhắn thông báo đến số 450, họ sẽ chuẩn bị đi đến bệnh viện.
|
Chia sẻ ý tưởng thực hiện đề tài, Trần Phan Thanh Hải xúc động nói: “Hàng ngày, để giúp em đến trường, mẹ phải vất vả quá nhiều. Mẹ tranh thủ sau giờ làm đưa đón, chăm sóc em khiến không còn thời gian nghỉ ngơi. Có những ngày, bệnh mà mẹ không dám di khám vì thời gian chờ đợi quá lâu “ai sẽ lo cho Hải”. Yêu mẹ, em biết không biết làm gì hơn ngoài cố gắng học tốt và thực hiện phần mềm này. Trước hết vì mẹ và giúp thêm cho những bậc phụ huynh cả ngày phải chăm sóc con em”.
Giải 3 cuộc thi nghiên cứu khoa học cấp thành phố
Ngày 9.1, theo thông tin từ Sở GD- ĐT TP.HCM, đề tài nghiên cứu khoa học của Trần Phan Thanh Hải đạt giải 3 cuộc thi nghiên cứu khoa học cấp TP. Ông Cao Minh Quý, Phó phòng Giáo dục Trung học Sở GD- ĐT TP.HCM, thành viên ban giám khảo nhận xét: “Để tài của Thanh Hải mang giá trị nhân văn cao. Xuất phát từ chính cuộc sống của mình mà em có ý thức tìm hiểu và vận dụng kiến thức vào đam mê nghiên cứu. Đặc biệt, qua kiến thức lập trình đã học trong trường, Hải đã biết phát triển sang những ngôn ngữ lập trình hiện đại để thực hiện mục tiêu nghiên cứu của mình”
Còn ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Marie Curie, cho hay, hiện có một số bệnh viện tại TP.HCM hứa sẽ hỗ trợ thêm về mặt chuyên môn để hoàn thiện phần mềm đưa vào sử dụng.
|
Bình luận (0)