Các chuyên gia thuộc Đại học Kỹ thuật Munich (TUM) tạo ra trái tim siêu nhỏ bằng cách dùng 35.000 tế bào gốc vạn năng, sau đó dùng máy ly tâm trong phòng thí nghiệm để định hình chúng lại thành một khối cầu, theo tờ Ibtimes (Úc).
Trái tim siêu nhỏ này có cả tế bào cơ tim và lớp ngoài của thành tim. Nó có kích thước chỉ 0,5 mm và được đặt trong đĩa petri, loại đĩa làm bằng thủy tinh hay chất dẻo thường được dùng để nuôi cấy tế bào trong phòng thí nghiệm.
Trên thực tế, trái tim này là một mô hình organoid. Organoid là lĩnh vực sử dụng các tế bào gốc để tạo ra các mô hình 3D sinh học siêu nhỏ. Các mô hình này có thể mô phỏng lại các chức năng, cấu trúc và cơ chế sinh học phức tạp của một cơ quan nào đó.
Dù trái tim siêu nhỏ do các nhà khoa học Đức tạo ra không thể bơm máu nhưng nó có thể được kích thích bằng điện và co bóp y hệt buồng tim thực sự của con người.
Tái tạo thành công trái tim siêu nhỏ trong phòng thí nghiệm sẽ giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về quá trình hình thành tim cũng như tìm ra phương pháp giúp điều trị đau tim và các bệnh về tim khác.
Trong vài tháng tới, nhóm nghiên cứu sẽ sử dụng nhiều loại thuốc và chất hữu cơ khác nhau để xác định loại nào có khả năng cải thiện được các dị tật tim bẩm sinh, theo Ibtimes.
Bình luận (0)