Những lưu ý để có trái tim khỏe

12/03/2023 00:08 GMT+7

Số lượng các trường hợp người trẻ tử vong do ngừng tim đột ngột (SCA) trong thời gian gần đây có dấu hiệu gia tăng. Một nghiên cứu gần đây của các nhà khoa học Mỹ cho thấy, tỷ lệ ngưng tim đột ngột ở những người trong độ tuổi 30 - 40 đã tăng 13%, theo First Post.

Để có một trái tim khỏe, một cuộc sống lành mạnh hơn, các chuyên gia khuyên mọi người nên loại trừ 5 yếu tố "S" ra khỏi thói quen sống. 

1. Hút thuốc (Smoking): Hút thuốc là một trong những mối nguy hiểm đối với sức khỏe và gây ra nhiều bệnh tật, bao gồm ung thư phổi, bệnh tim và đột quỵ. Các hóa chất trong khói thuốc lá cũng có thể gây hại cho hệ thống miễn dịch của cơ thể và làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Có nhiều phương pháp giúp bạn bỏ hút thuốc như dùng miếng dán nicotine, kẹo cao su, viên ngậm hoặc bạn có thể tìm kiếm sự trợ giúp của chuyên gia y tế.

2. Muối (Salt): Tiêu thụ quá nhiều muối có thể dẫn đến huyết áp cao, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ. Hiệp hội Tim mạch Mỹ khuyến cáo người lớn nên tiêu thụ không quá 2.300 miligam (mg) natri mỗi ngày, tương đương với một thìa cà phê muối. Có thể giảm lượng muối bằng cách chú ý đến thông tin dinh dưỡng của sản phẩm, tránh thực phẩm chế biến, đóng gói sẵn.

Những lưu ý để có trái tim khỏe - Ảnh 1.

Tiêu thụ quá nhiều muối có thể dẫn đến huyết áp cao, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ

Shutterstock

3. Rượu (Spirit): Uống rượu có thể dẫn đến một loạt vấn đề về sức khỏe, bao gồm bệnh gan, huyết áp cao và tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư. Các chuyên gia khuyến nghị nam giới không uống quá hai ly mỗi ngày và phụ nữ không uống quá một ly rượu mỗi ngày.

4. Lối sống ít vận động (Sedentary lifestyle): Ngồi hoặc nằm trong thời gian dài có thể dẫn đến một loạt vấn đề sức khỏe như béo phì, bệnh tim và tiểu đường. Hiệp hội Tim mạch Mỹ khuyến nghị người trưởng thành nên tập thể dục cường độ vừa phải ít nhất 150 phút/tuần hoặc 75 phút/tuần đối với các bài tập thể dục mạnh. Ngoài ra, bạn nên thường xuyên đi thang bộ, đi bộ, đạp xe.

5. Căng thẳng (Stress): Căng thẳng mạn tính có thể tác động tiêu cực đến sức khỏe thể chất và tinh thần. Nó có thể dẫn đến lo lắng, trầm cảm, huyết áp cao và bệnh tim. Bạn có thể quản lý căng thẳng thông qua các biện pháp thư giãn như thiền, hít thở sâu hoặc yoga. Ngoài ra, sự giúp đỡ của các chuyên gia sức khỏe tâm thần là điều cần thiết để giúp bạn kiểm soát căng thẳng. Cùng với đó, đảm bảo ngủ đủ giấc và đều đặn cũng là biện pháp hữu hiệu để duy trì một trái tim khỏe.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.