Luôn thiếu vận động
Tại TP.HCM, các trường phổ thông gần như đã xóa sổ giờ thể dục giữa giờ. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do nhiều trường thiếu sân bãi tập luyện hoặc có sân bãi nhưng chật chội; có trường như THCS Trần Bội Cơ (Q.5), THCS Lam Sơn (Q. Bình Thạnh)… sân chỉ đủ chỗ dành cho học sinh để xe.
|
Để học sinh (HS) có sự vận động, các trường phổ thông chỉ dựa vào 2 tiết thể dục/tuần trong chương trình chính khóa và thành lập các câu lạc bộ (CLB) thể dục thể thao. Nhưng xét cho cùng, 2 tiết thể dục/tuần chẳng thấm vào đâu, khi mà các hoạt động thể lực thường phải được tập luyện thường xuyên và đều đặn. Còn các CLB thể dục thể thao chủ yếu nằm ở bậc THPT nhưng trường có, trường không. Đối với bậc học tiểu học, THCS, rất ít trường có các CLB thể dục thể thao mà chủ yếu là CLB học thuật. Điển hình như tại Q.5, trong 21 trường tiểu học, 9 trường THCS chỉ có một CLB bóng đá của Trường THCS Lý Phong.
Có rất ít trường chủ động tạo ra các phương án nâng cao thể chất cho HS. Chẳng hạn Trường tiểu học Nguyễn Thiện Thuật (Q.3) tổ chức cho toàn HS học võ mỗi tuần 2 buổi và nhiều môn năng khiếu khác, như: nhảy dân vũ, bóng đá, cầu lông… Trường THCS Mạch Kiếm Hùng (Q.5), từ đầu năm học này cũng đã bắt đầu dạy võ cho HS.
Theo lý giải của lãnh đạo nhiều trường, không phải trường nào cũng thành lập CLB được. “Thành lập CLB thể dục thể thao, trước tiên phải có sân tập cho các em sinh hoạt. Như trường tôi, hiện đang xây dựng chưa hoàn thành, phải học nhờ ở trường tiểu học, thì lấy sân đâu tập luyện, sinh hoạt”, ông Trần Ngọc Minh - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Văn Tăng, Q.9, TP.HCM.
Đừng để học sinh biết trái banh qua hình vẽ
Cái khó hiện nay không chỉ nằm ở vấn đề sân bãi mà còn nằm ở chỗ, HS không có thời gian lẫn thói quen chơi thể thao, tập thể dục. Nhất là ở bậc tiểu học, các em phải học 2 buổi/ngày, tối về nhiều phụ huynh còn cho con học thêm, vậy thì lấy thời gian đâu để chơi thể thao.
Theo TS Hồ Thiệu Hùng, nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, Việt Nam chúng ta đang lâm vào tình trạng “trẻ uống trà, già tập thể dục”, khi mà người trẻ, nhất là HS ít hoạt động thể lực. Giáo dục của chúng ta nói là toàn diện nhưng thực chất không phải như vậy. Bởi vì mục đích cuối cùng của phụ huynh và HS là học giỏi và đậu ĐH, ra trường tìm được việc làm; nhà trường giáo dục cũng vì mục tiêu: đạt tỷ lệ HS giỏi, số lượng HS đậu ĐH cao… Dường như không có trường nào đặt mục tiêu về việc phát triển thể chất cho HS (ngoại trừ các trường đặc thù đào tạo học sinh năng khiếu thể dục thể thao).
Ông Nguyễn Văn Phú, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Thiện Thuật (Q.3, TP.HCM) cho biết: “Nước Úc từng đưa ra phương án giảm tỷ lệ béo phì, tim mạch cho HS bằng cách, nâng cao giáo dục thể chất trong trường học, cộng đồng. Theo lý giải của họ việc này nhằm tạo ra những thế hệ lao động, trí thức kế thừa khỏe mạnh, thay vì phải dồn ngân sách để chữa bệnh”.
TS Hồ Thiệu Hùng nói: “Điều tôi lo ngại nhất hiện nay là trong thể thao, chúng ta thua kém nhiều nước trong khu vực. Còn chiều cao thì thấp bé. Tôi lo ngại đến một ngày, lính không quân, tàu ngầm không tuyển được người đủ sức khỏe, chiều cao công tác. Đừng để HS chỉ biết trái banh thông qua hình vẽ. Ngành giáo dục cần phải xác định lại mục tiêu giáo dục. Đồng thời đặt giáo dục thể chất ngang tầm với giáo dục tri thức, đạo đức”.
Năm 2020, 55% trường phổ thông có CLB thể dục thể thao
Năm 2011, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030 với mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; từng bước nâng cao chất lượng giống nòi và tăng tuổi thọ khỏe mạnh của người Việt Nam... Một trong 4 chương trình của đề án có đặt ra vấn đề: Phát triển thể lực, tầm vóc bằng giải pháp tăng cường giáo dục thể chất đối với học sinh từ 3-18 tuổi do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chủ trì thực hiện. Mục tiêu đặt ra đến năm 2020 có 55% tổng số trường phổ thông các cấp có câu lạc bộ thể dục thể thao, có hệ thống cơ sở vật chất đủ phục vụ cho hoạt động thể dục thể thao... và tỷ lệ này tăng lên 90% vào năm 2030. |
Minh Luân
>> Bỏ quên dinh dưỡng tuổi học đường
>> Thiếu nhân viên y tế học đường
>> Tập thể dục tốt cho não
>> Tập thể dục có thể giảm thèm ăn
>> Thể dục chữa lành tổn hại của tim
Bình luận (0)