Tập đoàn logistics thứ ba thế giới mong Thái Bình là 'mắt xích vận tải toàn cầu'

26/03/2024 17:30 GMT+7

Thái Bình có vị trí địa lý đặc biệt ý nghĩa đối trong hoạt động của Tập đoàn hậu cần vận tải DSV AIR & SEA (Thụy Điển) quy mô lớn thứ 3 thế giới về logistics và mong địa phương này sẽ trở thành một mắt xích trong bản đồ vận tải toàn cầu của doanh nghiệp này.

Đó là chia sẻ từ ông Marco Ruocco, phụ trách bán hàng tại Thụy Sĩ của Tập đoàn hậu cần vận tải DSV AIR & SEA (Thụy Điển), tại hội thảo xúc tiến đầu tư và thương mại với chủ đề: Khu kinh tế Thái Bình - Vệ tinh kinh tế đang lên tại miền Bắc Việt Nam, diễn ra ngày 22.3, tại TP.Zurich, Thụy Sĩ. 

Thái Bình có 3 yếu tố "hấp dẫn", thu hút các nhà đầu tư

Hội thảo do Nhịp cầu Kinh doanh Việt Nam - Thụy Sĩ (SVBG) và Phòng thương mại Thụy Sĩ - Á châu (SACC), phối hợp với UBND tỉnh Thái Bình và Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Sĩ tổ chức. Đây là hoạt động nằm trong chuyến công tác của lãnh đạo UBND tỉnh Thái Bình, do Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Khắc Thận làm trưởng đoàn, cùng 10 doanh nghiệp đi xúc tiến đầu tư tại Thụy Sĩ, Đức.

Tập đoàn logistics thứ ba thế giới mong Thái Bình là 'mắt xích vận tải toàn cầu'- Ảnh 1.

Doanh nghiệp Thụy Sĩ đặt nhiều câu hỏi, quan tâm đến các dự án tại tỉnh Thái Bình

BTC

Theo lãnh đạo tỉnh Thái Bình, Thụy Sĩ đặc biệt mạnh về tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, công nghiệp chế tạo, dược phẩm, chế biến nông sản thực phẩm, năng lượng tái tạo và dịch vụ du lịch, đây cũng là những lĩnh vực mà địa phương này đang tìm kiếm đầu tư, hợp tác để phát triển, tạo dựng nền tảng kinh tế xã hội vững mạnh.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Quang Hưng, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thái Bình, khẳng định địa phương này đang vươn lên mạnh mẽ và trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn bậc nhất các tỉnh phía bắc Việt Nam.

Cụ thể, Thái Bình có Khu kinh tế Thái Bình, là địa bàn đặc biệt ưu đãi đầu tư, với mức ưu đãi đầu tư cao nhất theo quy định của pháp luật Việt Nam. Diện tích đất phát triển công nghiệp lớn (8.020 ha), đáp ứng tốt nhu cầu phát triển của nhà đầu tư. 

Thái Bình có vị trí địa lý thuận lợi, giáp với TP.Hải Phòng, tiếp cận trực tiếp hệ thống giao thông quốc gia, cách sân bay quốc tế Cát Bi (Hải Phòng) khoảng 35 km, cảng Lạch Huyện (Hải Phòng) khoảng 50 km, cách sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội) khoảng 140 km... Bên cạnh đó, địa phương này có nguồn nhân lực  với trên 1 triệu người đang trong độ tuổi lao động.

Đặc biệt, chính quyền Thái Bình luôn đồng hành, hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư trong suốt quá trình nghiên cứu đầu tư, triển khai dự án và hoạt động sản xuất kinh doanh. 

Nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Thụy Sĩ ở Thái Bình

Nhiều dự án Thái Bình đang thu hút, đầu tư nhận được sự quan tâm của các doanh nghiệp Thụy Sĩ. 

Cụ thể, ông Nicolas Panzer, Phụ trách quan hệ trong lĩnh vực công nghệ y khoa (MedTech) từ cơ quan xúc tiến xuất khẩu và đầu tư ra nước ngoài của chính phủ Thụy Sĩ (Switzerland Global Enterprise), quan tâm đến dự án xây dựng Khu công nghiệp dược - sinh học (Biopharma Park) đầu tiên tại Việt Nam với quy mô 300 ha, vốn đầu tư 150 - 200 triệu USD (tại H.Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình) khi đặt câu hỏi về quy định của Việt Nam trong lĩnh vực nhập khẩu và phân phối dược phẩm, thiết bị y tế.

Tập đoàn logistics thứ ba thế giới mong Thái Bình là 'mắt xích vận tải toàn cầu'- Ảnh 2.

Lãnh đạo tỉnh Thái Bình chụp ảnh lưu niệm với các doanh nghiệp Thụy Sĩ tham gia hội thảo

BTC

Ông Marco Ruocco, phụ trách bán hàng tại Thụy Sĩ của Tập đoàn hậu cần vận tải DSV AIR & SEA (Thụy Điển) đã có 2 văn phòng ở Việt Nam, nhìn nhận vị trí địa lý của Thái Bình rất có ý nghĩa đối với hoạt động doanh nghiệp này và mong muốn Thái Bình phát triển được hệ thống hạ tầng kinh tế như trong quy hoạch chiến lược của tỉnh này và trở thành một mắt xích trong bản đồ vận tải biển của tập đoàn toàn cầu này.

Trong khi đó, Giám đốc mua hàng của công ty cung ứng thiết bị và giải pháp năng lượng mặt trời 3SSwiss Solar Solutions, ông Jonas Franceschina bày tỏ sự quan tâm về các dự án năng lượng tái tạo ở Thái Bình; đại diện tập đoàn thiết bị ngành đường sắt nổi tiếng của Thụy Sĩ - Stadler Rail muốn tìm hiểu về dự án đường sắt mà chính phủ Việt Nam dự kiến xây dựng đi qua tỉnh Thái Bình...

Từ góc nhìn doanh nhân đã và đang có hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, ông Roger Leitner, Giám đốc điều hành, Chủ tịch Ủy ban Việt Nam của SAC, bày tỏ: "Tôi đã tìm thấy ở Việt Nam nhiều cơ hội cho các công ty Thụy Sĩ. Thái Bình, với tư cách là một vệ tinh kinh tế đang lên, có thể mang lại nhiều cơ hội hơn nữa cho các nhà đầu tư".

Còn theo bà Nguyễn Thị Thục, Chủ tịch sáng lập SVBG, chính quyền và doanh nghiệp tỉnh Thái Bình thực sự khao khát và có hoài bão đưa Thái Bình nhà từ một tỉnh thuần nông trở thành một thành phố hiện đại, công nghiệp hóa và thịnh vượng. "Tôi tin rằng Thái Bình sẽ vươn lên nhanh và thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư châu Âu", bà Thục nói.






Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.