UBND tỉnh Thái Bình: Khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải chỉ là tên gọi của rừng đặc dụng

Cù Hiền
Cù Hiền
29/08/2023 16:48 GMT+7

Theo đại diện UBND tỉnh Thái Bình, tỉnh này chỉ có duy nhất một Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Thái Thụy, còn Khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải chỉ là tên gọi của rừng đặc dụng.

Những ngày qua, thông tin Khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải (H.Tiền Hải, Thái Bình) có nguy cơ bị "xóa sổ" đã làm "nóng" dư luận. Ngày 29.8, PV Thanh Niên đã liên hệ với lãnh đạo UBND tỉnh Thái Bình và được giới thiệu Sở NN-PTNT là đầu mối cung cấp thông tin.

Trên cơ sở đó, Giám đốc Sở NN-PTNT Thái Bình Đinh Vĩnh Thụy đã chỉ đạo ông Đinh Hải Lục, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, có cuộc làm việc với PV Thanh Niên.

Nhập nhèm tên gọi 'sai' từ trong... quá khứ?

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Đinh Hải Lục cho biết tên gọi và dữ liệu của Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải (viết tắt là Khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải - PV) xuất phát từ dữ liệu được kế thừa từ toàn bộ hồ sơ dự án của những năm trước H.Tiền Hải đã thực hiện, thể hiện trong Quyết định 660/KH ngày 4.10.1995 của Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp phê duyệt dự án khả thi.

Thái Bình nói gì về khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải - Ảnh 1.

Hình ảnh Khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải

CÙ HIỀN

Theo đó, Quyết định 660/KH phê chuẩn dự án khả thi Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải với tên công trình là Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải. Đáng chú ý, trong đó có đoạn nêu: "Nếu tính theo Công ước Ramsar (công ước quốc tế về bảo tồn và sử dụng một cách hợp lý và thích đáng các vùng đất ngập nước - PV) đến độ sâu 6 m nước thì diện tích là 45.000 ha, tính theo mực nước biển thì diện tích là 12.500 ha".

Mục tiêu của dự án trên là bảo tồn hệ sinh thái đất ngập nước điển hình vùng cửa sông Hồng của Việt Nam, là vùng Việt Nam đăng ký vào danh sách các vùng bảo vệ theo Công ước Ramsar bảo vệ cảnh quan, bảo vệ di trú của các loài chim nước, đặc biệt là các loài chim nước di cư quý hiếm. Bảo vệ hiện trường cho việc nghiên cứu môi trường và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên" với số tiền đầu tư 9,157 tỉ đồng. Tuy nhiên khi trình lên T.Ư thì không được phê duyệt cấp vốn vì nằm trong mục C (số tiền quá ít - PV).

"Tuy nhiên, đã lỡ làm dự án này rồi nhưng không được cấp vốn nên H.Tiền Hải đã trình UBND tỉnh để trình ban quản lý dự án với nhân sự kiêm nhiệm để xin kinh phí thực hiện dự án này", ông Lục nói.

Năm 2001, dựa trên đề nghị của UBND H.Tiền Hải, tỉnh Thái Bình đã ban hành quyết định thành lập Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải, Thái Bình để phục vụ dự án này. Tuy nhiên, khi khu bảo tồn này chưa được thành lập thì đã có ban quản lý, có con dấu riêng.

"Ngày trước các ông ấy (Ban quản lý thuộc H.Tiền Hải - PV) làm sai luật. Lẽ ra, UBND H.Tiền Hải phải đề nghị thành lập "ban quản lý dự án" mới đúng nhưng họ lại ghi là "ban quản lý khu bảo tồn". Khi có con dấu thì ban này đã hoạt động được và xin được kinh phí của Bộ NN-PTNT. Khi đó, thấy có văn bản gửi lên, Bộ TN-MT và Bộ NN-PTNT cứ nghĩ là khu bảo tồn này đã được thành lập", ông Lục lý giải.

Thái Bình nói gì về khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải - Ảnh 2.

Hình ảnh khu bảo tồn nhìn từ trên cao

CÙ HIỀN

Từ đó, trong những quy hoạch liên quan đến khu bảo tồn đất ngập nước, các cơ quan liên quan đều đã đưa tên gọi này vào danh sách.

Vì các thành viên trong ban quản lý đều là các vị trí kiêm nhiệm nên đến năm 2010, những vị này nghỉ hưu, không ai xin tỉnh phê duyệt cho dự án nên UBND H.Tiền Hải tiếp tục ra Quyết định số 2912 về việc thành lập Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải với 6 thành viên trong đó ông Trần Dự (lúc đó làm Trưởng phòng TN-MT H.Tiền Hải, hiện đã về hưu) giữ vị trí giám đốc ban.

Ban này sử dụng con dấu của Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải trước đây, được mở tài khoản riêng để giao dịch.

Cũng theo ông Lục, UBND H.Tiền Hải giai đoạn này đã tiếp tục sai khi không báo cáo tỉnh mà tự ý ra quyết định thành lập 1 Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải với những nhân sự mới, để hoạt động.

Năm 2011, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thái Bình biết H.Tiền Hải có tồn tại Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải nên đã xuống làm việc để nắm được tình hình, biết ban này đang hoạt động không đúng quy định của pháp luật nên đã báo cáo UBDN tỉnh Thái Bình.

Trên cơ sở báo cáo của Chi cục Kiểm lâm, UBND tỉnh Thái Bình đã chỉ đạo Sở NN-PTNT phải làm đề án xác lập khu vực rừng đặc dụng và đề án kiện toàn ban quản lý trên cơ sở sử dụng ban quản lý cũ của H.Tiền Hải.

Năm 2014, khi tỉnh Thái Bình xác lập đã yêu cầu ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải bàn giao về cho tỉnh để kiện toàn ban mới. Nhưng mãi đến năm 2017 Ban Quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải mới thực hiện bàn giao.

Theo ông Lục, việc Khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải tham gia vào Công ước Ramsar, UBND tỉnh cũng không nắm được vì H.Tiền Hải đã tự ý làm.

UBND tỉnh Thái Bình: Khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải chỉ là rừng đặc dụng - Ảnh 3.

Ông Đinh Hải Lục, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm (Sở NN-PTNT) Thái Bình

CÙ HIỀN

Năm 2019, theo Luật Đa dạng sinh học, sau khi tỉnh Thái Bình thành lập Khu bảo tồn đất ngập nước Thái Thụy (H.Thái Thụy) đã kiện toàn Ban Quản lý khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải. Theo đó, đã đổi tên ban này thành Ban Quản lý khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Thái Bình với nhiệm vụ quản lý Khu bảo tồn đất ngập nước Thái Thụy và khu rừng đặc dụng Tiền Hải (khu rừng này có tên là Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải theo Quyết định 2159 - PV).

Ông Lục cho rằng, trong Quyết định 2159 có nêu, sau khi kiện toàn lại ban quản lý thì tổ chức quy hoạch chi tiết để quản lý khu rừng đặc dụng này. Đây mới là căn cứ để xác định quy mô, ranh giới diện tích khu rừng đặc dụng. Do đó, Quyết định 731 tiếp tục thực hiện theo Quyết định 2159, không phải là quyết định thay thế.

Sau thu hẹp 90% diện tích, sẽ được quản lý theo Luật Lâm nghiệp

Trả lời câu hỏi của Thanh Niên về việc quản lý hơn 1.000 ha rừng ở Tiền Hải (sau khi được thu hẹp) có sự khác biệt gì so với việc quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Thái Thụy? Ông Lục cho hay, nếu vẫn theo như hiện nay thì rừng này sẽ được quản lý theo Luật Lâm nghiệp, là quản lý rừng đặc dụng.

Ông Đinh Hải Lục khẳng định, tỉnh Thái Bình chỉ có duy nhất một Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước ở Thái Thụy được thành lập năm 2019. Vì khu này được thành lập theo Điều 24 Luật Đa dạng sinh học, tức là giao thẩm quyền xác lập cho UBND tỉnh Thái Bình, quá trình thành lập, chính quyền phải lập hồ sơ ngặt nghèo hơn rất nhiều so với việc xác lập khu rừng đặc dụng và phải xin ý kiến của Bộ TN-MT.

Còn năm 2014, UBND tỉnh Thái Bình ban hành Quyết định 2159 xác lập khu rừng đặc dụng tại 3 xã Nam Thịnh, Nam Hưng, Nam Phú của H.Tiền Hải, đây chỉ là khu rừng đặc dụng có tên gọi là Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.