Tập giữa mùa đông rét buốt!

10/01/2021 08:30 GMT+7

“Hà Nội 9 độ C, lạnh run cả người nhưng kệ thời tiết bao nhiêu độ, tập luyện là cứ phải ấm áp tuyệt đối”, để chú thích cho lời tâm sự này trên trang Facebook cá nhân, VĐV điền kinh Quách Công Lịch cập nhật ảnh anh mặc cả “tá” áo.

Không chỉ Lịch mà các VĐV khác kể cả tập ngoài trời hay trong nhà, dưới cái giá rét của mùa đông Hà Nội đều phải phòng bị rất cẩn thận.

“Buốt óc, cơ dễ bị cứng”

Theo quyết định triệu tập của Tổng cục TDTT, bắt đầu từ ngày 1.1 các đội tuyển quốc gia bước vào chu kỳ chuẩn bị cho các giải đấu quan trọng trong năm 2021: vòng loại Olympic, giải vô địch châu Á, SEA Games. Thời gian khởi đầu của quy trình tập luyện cũng là lúc điều kiện thời tiết được xem như cao điểm của mùa đông. Cả tuần nay khu vực phía bắc nhiệt độ xuống thấp. Vốn có thể trạng khỏe mạnh hơn những người không tập luyện thể thao, ấy vậy mà các tuyển thủ vẫn “co ro” vì lạnh.
Sân tập điền kinh của Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội (viết tắt là Nhổn) lồng lộng gió. Quách Công Lịch cùng các đồng đội khởi động thật kỹ rồi mới bước vào bài tập chuyên môn. Lịch bảo: “Buốt đầu, chân tay cứ cóng cả lại. Vì gió nên bước chạy của chúng tôi cũng bị ảnh hưởng. Ban huấn luyện cho giảm tốc độ và đẩy số lượng các vòng chạy lên nhiều hơn, giúp cơ thể được ấm. Vì trời rét nên chỉ số kỹ thuật cũng khó tốt được... Vì thế tất cả anh em càng phải cố gắng”.
Nhà vô địch châu Á nội dung chạy rào, Quách Thị Lan, em gái Quách Công Lịch, nói vui: “Buổi tập lăn của những chú gấu mùa đông. Ra sân, chúng tôi mặc mấy áo giữ nhiệt bên trong, còn ngoài là áo phao vừa to vừa dài để chống chọi cái lạnh. Nhưng lúc chạy phải cởi áo khoác cho đỡ vướng. Trời rét nên các cơ dễ bị cứng, tập cũng khó hơn. Buốt óc nữa vì gió mạnh và lạnh. Chuyên gia người Bulgaria Vidim dặn dò chúng tôi rất cẩn thận là phải uống nước nóng, mà tốt nhất khi ra đường chạy, mang theo bình trà nóng. Thầy còn nhắc chúng tôi không được chủ quan, không được mặc mỏng manh quá dễ cảm lạnh, ảnh hưởng ngay đến phong độ”.

Đội tuyển điền kinh trong giá rét

NVCC

Những môn tập trên cạn vào mùa đông đã khổ, môn tập trên sông nước còn vất vả hơn nhiều. Trung tâm huấn luyện và đua thuyền Thủy Nguyên (Hải Phòng) là nơi “đóng đô” của tuyển đua thuyền VN. Mùa hè, hơi nước bốc lên nóng hầm hập còn mùa đông, gió lùa, nhiệt độ thấp “khiến chúng tôi rất dễ dính các bệnh về đường hô hấp. Độ ẩm ở miền Bắc lại cao nữa nên nếu không giữ cái mũi, cái họng cho thật ấm thì ho ngay, sụt sịt ngay”, Hồ Thị Lý, đương kim vô địch nội dung đua thuyền rowing ASIAD 18 chia sẻ. Hằng ngày, thời tiết có tệ cỡ nào, cô gái xinh đẹp và đồng đội cũng đều lao vào tập luyện chừng 2 tiếng. Hồ Thị Lý tâm sự: “Lúc xuống thuyền, trời vẫn còn mù sương, có bữa còn tối om om không nhìn rõ mặt người. Tay cứ tê cả vào nhưng không được đeo găng vì không chèo được. Khoảng hơn 15 phút trở đi, người ấm dần. Tập xong dưới nước, lên bờ lại tập chạy thêm 30 phút nữa. Chiều, chúng tôi tập thể lực trong phòng để tăng sức bền, sức mạnh. Nói chung, dù trời lạnh hơn, nhiệt độ có thấp hơn chăng nữa, giáo án vẫn phải được thực hiện đầy đủ. Chúng tôi quen với gian khổ rồi nên cũng thấy bình thường. Cố gắng tột bậc để nếu Covid-19 được kiểm soát tốt, chúng tôi còn lên đường dự vòng loại Olympic và cuối năm nay có SEA Games 31 ngay trên sân nhà”.

Điều chỉnh giáo án để tránh tai nạn

Đừng tưởng chỉ có tập ngoài trời mới hay bị sụt sịt vào mùa đông, tập trong nhà cũng “dễ bị chảy nước mũi lắm đấy, hắt hơi suốt”, HLV đội tuyển thể dục dụng cụ Trương Minh Sang hóm hỉnh. Và tiếp tục câu chuyện bằng lời kể rất nghiêm túc: “Tôi sinh ra ở phía nam, đã ra Hà Nội mười mấy năm, tập từ khi còn là VĐV đến bây giờ trở thành HLV mà vẫn chưa thích ứng hoàn toàn với thời tiết miền Bắc. Cái lạnh miền Bắc gây buốt, độ ẩm lại khá cao. Các VĐV không sinh ra, lớn lên ở đây càng khó thích nghi. VĐV đến từ các địa phương không có mùa đông, kể cả tập 5 năm ở Nhổn, sức chịu đựng giá rét cũng không bằng VĐV sinh ra ở những vùng có thời tiết lạnh. Tôi vẫn dặn các em, khi tập chạy ngoài trời, phải mặc ấm, còn khi tập kỹ thuật trong nhà, họ mặc quần dài, áo dài tay dạng bó sát, giữ nhiệt rất tốt. Nhưng dù sao chân tay vẫn bị lạnh, ảnh hưởng không nhỏ đến cảm giác bám. 
Thể dục dụng cụ là môn đòi hỏi tay chống, tay bám phải tốt. Khi rét, tay thường cứng hơn, dễ bị mỏi, mỏi nhanh lúc thực hiện động tác. Khi cảm giác không tốt, các động tác không thể hoàn hảo. HLV buộc phải điều chỉnh giáo án, hạn chế, cho giảm bớt những bài tập có động tác khó vì nếu không cẩn thận, VĐV sẽ dễ chấn thương, dễ bị tai nạn, rất nguy hiểm.

VĐV thể dục dụng cụ tập trong nhà

NVCC

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.