Tập làm 'chủ tịch'

19/07/2015 13:02 GMT+7

(TNO) “Để trong lớp các em tự quản, và tự bầu ra người đứng đầu hằng năm, thay cho sự chỉ định của thầy cô giáo, là một bước đầu quan trọng cho các bé làm quen với lựa chọn dân chủ.”

(TNO) “Để trong lớp các em tự quản, và tự bầu ra người đứng đầu hằng năm, thay cho sự chỉ định của thầy cô giáo, là một bước đầu quan trọng cho các bé làm quen với lựa chọn dân chủ.”

Theo tinh thần của chương trình mới, lớp trưởng, hay chủ tịch hội đồng tự quản, sẽ là người thay mặt tập thể lớp đối thoại với giáo viên, thay vì chỉ là người nhận các chỉ thị của thầy cô và ban giám hiệu - Ảnh: Shutterstock
Ngày xưa đi học, trong lớp tự dưng sinh ra lớp trưởng. Lớp trưởng này thường do thầy cô giáo chỉ định, chẳng những làm một năm, mà thường làm luôn cả cấp, thậm chí hai ba cấp. Thường thì là con gái, xinh xinh học giỏi, vở sạch chữ đẹp. Thật thà thì mình cũng chẳng bao giờ đặt câu hỏi ai làm lớp trưởng, vì các bạn lớp trưởng, mặc dầu đều rất mực đáng yêu, cũng không làm gì nhiều, ngoài việc đứng ở hàng đầu và hô rất to.
Gần đây Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu ra vấn đề lập hội đồng tự quản trong các lớp tiểu học. Lớp trưởng sẽ kiêm luôn chủ tịch hội đồng. Dư luận mạng xem ra không mấy mặn mà. Thậm chí đá ném khá nặng.
Quả tình có một số thông tư của Bộ đã gây nhiều phản ứng từ người đọc, như thông tư về ưu tiên điểm thi đại học cho các mẹ liệt sĩ. Nhưng việc lập hội đồng tự quản tại lớp, và động viên các em tham gia một cách tích cực, là vấn đề nghiêm túc và xứng đáng được cân nhắc một cách kỹ lưỡng.
Để trong lớp các em tự quản, và tự bầu ra người đứng đầu hằng năm, thay cho sự chỉ định của thầy cô giáo, là một bước đầu quan trọng cho các bé làm quen với lựa chọn dân chủ. Theo tinh thần này, lớp trưởng, hay chủ tịch hội đồng tự quản của lớp, sẽ là người thay mặt tập thể lớp đối thoại với giáo viên, thay vì chỉ là người nhận các chỉ thị của thầy cô và ban giám hiệu. Chương trình này, nếu thực hiện tốt, có thể mang đến rất nhiều lợi ích, như ông Vụ trưởng Phạm Ngọc Định - Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo - nói với báo chí: "... Ưu điểm lớn nhất của mô hình dạy học này là tập cho học sinh tự quản, tự học, biết làm việc nhóm, vận dụng sức mạnh tập thể trong các hoạt động, học tập, mạnh dạn nói lên ý kiến của mình...". (1)
Những cậu bé, cô bé này không chỉ biết học để có điểm cao mà đã được rèn luyện để có khả năng hoạt động xã hội, tự tin và biết dẫn dắt - Ảnh: Shutterstock
Biết làm việc theo nhóm và mạnh dạn nói lên ý kiến của mình là những phẩm chất quyết định mà người Việt rất thiếu, ngay cả trong tầng lớp lao động trẻ, được tiếp cận thông tin thế giới hằng ngày qua internet. Những phẩm chất này, nếu không rèn luyện từ nhỏ, thì qua một độ tuổi nào đó, rất khó đạt được. Ý tưởng hội đồng tự quản đã được áp dụng trong một số trường giảng dạy theo mô hình VNEN, với kết quả khả quan, dẫn đến thay đổi đáng kể ở các em học sinh mà báo chí trong nước cũng đã phản ánh. (2)
Xây dựng tinh thần tự quản như trên là cần thiết, thực thi như thế nào mới là vấn đề cần bàn. Còn việc cái tên gọi "chủ tịch" gây tranh cãi, chỉ là mệnh đề rất phụ, hoàn toàn có thể thay bằng một từ khác nếu cần. Từ "chủ tịch" bản thân nó cũng không mang ý nghĩa gì to tát. Hầu hết các phường xã đều có các các cụ chủ tịch câu lạc bộ bóng bàn hay chủ tịch câu lạc bộ thơ, với những vần (thơ) đọc một lần bạn không thể nào quên.
Nếu xem lý lịch của các sinh viên tại những trường đại học (Mỹ) như Yale, thì gần như bất kỳ bạn nào trong thời gian trung học cũng làm chủ tịch ít nhất vài ba cái tổ chức bé tí gì đó, chẳng hạn hội những bạn trẻ yêu và bảo vệ gà rừng tại xã Cầu Gỗ, hay tổ chức các học sinh thích toán sơ cấp của làng Cam Sành. Chẳng phải bọn trẻ Mỹ háo danh đến thế mà đó là những chứng chỉ mà nhờ đó ban tuyển sinh của Yale có thể kết luận rằng cậu/cô bé này không chỉ biết học để có điểm cao mà đã được rèn luyện để có khả năng hoạt động xã hội, tự tin và biết dẫn dắt, ít nhất là một vài ông bạn thò lò mũi xanh trong cái câu lạc bộ tí hon của nó.
Trong số các cô cậu này, có nhiều người lúc trưởng thành đã và đang dẫn dắt nước Mỹ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.