Tập thể dục giờ nào là tốt nhất để phòng bệnh tiểu đường?

Thiên Lan
Thiên Lan
18/06/2024 00:06 GMT+7

Nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí y khoa Obesity, đã phát hiện thời điểm tập thể dục hiệu quả nhất để giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.

Theo đó, các nhà khoa học đã khám phá ra bí quyết đơn giản nhưng hiệu quả để cải thiện lượng đường trong máu, đặc biệt cho người thừa cân hoặc béo phì, đó là tập thể dục vào ban đêm, theo tạp chí nghiên cứu Study Finds.

Nghiên cứu đã kết luận rằng tập thể dục vừa phải đến mạnh mẽ vào buổi tối là bí quyết để tối ưu hóa khả năng điều chỉnh đường huyết.

Tập thể dục giờ nào là tốt nhất để phòng bệnh tiểu đường?- Ảnh 1.

Tập thể dục vào buổi tối là tốt nhất để hạ mức đường huyết

Pexels

Để làm sáng tỏ mối liên quan giữa thời điểm tập thể dục và việc kiểm soát đường huyết, các nhà nghiên cứu tại Đại học Granada (Tây Ban Nha) đã tuyển 186 người ít vận động bị thừa cân hoặc béo phì và có huyết áp cao hoặc cholesterol cao.

Trong 14 ngày liên tục, những người tham gia được đeo máy theo dõi hoạt động thể chất và thiết bị theo dõi đường huyết liên tục 24/7.

Sau đó, những người tham gia được chia thành 3 nhóm, tùy theo thời gian tập thể dục vừa phải đến mạnh mẽ trong ngày của mình.

Buổi sáng: Từ 6 giờ đến 12 giờ

Buổi chiều: Từ 12 đến 18 giờ

Buổi tối: Từ 18 giờ đến 24 giờ.

Thật bất ngờ, kết quả đã phát hiện tập thể dục vào buổi tối là tốt nhất để hạ mức đường huyết.

Cụ thể, những người tập thể dục vừa phải đến mạnh mẽ chủ yếu trong khoảng thời gian từ 18 giờ đến nửa đêm, đã có mức đường huyết trung bình trong suốt 24 giờ thấp hơn khoảng 1,26 mg/dL.

Tác dụng thậm chí còn rõ rệt hơn qua đêm, với lượng đường huyết trung bình về đêm giảm 2,16 mg/dL, theo Study Finds.

Tập thể dục giờ nào là tốt nhất để phòng bệnh tiểu đường?- Ảnh 2.

Bí quyết đơn giản nhưng hiệu quả để cải thiện lượng đường trong máu, đặc biệt cho người thừa cân hoặc béo phì, là tập thể dục vào ban đêm

Pexels

Tập vào buổi chiều cũng có lợi, nhưng ít hơn. Với mức đường huyết trung bình thấp hơn gần 1 mg/dL trong 24 giờ và thấp hơn 1,72 mg/dL vào ban đêm.

Ngược lại, tập thể dục vào buổi sáng không tác động nhiều đến lượng đường trong máu.

Đáng chú ý, tác dụng hạ đường huyết của việc tập thể dục vừa phải đến mạnh mẽ buổi tối mạnh nhất ở những người bị suy giảm khả năng điều hòa đường huyết, cho thấy chiến lược này có thể đặc biệt hiệu quả đối với những người có nguy cơ cao mắc bệnh tiểu đường.

Nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng các yếu tố như độ nhạy insulin và hấp thu đường trong mô cơ có xu hướng thấp hơn vào buổi tối.

Do đó, tập thể dục vừa phải đến mạnh mẽ vào thời điểm này có thể mang lại tác dụng kích thích mạnh mẽ hơn để tăng cường các quá trình trao đổi chất, dẫn đến kiểm soát lượng đường tổng thể tốt hơn.

Tập thể dục buổi tối cũng có thể giúp điều chỉnh lại đồng hồ bên trong cơ thể theo cách thúc đẩy lượng đường trong máu ổn định hơn.

Mặc dù cần nhiều nghiên cứu hơn để xác nhận thêm những kết quả, nhưng phát hiện này cung cấp một điểm khởi đầu thú vị để xem xét lại việc tập thể dục.

Đối với người muốn tăng cường kiểm soát đường huyết, nhắm tới việc tập thể dục vào buổi chiều và buổi tối có thể là chiến lược hay.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cảnh báo không nên dồn hết mọi hoạt động thể chất vào buổi tối. Tốt nhất nên duy trì hoạt động thường xuyên và tránh ngồi quá lâu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.