Chuyên gia: 5 thói quen tập thể dục lợi bất cập hại

Thiên Lan
Thiên Lan
14/06/2024 05:07 GMT+7

Chuyên gia Jenna Rizzo, huấn luyện viên thể dục đến từ Georgia (Mỹ), chia sẻ 5 thói quen tập thể dục phổ biến thật ra phản tác dụng.

Chuyên gia Jenna Rizzo tiết lộ với 77.300 người theo dõi TikTok của mình trong một clip gần đây với nội dung: Có rất nhiều thói quen hại nhiều hơn lợi. Nếu biết được để tránh, bạn có thể tiến bộ nhanh hơn rất nhiều, theo tờ New York Post.

Chuyên gia: 5 thói quen tập thể dục lợi bất cập hại- Ảnh 1.

Hãy trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình

Pexels

1. Tập quá chăm chỉ

Chuyên gia Rizzo khuyên không cần phải tập luyện điên cuồng trong phòng tập thể dục nhiều lần một tuần. Nó sẽ không thay đổi cơ thể như mong muốn, mà ngược lại còn khiến bạn kiệt sức rất nhanh.

Nghiên cứu năm 2021 cho thấy tập thể dục quá nhiều có thể làm tăng nguy cơ rung tâm nhĩ khiến tim đập không đều. Nó cũng dẫn đến tiêu cơ vân do gắng sức gây suy nhược cơ nghiêm trọng. Các triệu chứng bao gồm đau hoặc sưng cơ, suy nhược hoặc mệt mỏi, nước tiểu sẫm màu, ít hoặc không có nước tiểu.

Tiến sĩ Niloofar Nobakht, phó giáo sư lâm sàng về thận tại Đại học California (UCLA - Mỹ), cho biết: Tập luyện cật lực khiến các cơ bị sử dụng quá mức có thể dẫn đến tiêu cơ vân do gắng sức. Cũng có thể bị chấn thương.

Các chuyên gia sức khỏe của UCLA khuyên nên có những ngày nghỉ ngơi, thay đổi cường độ và thời gian tập luyện, ăn uống cân bằng, uống đủ nước và ngủ ngon để phát huy thể lực tối ưu.

2. Ăn uống quá kiêng khem

Cô Rizzo giải thích: "Không được phép ăn món này vì nó không tốt" hoặc "Hôm nay tôi không tập thể dục nên tôi ăn ít" hoặc "Tôi chỉ ăn carbs vào buổi sáng mà không ăn vào buổi tối", rõ ràng những điều này rất có hại đến mối quan hệ của bạn với thức ăn.

Các chuyên gia đồng ý rằng điều quan trọng là phải tiêu thụ nhiều loại trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, protein và sữa.

Chuyên gia: 5 thói quen tập thể dục lợi bất cập hại- Ảnh 2.

Không nên ăn uống quá kiêng khem

Pexels

3. Cố gắng để trông giống một người khác

Chuyên gia Rizzo nói: Cuối cùng, cho dù bạn có thần tượng vóc dáng của ai đó và đặt mục tiêu giống họ thì bạn cũng sẽ không thể giống họ.

Bạn có thể ăn như họ, tập luyện tương tự như họ, nhưng bạn sẽ không giống họ. Vì vậy, hãy loại bỏ điều đó ra khỏi đầu, hãy trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình, theo New York Post.

4. Quá nghiêm khắc với bản thân

Tiến sĩ Michelle Segar, nhà nghiên cứu về sự thay đổi bền vững tại Đại học Michigan (Mỹ), lưu ý: Nếu lỡ có một lần ăn uống quá đà hay một buổi tập luyện không đủ, thay vì tự trách móc bản thân, hãy thử suy nghĩ rằng "bất kỳ chuyển động nào cũng đáng giá và mọi thứ đều có giá trị, làm sao để cuối cùng đạt được những mục tiêu lâu dài trong việc ăn uống và tập luyện".

5. Không ưu tiên giấc ngủ

Người lớn nên ngủ đủ 7 - 9 giờ mỗi đêm. Thiếu ngủ mạn tính dẫn đến béo phì, huyết áp cao, cholesterol cao, tiểu đường, lo lắng và sức khỏe tâm thần kém.

Chuyên gia Rizzo chia sẻ: Không cần phải tập thể dục 7 ngày một tuần, chỉ 3 - 4 ngày là hoàn toàn ổn. Và không thể đạt kết quả tốt nếu chỉ ngủ từ 6 - 7 tiếng mỗi đêm, theo New York Post.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.