Nghiên cứu của Đại học Bath (Anh) bao gồm 30 người béo phì hoặc thừa cân tham gia, kéo dài trong 6 tuần.
Các tác giả đã so sánh kết quả từ hai nhóm:
1. Tập thể dục trước khi ăn sáng.
2. Tập thể dục sau khi ăn sáng.
Và nhóm đối chứng không thay đổi lối sống.
Kết quả đã phát hiện ra rằng tập thể dục trước bữa sáng có thể đốt cháy gấp đôi lượng chất béo, cải thiện lượng đường trong máu và giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và bệnh tim, theo tờ Indian Express.
Đồng thời, nghiên cứu cũng nhận thấy cơ bắp của nhóm tập thể dục trước khi ăn sáng phản ứng nhanh hơn với insulin so với tập sau khi ăn sáng, mặc dù các buổi tập luyện giống nhau và lượng thức ăn cũng tương đồng.
Nhóm nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng những người tập lúc bụng đói có thể sử dụng nhiều chất béo hơn trong khi tập thể dục vì mức insulin của họ thấp hơn. Điều này cho phép họ sử dụng nhiều chất béo hơn từ mô mỡ và cơ bắp làm nhiên liệu. Kết quả là cơ thể của họ phản ứng tốt hơn với insulin, kiểm soát lượng đường trong máu tốt hơn, có khả năng giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và bệnh tim.
Ở người tập thể dục trước khi ăn sáng, cơ bắp của họ có sự gia tăng nhiều hơn về các protein quan trọng, đặc biệt là những protein liên quan đến việc vận chuyển glucose từ máu đến cơ bắp.
Giáo sư Javier Gonzalez, nhà sinh lý học con người, giảng viên tại khoa Y tế tại Đại học Bath giải thích: Kết quả này cho thấy tập thể dục trước khi ăn có thể mang lại những thay đổi sâu sắc và tích cực cho sức khỏe tổng thể, theo Indian Express.
Chúng tôi phát hiện ra rằng những người tập thể dục trước khi ăn sáng đã đốt cháy gấp đôi lượng chất béo so với nhóm tập thể dục sau khi ăn.
Điều quan trọng là điều này đã cải thiện đáng kể sức khỏe tổng thể của họ. Nhóm tập thể dục trước khi ăn sáng đã tăng khả năng đáp ứng với insulin.
Bình luận (0)