Tập trận hỗn hợp ở Tây Tạng, Trung Quốc gửi cảnh báo tới Ấn Độ?

Văn Khoa
Văn Khoa
30/08/2021 07:00 GMT+7

Giới chuyên gia Trung Quốc cho rằng cuộc tập trận hỗn hợp gần đây của quân đội nước này với hơn 10 đơn vị tác chiến chiếm chiến trường từ “kẻ thù” trên đỉnh Himalaya được thiết kế nhằm gửi cảnh báo tới Ấn Độ.

Quân khu Tây Tạng thuộc Chiến khu Tây bộ của quân đội Trung Quốc (PLA), vốn phụ trách khu vực có biên giới chung với Ấn Độ, đã huy động và chia nhiều lữ đoàn thành 2 nhóm: PLA và “quân đội xanh” đối thủ, theo một đoạn video do Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) phát mới đây. Những đơn vị tác chiến tham gia cuộc tập trận gồm có một trung đoàn thuộc Quân khu Tây Tạng, binh sĩ miền núi, lực lượng xe tăng, lực lượng tên lửa, máy bay không người lái, nhân viên tình báo…

Tiến hành cuộc tấn công chính xác

Trong cuộc tập trận kéo dài 2 ngày và một đêm nói trên, PLA thực hiện cuộc nã pháo, cuộc tấn công bằng vũ khí điện từ trường, cùng hoạt động giám sát tình báo, với một đội miền núi gồm 12 thành viên trong bộ dạng ngụy trang tuyết leo lên đỉnh cao 6.100 m để giám sát và thu thập thông tin tình báo phục vụ cho cuộc tấn công chính xác. Theo đó, dữ liệu liên quan tiền đồn của “quân đội xanh” được gửi đến trung tâm chỉ huy trong thời gian thực, cho phép các lực lượng pháo binh tiến hành những cuộc tấn công chính xác ở tiền tuyến.

Lầu Năm Góc lần đầu đối thoại với quân đội Trung Quốc dưới thời ông Biden

Cuộc tập trận cũng cho thấy binh sĩ chống máy bay bắn hạ một máy bay không người lái, với sự hỗ trợ của một lữ đoàn tình báo. Để chiến thắng “quân xanh”, PLA triển khai máy bay không người lái dội bom các rào cản, đẩy mạnh các cuộc tấn công do binh sĩ pháo binh đảm nhiệm và cho binh sĩ nhảy dù đổ bộ, thâm nhập “quân đội xanh”.
Sau nhiều giờ bộ binh, đơn vị xe tăng và trực thăng vũ trang tiến hành cuộc tấn công chính xác vào các chiến trường, đơn vị tinh nhuệ của PLA, một trung đội bắn tỉa từ trung đoàn Bạch Vân Sơn, chiếm một ngọn núi cao 4.800 m từ “quân đội xanh”, theo tờ South China Morning Post (SCMP).

Nhằm gửi cảnh báo tới Ấn Độ?

Chuyên gia quân sự ở Macau Antony Wong Tong nhận định đoạn video kéo dài 7 phút dường như sử dụng hình ảnh và âm thanh được thu trong cuộc tập trận, nhằm cho thấy khả năng tác chiến của các binh sĩ biên giới đóng ở Tây Tạng. “Đoạn video mang lại cảm nhận về cuộc tác chiến thật và mạnh, nhờ được biên tập rất ít”, ông Wong nhận định.
Ngoài ra, nhà phân tích quân sự Châu Thần Minh ở Bắc Kinh cho rằng việc lập “quân đội xanh” là nhằm ám chỉ vào binh sĩ Ấn Độ. “Đoạn video nhằm cảnh báo phía Ấn Độ rằng các lữ đoàn miền núi trong Quân khu Tây Tạng, đặc biệt là trung đoàn Bạch Vân Sơn, được huấn luyện tốt và sẵn sàng tác chiến”, ông Châu bình luận.
Trung Quốc và Ấn Độ mắc kẹt trong cuộc đối đầu biên giới kể từ vụ đụng độ chết người tại thung lũng Galwan ở vùng Ladakh trong khu vực tranh chấp Kashmir vào ngày 15.6.2020. Vụ đụng độ đã khiến ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ và 4 binh sĩ PLA thiệt mạng. Hai bên đàm phán kể từ đó nhưng cho đến nay vẫn không có tiến triển và quân đội hai nước tiếp tục triển khai binh sĩ cũng như vũ khí đến Tuyến Kiểm soát thực tế, đường biên giới thực tế Ấn-Trung.

Xe lục quân Ấn Độ trong một lần được điều đến vùng Ladakh

Reuters

Hiện không rõ Trung Quốc hiện có bao nhiêu binh sĩ đóng trú dọc biên giới giáp Ấn Độ, nhưng trong thời gian gần đây, phía Ấn Độ phát hiện PLA đã điều thêm lực lượng từ Tây Tạng đến Quân khu Tân Cương. Trong tháng 6, PLA đã triển khai một bệ phóng rốc két tầm xa tiên tiến đến khu vực cách mực nước biển tới 5.200 m ở dãy Himalaya, trong Quân khu Tân Cương, theo PLA Daily.
Cũng trong tháng 6, Bloomberg dẫn 4 nguồn tin tiết lộ trong mấy tháng trước đó, quân đội Ấn Độ đã điều chuyển thêm ít nhất 50.000 binh sĩ cùng một số phi đội chiến đấu cơ đến 3 khu vực dọc biên giới giáp với Trung Quốc. Hai trong số 4 nguồn tin nói trên còn tiết lộ, tính đến nay, Ấn Độ có tổng cộng khoảng 200.000 binh sĩ tập trung ở khu vực biên giới giáp với Trung Quốc, tăng hơn 40% so với năm ngoái.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.