Tập trung công tác phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm từ gốc

22/11/2023 06:27 GMT+7

Ngày 21.11, Quốc hội thảo luận về công tác phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật; công tác phòng chống tham nhũng năm 2023.

Hầu hết các loại tội phạm đều tăng

Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội (QH) Lê Thị Nga cho biết trong năm 2023 (kỳ báo cáo từ 1.10.2022 - 30.9.2023), hầu hết các loại tội phạm đều tăng, trong đó một số loại tội phạm tăng mạnh, như: số vụ giết người tăng 12,65%, cướp tài sản tăng 44,40%, cướp giật tăng 17,68%, lừa đảo chiếm đoạt tài sản tăng 61,52%, cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự tăng 67,85%, gây rối trật tự công cộng tăng 80,75%...

Dẫn chứng vụ việc 2 nhóm đối tượng có vũ trang đã đột nhập, tấn công vào trụ sở của 2 UBND xã Ea Tiêu và xã Ea Ktur (H.Cư Kuin, Đắk Lắk) làm 9 người chết, 2 người bị thương hồi tháng 6 vừa qua, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp QH khẳng định các cơ quan chức năng cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước, triển khai các giải pháp tổng thể, nắm chắc tình hình, rút kinh nghiệm, phòng ngừa không để xảy ra vụ việc tương tự.

Tập trung công tác phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm từ gốc - Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga

Gia Hân

Bà Nga cũng cho biết trong năm qua, tội phạm tham nhũng, chức vụ phát hiện tăng 51,63% về số vụ, tăng 96,85% số đối tượng, đặc biệt, số vụ nhận hối lộ được phát hiện tăng 346,88%. Theo bà Nga, điều này cho thấy công cuộc chống tham nhũng ngày càng hiệu quả hơn, song cũng thể hiện công tác quản lý nhà nước, phòng ngừa tham nhũng trên nhiều lĩnh vực vẫn còn hạn chế, nhất là về đấu thầu mua sắm công, quản lý tài sản công; quản lý đất đai, khai thác tài nguyên, khoáng sản; tài chính, ngân hàng, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp...

"Đáng chú ý nhiều trường hợp liên quan người đứng đầu trong cơ quan quản lý nhà nước đã lợi dụng triệt để những lỗ hổng của pháp luật nhằm thực hiện hành vi vi phạm, trục lợi. Do đó, cần nâng cao hơn nữa hiệu quả kiểm soát quyền lực đối với người đứng đầu, kiểm soát hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước", Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp kiến nghị.

Làm tốt hơn công tác phòng ngừa

Nêu ý kiến thảo luận, nhiều đại biểu (ĐB) đồng tình với nhận định của Ủy ban Tư pháp, cho rằng việc các loại tội phạm đều tăng thể hiện những hạn chế nhất định trong công tác phòng ngừa tội phạm.

ĐB Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) dẫn ví dụ vụ việc tại Đắk Lắk mà Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp QH nêu cho rằng vụ điển hình cho sự lơ là, mất cảnh giác của cán bộ ở cơ sở và tranh chấp đất đai ở địa phương, gây dư luận xã hội không tốt.

"Các cơ quan chức năng cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước về trật tự an ninh ở những điểm nóng, phức tạp. Rút kinh nghiệm sự việc xảy ra, phát động phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc có chất lượng, nắm chắc tình hình cụ thể, không để xảy ra vụ việc tương tự", ĐB kiến nghị.

Dẫn vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), ông Hòa bày tỏ sự lo ngại khi các bị can đã thực hiện hành vi làm khống cả ngàn hồ sơ để vay hơn 1 triệu tỉ đồng của SCB, trong đó có đến khoảng 500.000 tỉ đồng là tiền gửi của người dân. Đặc biệt, ông Hòa nhắc tới trường hợp bà Đỗ Thị Nhàn, cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II (Ngân hàng Nhà nước), khi có hành vi nhận hối lộ lên tới 5,2 triệu USD (tương đương 118 tỉ đồng) từ phía Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan.

"Có thể nói, đây là vụ nhận hối lộ bằng tiền mặt nhiều nhất từ trước đến nay và cũng là vụ án có số lượng tiền bị chiếm dụng, khả năng thất thoát nhiều nhất", ông Hòa nói và đặt vấn đề rằng đây có thể "chỉ là bề nổi của tảng băng bị vỡ, vẫn còn những tảng băng khác chưa bị vỡ". Từ những phân tích đã nêu, ĐB tỉnh Đồng Tháp cho biết người dân đang rất trông chờ vào việc thu hồi tài sản là tiền của các bị can trong vụ án này. Ông cũng đề nghị Chính phủ đánh giá thật kỹ, khách quan, cầu thị về thực trạng trên, tìm nguyên nhân để có biện pháp khắc phục hữu hiệu, lấy lại lòng tin với người dân.

Thấy tăng con số cũng không phải lo

Giải trình cuối phiên thảo luận, Viện trưởng Viện KSND tối cao Lê Minh Trí nói ông cũng suy nghĩ về băn khoăn của các ĐB khi "càng chống, càng đấu tranh quyết liệt thì tội phạm càng tăng".

Đồng tình với nhiều ĐB, Viện trưởng Viện KSND tối cao cho rằng giải pháp chính là quan tâm, coi trọng và tập trung cho công tác phòng ngừa để chủ động ngăn chặn tội phạm từ gốc. Theo ông Trí, công tác phòng ngừa bao gồm cả việc xây dựng pháp luật, đồng thời cả hệ thống chính trị, cộng đồng xã hội phải tham gia với các giải pháp đồng bộ thì công tác đấu tranh chống tội phạm sẽ hiệu quả hơn.

Tập trung công tác phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm từ gốc - Ảnh 2.

Viện trưởng Viện KSND tối cao Lê Minh Trí giải trình tại phiên họp

Gia Hân

Tuy vậy, Viện trưởng Viện KSND tối cao cho rằng, tội phạm có một loại càng chống càng tăng thì "cũng không phải lo". Theo ông Trí, một số loại tội phạm như tội phạm tham nhũng, ma túy, xâm phạm hoạt động tư pháp thì có đặc thù là ẩn nên khi đấu tranh càng mạnh thì sẽ phát hiện, xử lý được càng nhiều. "Tôi cho rằng, tội phạm tham nhũng so với trước đây chắc chắn là giảm, còn giảm bao nhiêu thì phải có đánh giá cụ thể", ông Trí nói.

Theo ông, thời gian qua với việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, và công tác điều tra, truy tố, xét xử được đẩy mạnh, công tác phòng, chống tham nhũng đạt rất nhiều kết quả, nên nói tội phạm tham nhũng không giảm là không đúng. "Tội phạm tăng có nhiều nguyên nhân chứ không phải vì thấy tăng con số mà chúng ta băn khoăn. Tôi cho rằng, tội phạm tham nhũng hiện nay là giảm nhưng nó vẫn còn và chúng ta vẫn phải đấu tranh", Viện trưởng Viện KSND tối cao nêu. 

Chánh án, Viện trưởng tranh luận thời điểm
xác định giá trị thiệt hại

Tham gia thảo luận ngày 21.11, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng) dẫn chứng hai vụ án liên quan đến Phan Văn Anh Vũ (cựu Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79) và Trần Văn Minh (cựu Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng). Hai vụ này cùng xảy ra tại Đà Nẵng, cùng về tài sản công là đất đai, cùng do TAND TP.Hà Nội xét xử sơ thẩm và TAND cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm.

Thế nhưng, vụ Phan Văn Anh Vũ thì xác định thời điểm gây thiệt hại là khi thực hiện hành vi phạm tội, còn vụ Trần Văn Minh lại là khi khởi tố vụ án. "Cùng tài sản ấy, cùng tòa án ấy nhưng mỗi vụ án lại tùy nghi xác định thiệt hại tại một thời điểm khác nhau", bà Thúy đặt vấn đề và đề nghị Chánh án TAND tối cao giải thích vì sao lại áp dụng không thống nhất, liệu có bản án nào xử sai hay không?

Cùng mối quan tâm, Viện trưởng Viện KSND tối cao Lê Minh Trí cho rằng việc xác định thời điểm gây thiệt hại là thời điểm khởi tố vụ án hay thời điểm phạm tội là vấn đề phải suy nghĩ. Ông Trí lấy ví dụ về hành vi xâm hại, chiếm đoạt nhà đất công, với đặc thù bất động sản lên giá rất nhanh, chỉ vài năm có thể tăng 5 - 10 lần; nếu chiếm đoạt 10 mặt bằng mà tính thiệt hại theo thời điểm phạm tội cách đây 10 năm thì "chỉ cần bán 1 mặt bằng thôi, còn lại lãi 9 mặt bằng". Do vậy, ông Trí kiến nghị Chánh án TAND tối cao chủ trì, phối hợp cùng Bộ Công an, Viện KSND tối cao xây dựng thêm các tiêu chí "để làm sao tội phạm không được lãi".

Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao đã có một nghị quyết hướng dẫn tất cả các vụ án sẽ phải xác định hậu quả ở thời điểm thực hiện hành vi phạm tội, chứ không phải thời điểm khởi tố. Những vụ án xảy ra trước khi có nghị quyết và trái với nghị quyết sẽ phải xem xét lại, trình tự xem xét theo luật định.

Với lo ngại của Viện trưởng Lê Minh Trí về "tội phạm có lãi", ông Bình khẳng định "không có chuyện đó". Theo ông Bình, dù xác định thời điểm gây thiệt hại là khi phạm tội nhưng tòa tuyên án thì tất cả bất động sản liên quan sai phạm sẽ bị tịch thu, không có chuyện giữ lại để bán có lời. Ông Bình cũng cho hay sẽ rà soát, nếu quy định hiện hành chưa bao hàm hết thực tiễn thì nghiên cứu bổ sung cho phù hợp.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.