Bản làng của người Nùng ở Tam Dị - Ảnh: Hà An Trước khi lập gia đình, phụ nữ Nùng phải tự mình sắm sửa toàn bộ đồ đạc trong nhà - Ảnh: Hà An |
Xã Tam Dị hiện có hàng nghìn người dân tộc Nùng làm ăn sinh sống từ bao đời nay. Theo như lời đồng bào Nùng ở đây, ông bà tổ tiên của họ có nguồn gốc từ xứ Lạng (Lạng Sơn). Do cuộc sống khó khăn, nhiều người đã tìm tới những vùng đất mới để dựng làng. Song dù có ở nơi đâu, những phong tục tập quán từ bao đời nay của người dân Nùng vẫn được gìn giữ.
60 tuổi... mới tổ chức sinh nhật
Một ngày cuối năm, trong cái rét như cắt da thịt, tôi gặp bà Lăng Thị Hoa (ở xã Tam Dị, H.Lục Nam, tỉnh Bắc Giang) là dân tộc Nùng, tại một quán tạp hóa đầu làng. Theo lời bà Hoa, bà đi mua cám về chăm đàn gà tre hơn nghìn con cho mau lớn, để tết này bán lấy tiền, ra giêng làm sinh nhật cho bố, mẹ. Tôi thoáng nghĩ chắc bà Hoa nói nhầm, phải là làm thọ, chứ bố mẹ già rồi ai làm sinh nhật. Nhưng tôi nhầm. “Phong tục bao đời của người Nùng vẫn vậy đó. Bố mẹ mình còn sống là cứ từ 60 tuổi con cái phải thay phiên nhau tổ chức sinh nhật thật linh đình. Trong ngày sinh nhật, con cái phải mời thật nhiều anh em họ hàng, bạn bè gần xa để cho bố mẹ được vui, được mở mày mở mặt với xóm làng”, bà Hoa cho hay.
Theo giải thích của bà Hoa, xuất phát từ quan niệm “sống cho ăn, tới khi chết còn ăn sao được nữa”, nên thay vì tổ chức cúng giỗ, đốt vàng mã, hằng năm vào ngày mất của bố mẹ, đồng bào Nùng lại chọn cách tổ chức sinh nhật cho bố mẹ. “Lễ mừng sinh nhật tốn kém hết bao nhiêu đều do các chị em gái trong nhà lo hết, mấy ông con trai chỉ đứng ra dựng rạp và lo địa điểm tổ chức. Sinh nhật của bố mẹ được tổ chức quay vòng, năm nay cô chị, sang năm tới lượt cô em”, bà Hoa kể.
Ông Lăng Văn Độ (46 tuổi) ở thôn Trại Trầm, xã Tam Dị, cho biết thêm: “Gia đình nào không có con gái thì các anh con trai mới được đứng ra làm sinh nhật cho bố mẹ và khi tổ chức cũng phải linh đình, đầy đủ xôi thịt, rượu... chứ tuyệt nhiên không được xìu xìu. Trong trường hợp các con chưa đủ khả năng thì có thể nói bố mẹ hoãn lại một vài năm”. Vẫn theo ông Độ, đồng bào người Nùng coi trọng những gia đình mà cha mẹ già được con cái tổ chức hàng chục cái sinh nhật. Đó thật sự là những gia đình được xem là có phúc, êm ấm hòa thuận, làm ăn phát đạt.
Sống độc thân, thọ trăm tuổi vẫn “chưa trưởng thành”
Trong số các phong tục mà đồng bào Nùng còn lưu giữ tới ngày nay, không thể không nhắc tới tập tục chôn người chết trong chiếc quan tài đóng từ những mảnh ván cong, hay mảnh ván có hình dạng tam giác ghép lại. Giải thích về tập tục này, ông Độ cho biết cũng giống người Kinh, đồng bào Nùng dùng gỗ, xẻ lấy 6 tấm ván thẳng để đóng quan tài chôn cất người đã khuất. Nhưng 6 tấm ván chỉ được dùng cho những trường hợp đã xây dựng gia đình. “Còn đối với những người chết, dù thọ 100 tuổi đi chăng nữa, mà chưa lập gia đình thì vẫn bị coi là người “chưa trưởng thành”, do vậy họ chỉ được chôn cất trong chiếc quan tài đóng từ những mảnh ván cong, hay ghép từ nhiều mảnh gỗ hình tam giác. Và thông thường những trường hợp này sẽ được “đưa ra đồng” chỉ trong ngày một, ngày hai”, ông Độ nói.
Còn theo ông Hứa Văn Tùng, sống tại thôn Bãi Lời (xã Tam Dị), việc làm quan trọng nhất của một đám ma người Nùng là xem ngày để đưa ra đồng và ông thầy bói sẽ lãnh trách nhiệm này. Từ đây, rất nhiều trường hợp thi thể người đã khuất phải lưu lại trong nhà 5 - 7 ngày và thậm chí là 10 ngày, dẫn đến nguy cơ dịch bệnh rất cao.
Nhiều hủ tục cần loại bỏ Với không ít cô gái Nùng, chuyện lấy chồng là cả một nỗi lo. Trò chuyện với chúng tôi, Trương Thị Hoa, một cô gái Nùng ở Tam Dị, buồn rầu bảo: “Không chỉ thách nhà trai dẫn cưới cả cây vàng, mà con gái Nùng khi lớn lên đi lấy trai thiên hạ đều phải tự mình bỏ tiền mà sắm tất tần tật đồ đạc trong nhà, từ chăn màn quần áo cho tới tủ lạnh, xe máy...”. Theo lời Hoa, trong trường hợp nhà trai dẫn cưới thấp, có thể sẽ bị họ hàng nhà gái đem ra nhiếc móc và hậu quả là nhiều cơi trầu dẫn cưới đã bị đem trả, cô gái không lấy được người mình yêu. Nhưng cũng nhiều trường hợp cô gái vì quá nghèo mà không đủ tiền mua sắm đồ đạc nên cũng chẳng dám làm đám cưới. Ông Đào Văn Quảng, Phó chủ tịch UBND xã Tam Dị, cho biết ở Tam Dị có nhiều hộ gia đình dân tộc Nùng. Trải qua nhiều thế hệ, những phong tục tập quán, những nét văn hóa sinh hoạt của người Nùng vẫn được giữ nguyên và thể hiện được nét riêng như không tổ chức ăn uống linh đình khi gia đình có việc tang lễ hay đám giỗ, tổ chức sinh nhật cho cha mẹ khi bước sang tuổi 60... Bên cạnh đó, đồng bào Nùng còn giữ những hủ tục cần phải loại bỏ như thách cưới cao, mê tín, để thi thể người chết trong nhà nhiều ngày... |
Hà An
>> Đốt hàng mã, một hủ tục cần bài trừ
>> Thanh niên cần tiên phong xóa bỏ hủ tục
>> Trở lại vùng đất hủ tục - chôn con... theo mẹ
>> Những cái chết oan vì hủ tục
>> Hủ tục đè nặng một miền quê
Bình luận (0)