Taxi công nghệ chính thức không phải gắn hộp đèn

Mai Hà
Mai Hà
17/01/2020 15:54 GMT+7

Sau 12 lần dự thảo với rất nhiều tranh cãi, Nghị định thay thế Nghị định 86/2014 vừa được Thủ tướng ký ban hành hôm nay, 17.1.

Theo Nghị định 10/2020 thay thế Nghị định 86/2014 quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô có hiệu lực từ 1.4 tới, xe hợp đồng điện tử sẽ không phải gắn hộp đèn trên nóc, xe taxi được quyền lựa chọn gắn hộp đèn hay không.
Nghị định cho phép taxi và taxi công nghệ được lựa chọn gắn hộp đèn với chữ "TAXI", hoặc dán logo phản quang, thay vì quy định cứng bắt buộc gắn hộp đèn trên nóc xe.
Trường hợp lựa chọn gắn hộp đèn với chữ "TAXI" cố định trên nóc xe thì không phải niêm yết (dán cố định) cụm từ “XE TAXI”.
Nghị định cũng không bắt buộc xe hợp đồng điện tử phải gắn hộp đèn, nhưng yêu cầu dán phù hiệu phản quang bên trong xe. Theo đó, các xe phải dán cố định cụm từ “XE HỢP ĐỒNG” trên kính phía trước và kính phía sau xe. Xe hợp đồng như Grab hay Be phải có phù hiệu “XE HỢP ĐỒNG” và được dán cố định phía bên phải mặt trong kính trước của xe.
Lái xe kinh doanh vận tải sử dụng hợp đồng điện tử có trách nhiệm cung cấp các thông tin của hợp đồng điện tử cho lực lượng chức năng khi có yêu cầu.

Xe trên 9 chỗ phải lắp camera giám sát

Đối với nội dung lắp đặt camera để ghi hình lái xe và trên xe nhằm đảm bảo an ninh, an toàn cho hành khách, Nghị định 10 quy định trước 1.7.2021, xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên phải lắp camera đảm bảo ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe (bao gồm cả lái xe) trong suốt quá trình xe tham gia giao thông.
Dữ liệu hình ảnh được cung cấp cho cơ quan công an, thanh tra giao thông và cơ quan cấp giấy phép, bảo đảm giám sát công khai, minh bạch. Thời gian lưu trữ hình ảnh trên xe tối thiểu 24 giờ gần nhất đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly đến 500 km và tối thiểu 72 giờ gần nhất đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly trên 500 km.
Trước 1.7.2021, xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hoá bằng container, xe đầu kéo phải lắp camera đảm bảo ghi, lưu trữ hình ảnh của người lái xe trong suốt quá trình xe tham gia giao thông.
Hình ảnh camera trên xe phải được truyền với tần suất từ 15 - 20 lần/giờ (tương đương từ 3 - 5 phút/lần truyền dữ liệu) về đơn vị kinh doanh vận tải và đơn vị quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định của Bộ GTVT.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.