Đó là tiệm sửa xe của ông Mã Kim So (58 tuổi), cái tên từng làm kinh hồn bạt vía những tay đua thuộc hàng “thứ dữ” trong giới "yên hùng" những năm 90 của thế kỷ trước. Đang ở đỉnh cao sự nghiệp, thu về bao nhiêu giải thưởng, "tiền tươi thóc thật" bỗng dưng ông lui về rửa tay gác kiếm, sống một cuộc đời bình lặng đến hôm nay.
Cuộc sống của huyền thoại “đường đua máu” sau những hào quang chót vót phải đánh đổi, giờ ra sao?
Từ tuổi thơ cơ cực…
Một buổi sáng, tôi tìm tới tiệm sửa xe của ông Mã Kim So. Tiệm không quá lớn, có vài con xe 67 nằm gọn lỏn ở số 147 đường Ngô Quyền (P.12, Q.5) chờ được sửa. Vợ chồng người đàn ông luống tuổi đang tất bật với công việc sửa xe đã gắn bó hơn nửa đời người. Thấy tôi, ông cười tươi, tạm dừng tay rồi niềm nở hỏi chuyện.
Lặng lẽ sửa xe ở một góc đường Sài Gòn, ít ai biết người đàn ông này từng lẫy lừng trong giới yêng hùng thế kỷ trước |
cao an biên |
Ngồi trên chiếc ghế nhựa hướng mắt ra con đường hối hả xe cộ, ông Mã Kim So kể cho chúng tôi nghe những tháng ngày tuổi thơ cơ cực của mình - người anh cả trong một gia đình có 8 anh chị em ở Bạc Liêu.
Tuổi thơ bình yên của cậu bé họ Mã ở mảnh đất miền Tây phù sa ngỡ tưởng sẽ êm đềm trôi qua cho đến khi lên 10, mẹ ông mất. Các anh chị em trong nhà mỗi người một ngả, được chia ra cho khắp cô, dì, chú, bác… trong dòng họ cưu mang.
Bạn có biết đến ông Mã Kim So không?
Về phần mình, ông được cha dẫn tới nhà cô ruột sống nhờ. Với mục đích giúp cháu có nghề nuôi thân, bà dẫn ông đến lò sửa xe của người cháu họ và nhờ người này dạy ông sửa xe gắn máy. Ông không thể nào quên, đó là tiệm Tân Hải của thầy Âu Lạc Tân ở Bạc Liêu. Ngày đó, có trong mơ ông cũng chưa từng nghĩ rằng, đây là bước ngoặt quan trọng làm nên sự nghiệp lừng lẫy của mình những ngày tháng về sau.
Ông Mã Kim So có tuổi thơ bất hạnh, cơ cực |
cao an biên |
Thuở mới vào nghề, dù người nhỏ thó, chân chưa chạm tới cần số phải ngồi trên khung xe để chạy, cậu bé Mã Kim So đã khiến các bậc đàn anh phải trầm trồ kinh ngạc khi thấy cậu lao xe vun vút trên đường như một mũi tên.
“Lần đầu tôi được có cảm giác “bay” là khi chạy thử chiếc xe Dame do Nhật sản xuất. Sau cái lần đó, niềm đam mê tốc độ như ăn sâu vào máu vậy, nó có một sức hấp dẫn kỳ lạ vô cùng”, ông nhớ lại. Và, cứ như vậy, sau mỗi lần thử xe cho khách, ông càng thêm hiểu về những con ngựa sắt và điều khiển chúng một cách tự tin hơn.
Tốc độ và xe trở thành niềm đam mê của ông Mã Kim So |
nvcc |
Khi ở tuổi chỉ mới 15, 16, Mã Kim So đã khiến đối thủ phải có những phen kinh hồn bạt vía khi đương đầu với một tên nhóc chưa tên tuổi của lò Tân Hải, nhưng đầy bản lĩnh và rất tinh quái. Chỉ sau một vài trận đấu khẳng định được uy tín, Mã Kim So đã nổi lên như một hiện tượng, trứ danh trong giới "yên hùng" ở Bạc Liêu thuở bấy giờ.
… đến đỉnh cao vinh quang
Thuở đó, nhận thấy, Sài thành mới là miền đất hứa cho sự nghiệp, ông Âu Lập Tân quyết định khăn gói rời quê, dắt díu các đệ tử lên đây gầy dựng sự nghiệp. Mã Kim So từ đó cũng theo thầy long đong ở chốn phồn hoa.
Vì sự tồn tại của cửa tiệm và danh dự của bản thân, ông So cũng phấn đấu không ngừng nghỉ, nhanh chóng gom về cho mình những thành tích nhất định ở mảnh đất mới này. Mã Kim So với con xe 67 và những kỹ thuật cùng sự liều lĩnh, đầy lì lợm trên đường đua “chay” đã làm nhiều lò xe phải “ngậm trái đắng”.
Ông So không nhớ hết số huy chương, cúp và mà mình đã lãnh trong sự nghiệp tốc độ |
nvcc |
Chẳng bao lâu, cái tên Mã Kim So cũng đã đánh bại những bậc "yên hùng" bậc nhất ở đất Sài thành để chễm chệ, đường hoàng lên ngôi đầu trong giới đua xe lúc bấy giờ (những năm 1990 của thế kỷ trước, TP.HCM và nhiều tỉnh miền Tây hay tổ chức các giải đua xe chính quy trong sân vận động nhân những ngày lễ) trong sự ngỡ ngàng của tất cả mọi người. Cũng chính từ đây, tay đua xuất thân gốc nông dân nghèo xứ Bạc Liêu ngạo nghễ rinh vô số giải thưởng về nhà.
Ám ảnh
Năm 2001, đang ở thời kỳ đỉnh cao sự nghiệp, ông quyết định giải nghệ, trở về với cửa hàng sửa xe của mình sống hạnh phúc bên vợ và 2 con gái. Nói về quyết định này, ông trầm ngâm, rồi kể rằng, khi chứng kiến sự ra đi của 2 người bạn chí cốt trong nghiệp đua xe, rồi nhìn lại những lần đổ máu của mình trên đường đua, ông quyết định dừng lại, bỏ qua hết lời mời gọi của BTC các giải đua.
“Năm 1989, tôi có cho mình giải á quân trong một giải đấu ở Phú Thọ. Cũng từ đây, tôi không nhớ hết được mình đã lãnh được bao nhiêu giải thưởng, huy chương. Chỉ biết rằng giải thưởng đầu tiên đó đã mở ra một thời kỳ rực rỡ lẫy lừng trong sự nghiệp đua xe, sửa xe của tôi”, ông nói về những năm 90 của mình.
Khi đó, các giải đấu lớn bé trong năm hễ ông So tham gia thì không ai có thể chạm đến cúp vàng, giải nhất. Ông cũng cho biết riêng năm 1997, là năm bội thu cúp vàng của mình khi trong 5 cuộc thi thì ông giật cả 5 giải nhất, đối thủ cũng ngán ngẩm, bất lực. Ông cũng tự hào khi đó, mình là người Việt Nam duy nhất được mời sang Malaysia dự đua với những nhà vô địch khác trong khu vực.
Hào quang của ông kéo dài trong hơn 1 thập kỷ |
nvcc |
Những giải thưởng được ông giữ gìn cẩn thận sau hàng chục năm |
nvcc |
"Mong tụi trẻ thời nay đừng xem thường tính mạng mình"
Năm 2001, đang ở thời kỳ đỉnh cao sự nghiệp, ông quyết định giải nghệ, trở về với cửa hàng sửa xe của mình sống hạnh phúc bên vợ và 2 con gái. Nói về quyết định này, ông trầm ngâm, rồi kể rằng, khi chứng kiến sự ra đi của 2 người bạn chí cốt trong nghiệp đua xe, rồi nhìn lại những lần đổ máu của mình trên đường đua, ông quyết định dừng lại, bỏ qua hết lời mời gọi của BTC các giải đua.
“Đua xe này nó nguy hiểm lắm, một phút bất cẩn nhưng sẽ để lại hậu quả không thể nào tưởng tượng được. Tôi quyết định dừng lại vì đằng sau mình còn có vợ con, có gia đình, không thể nào "liều" mãi như vậy được", ông trần tình.
Cựu tay đua cũng dành nhiều lời khuyên cho những người trẻ đam mê tốc độ, rằng dù có làm gì đi nữa thì vẫn phải nghĩ tới tính mạng, an toàn của bản thân, của những người xung quanh.
"Đừng có liều lĩnh như tôi ngày xưa, đua "chay" ngoài xa lộ. Nguy hiểm lắm! Có đam mê tốc độ thì tham gia những giải chuyên nghiệp do nhà nước tổ chức, phải tuân thủ các biện pháp an toàn chứ đừng đua tự do ngoài đường, bởi đằng sau mỗi người là gia đình, là người thân, nếu có chuyện gì xảy ra thì hối hận không kịp", ông khuyên.
Hiện nay, ông sống bình yên với công việc sửa xe |
cao an biên |
Ông cười nói mình "nghèo vẫn hoàn nghèo" |
cao an biên |
“Đua xe này nó nguy hiểm lắm, một phút bất cẩn nhưng sẽ để lại hậu quả không thể nào tưởng tượng được. Tôi quyết định dừng lại vì đằng sau mình còn có vợ con, có gia đình, không thể nào "liều" mãi như vậy được".
Ông Mã Kim So
Qua thời kỳ hoàng kim rồi bình lặng với công việc sửa xe đến nay cũng đã hơn 20 năm, ông So bộc bạch rằng mình “nghèo vẫn hoàn nghèo”. Bởi, ở tiệm của mình, không phải khách nào ông cũng sửa và khi đã sửa thì phải uy tín, không vẽ vời để lấy tiền khách.
“Tôi chủ yếu sửa máy xe, đại tu các loại xe, nhất là xe cổ. Mình làm ăn chân chính, không vẽ vời đủ thứ để lấy tiền khách, đã làm thì phải làm cho tới nơi, nên mãi vẫn không giàu được mà chỉ đủ sống thôi. Cũng cảm ơn khách suốt mấy chục năm qua vẫn tới lui ủng hộ!”, ông cười sảng khoái.
Ông chủ này cũng nhìn mặt khách để sửa xe, bởi không phải ai ông cũng đồng ý sửa. Ông kể thấy ai “nghi nghi”, đến độ xe, sửa xe để cướp giật, là ông tìm cách từ chối. “Nhìn cái là tui biết ai đàng hoàng ai không, mình làm cái nghề này cũng gần cả cuộc đời. Khách của tôi chủ yếu là người đam mê xe, chơi xe và dành tình yêu cho xe”, ông nói thêm.
Không phải khách nào ông cũng sửa xe |
cao an biên |
Có 2 cô con gái, nhiều người vẫn nói rằng, ông “hổ phụ sinh hổ tử” bởi các con cũng kế nghiệp ông, mở những cửa hàng sửa xe máy uy tín ở các quận, huyện của Sài Gòn. Và các con, cũng chính là niềm tự hào của người đàn ông họ Mã.
Ở tuổi U.60, ông Mã Kim So vẫn miệt mài bên tiệm sửa xe gắn bó với mình như máu thịt, vẫn cùng bà xã ngày ngày đón những vị khách thân thương tìm đến sửa xe, trò chuyện tâm tình.
Ở tuổi xế chiều, dáng ông nhỏ thó hơn nhưng niềm đam mê máy móc, cân chỉnh, hì hụi sửa nghiên cứu và làm xe cho khách sao cho máy ngon, chạy an toàn vẫn được người đàn ông này miệt mài, tỉ mẫn từng li, từng chút.
Bình luận (0)