Nhu cầu vốn đầu tư khoảng 151.900 tỉ đồng
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 5 quy hoạch ngành quốc gia lĩnh vực GTVT. Trong đó, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vùng Tây nguyên được quy hoạch theo hướng tích hợp, bảo đảm tính liên kết đồng bộ, phát huy lợi thế của từng phương thức vận tải. Quy hoạch hạ tầng giao thông vùng Tây nguyên được nghiên cứu dựa trên điều kiện tự nhiên đặc thù của vùng.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ GTVT, trong quy hoạch hệ thống đường cao tốc, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT xây dựng kế hoạch đến năm 2030, khu vực Tây nguyên sẽ phải đầu tư 8 tuyến cao tốc, với chiều dài 830 km; trong đó đến năm 2025 hoàn thành đầu tư 4 tuyến dài 295 km. Để hoàn thành khối lượng công việc hết sức lớn trong giai đoạn này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải có tư duy mới, cách làm mới, quyết tâm cao, sự nỗ lực lớn trong triển khai thực hiện.
"Triển khai chỉ đạo trên, Bộ GTVT xây dựng kế hoạch đến năm 2030 phấn đấu hoàn thành một số tuyến cao tốc quan trọng gồm: Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Gia Nghĩa - Chơn Thành, Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương, Quy Nhơn - Pleiku và cao tốc kết nối Kon Tum với Quảng Nam. Trong đó, dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư khoảng 151.900 tỉ đồng.
Theo kế hoạch, giai đoạn 2021 - 2025, bố trí để triển khai 4 dự án đường cao tốc có tính chất liên vùng (Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Dầu Giây - Tân Phú - Bảo Lộc - Liên Khương...) với số vốn khoảng 56.607 tỉ đồng. Giai đoạn 2026 - 2030, bố trí triển khai dự án cao tốc Bắc Nam phía Tây các đoạn từ Ngọc Hồi - Gia Nghĩa với tổng số vốn tối thiểu khoảng 95.296 tỉ đồng.
Tại hội nghị, lãnh đạo UBND 5 tỉnh Tây nguyên trình bày những thế mạnh để phát triển cũng như những khó khăn vướng mắc gặp phải, nhất là hạ tầng giao thông.
Theo ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng, để Tây nguyên kết nối với các vùng Đông Nam bộ, Duyên hải miền Trung cần xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông. Cần tập trung nguồn lực từ ngân sách T.Ư, địa phương, kết hợp với huy động các nguồn lực khác để đầu tư. Lâm Đồng đang đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các thủ tục để khởi công dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc trong năm 2023; khởi công đoạn Bảo Lộc - Liên Khương khởi công năm 2024 và quyết tâm đến năm 2026 sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng.
Cần cơ chế đặc thù cho Tây nguyên
Cũng theo ông Hiệp, vướng mắc nhất hiện nay là cơ chế. Tuyến QL27 kết nối Đắk Lắk, Lâm Đồng, Ninh Thuận hiện xuống cấp trầm trọng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông nhưng nhiều năm nay không đầu tư, nâng cấp được dù địa phương có thể bố trí vốn. Ông Hiệp kiến nghị Bộ GTVT, Chính phủ quan tâm ưu tiên đầu tư hoặc cho cơ chế rõ ràng để Lâm Đồng bỏ vốn đầu tư nâng cấp tuyến đường này.
Sau khi nghe lãnh đạo các địa phương, bộ, ngành trình bày, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Tây nguyên, nhìn nhận: "5 tỉnh Tây nguyên đúng như là anh em. Nói đến Tây nguyên không chỉ phát triển kinh tế đơn thuần mà là bình yên để phát triển. Vùng đất này còn nhiều dư địa để phát triển, nhất là trong lĩnh vực tiếp cận đất đai".
Phó thủ tướng đề nghị tập trung vào kết nối giao thông 5 tỉnh với khu vực lân cận. Đồng thời phải phối hợp để thu hút đầu tư, khi đi xúc tiến đầu tư phải xem nhà đầu tư mong muốn cái gì, khả năng chúng ta có đáp ứng được hay không, chứ không phải chỉ là cái mong muốn của chúng ta. "Trong nông nghiệp, cố gắng sản xuất theo chuỗi vượt quá ranh giới của địa phương, vấn đề liên kết như thế nào đều nằm trong tầm tay của chúng ta. Các tỉnh phải chia sẻ lẫn nhau trong kết nối giao thông, tỉnh nào khá thì làm nhiều hơn và dĩ nhiên là phải giải quyết vấn đề cơ chế ", Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Ngoài ra, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang cũng lưu ý các địa phương phải chú ý đến các chương trình mục tiêu quốc gia; vấn đề tôn giáo, dân tộc; vấn đề di dân tự do; sinh kế của bà con gắn với bảo tồn văn hóa bản địa; vấn đề quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh đến cuối năm nay phải xong; vấn đề về rừng; đất nông lâm trường; vấn đề chuyển đổi số...
"Hội đồng vùng có tiếng nói chung, khẳng định vai trò của chúng ta. Các nội dung bàn thảo tại hội nghị không mới, nhưng thiếu cơ chế để làm nên chưa mang lại kết quả cao. T.Ư cùng các đồng chí xây dựng cơ chế riêng, đặc thù cho vùng này. T.Ư cho cơ chế, tháo gỡ các vướng mắc, còn lại các địa phương phải huy động nguồn lực để làm. Mục tiêu đến cuối năm nay sẽ hình thành cơ chế đặc thù cho Tây nguyên...", Phó thủ tướng phát biểu.
Bình luận (0)