Ngày 6.12, Hội Tế bào gốc TP.HCM tổ chức hội nghị khoa học "Tế bào gốc trong trị liệu và chống lão hóa".
Hội nghị có sự tham dự của 300 bác sĩ, chuyên gia trong và ngoài nước, nhằm phổ biến, chia sẻ những ứng dụng tế bào gốc. Các báo cáo tham luận tại hội nghị về: Tế bào gốc trong y học chống lão hóa và tái tạo; Liệu pháp tế bào gốc và huyết tương trong điều trị; Sản phẩm tế bào gốc trong thẩm mỹ và y học tái tạo; Liệu pháp tế bào gốc - pháp lý, quản lý và điều trị…
Theo các chuyên gia, trong những năm qua, tế bào gốc và công nghệ tế bào gốc đã trở thành mũi nhọn quan trọng trong nghiên cứu, ứng dụng điều trị một số bệnh, trong đó có bệnh nan y.
Sự thành công bước đầu của tế bào gốc và công nghệ tế bào gốc đã mở ra nhiều hướng nghiên cứu, điều trị mới, có khả năng ứng dụng cao ở nhiều nước. Tế bào gốc đã trở thành một lĩnh vực nghiên cứu tiên phong, ngày càng phát triển.
Giáo sư - tiến sĩ Salvatore Scacco (đến từ Ý) tham luận về việc sử dụng tế bào gốc trung mô trong tái tạo xương.
Bác sĩ Phan Thanh Hào (Bệnh viện quốc tế DNA) trình bày tham luận, tế bào gốc là các tế bào đặc biệt có khả năng tự làm mới và biệt hóa thành nhiều loại tế bào khác nhau của cơ thể, được sử dụng trong các liệu pháp điều trị bệnh từ gốc, chống lão hóa và y học tái tạo. Việc ứng dụng exosome (từ tế bào gốc trung mô) là một công nghệ tiên tiến trong y học ngày nay, đặc biệt trong thẩm mỹ da, tóc, y học tái tạo.
Về điều trị bệnh gan nhiễm mỡ bằng ứng dụng tế bào gốc, cũng được chuyên gia trình bày tại hội nghị. Vấn đề này được quan tâm, bởi tình trạng gan nhiễm mỡ ngày càng gặp nhiều trong cộng đồng, khi đời sống, chế độ dinh dưỡng có những thay đổi; hay nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc trong hỗ trợ điều trị đái tháo đường…
Theo phó giáo sư - tiến sĩ Trần Công Toại, Chủ tịch Hội Tế bào gốc TP.HCM, trị liệu bằng tế bào gốc đang mở ra nhiều triển vọng trong nước, trong các lĩnh vực y học tái tạo, điều trị ung thư, bệnh thoái hóa và chống lão hóa.
Tuy nhiên, theo phó giáo sư - tiến sĩ Trần Công Toại, việc phát triển công nghệ này đang đối mặt với những thách thức, đặc biệt là về mặt pháp lý, quản lý, nhằm đảm bảo an toàn, hiệu quả và giảm thiểu rủi ro y tế. Cần hoàn thiện khung pháp lý (quy định về sản xuất, kiểm nghiệm, chứng nhận, cấp phép lưu hành sản phẩm tế bào gốc), để khai thác hết tiềm năng của trị liệu bằng tế bào gốc.
Quảng cáo quá mức về khả năng điều trị của tế bào gốc cũng là vấn đề nổi cộm, do vậy cần quản lý chặt việc quảng cáo khiến người bệnh hiểu sai lệch...
Bình luận (0)