Tên lửa của Triều Tiên có ‘ám ảnh’ ông Trump?

04/01/2017 20:29 GMT+7

Triều Tiên nỗ lực phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa có thể mang đầu đạn hạt nhân vươn tới Mỹ sẽ là thách thức lớn về chính sách ngoại giao và “nỗi ám ảnh” đối với Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump.

“Triều Tiên chỉ nhấn mạnh rằng nước này đang trong giai đoạn cuối của việc phát triển vũ khí hạt nhân có thể vươn tới Mỹ. Chuyện này sẽ không xảy ra!”, ông Trump viết trên Twitter ngày 2.1. Bình luận này được ông đưa ra chỉ một ngày sau khi lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố Triều Tiên đang trong “giai đoạn cuối” của việc phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) có thể bắn tới Mỹ.
Nói dễ hơn làm
Theo Reuters, ngăn chặn Triều Tiên tiến hành thêm các cuộc thử hạt nhân và phóng tên lửa là việc “nói dễ hơn làm” và chính quyền của các tổng thống Mỹ tiền nhiệm, kể cả đảng Dân chủ và Cộng hòa, đã không thể làm được.
Chính quyền Tổng thống Barack Obama đã theo đuổi chính sách trừng phạt Triều Tiêu và ủng hộ các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc (LHQ) chống lại Triều Tiên, đồng thời nỗ lực kêu gọi tiến hành đàm phán 6 bên nhằm giải trừ vũ khí hạt nhân ở bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên Triều Tiên đã rút khỏi vòng đám phán 6 bên hồi năm 2009 sau khi hứng chịu các biện pháp trừng phạt của LHQ, và vẫn tiếp tục theo đuổi chương trình phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa của mình.
Các cựu quan chức và chuyên gia Mỹ nhận định chính quyền của ông Trump chỉ có hai lựa chọn nếu muốn kiềm chế chương trình phát triển tên lửa và vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, đó là đàm phán hoặc có hành động quân sự.
Dùng tên lửa để mặc cả
Một số chuyên gia từng cho rằng ông Kim Jong-un và những người tiền nhiệm chỉ muốn dùng mối đe dọa vũ khí hạt nhân để buộc Mỹ phải đàm phán trực tiếp. Nhưng nay các chuyên gia lại nhận định Triều Tiên theo đuổi chương trình phát triển tên lửa là một chiến lược thật sự để đối phó với Mỹ hay Hàn Quốc.
“Tôi không còn nghĩ rằng những chương trình phát triển vũ khí của Triều Tiên giờ đây được dùng để mặc cả với Mỹ”, ông Robert Einhorn, từng là cố vấn đặc biệt về giải trừ vũ khí hạt nhân cho Nhà Trắng, nhận xét.
“Lãnh đạo Kim Jong-un khó dự đoán, nhưng vào thời điểm này, có lẽ ông Trump còn khó dự đoán hơn”, theo ông Einhorn Reuters
Ông Trump sẽ phải quyết định liệu “nên áp dụng chiến lược chỉ gây áp lực hay vừa gây áp lực vừa đàm phán với Triều Tiên”, theo ông Einhorn. Và đến thời điểm này, ông Trump vẫn chưa nói rõ chính quyền sắp tới của ông sẽ ngăn chặn chương trình phát triển vũ khí của Triều Tiên như thế nào sau khi ông tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20.1.
Các chuyên gia vẫn đang tranh cãi về khả năng phát triển ICBM của Triều Tiên, bởi vì nước này chưa bao giờ thử nghiệm thành công ICBM. Tuy nhiên Triều Tiên đã tiến hành 2 vụ thử hạt nhân và 20 lần phóng thử tên lửa trong năm 2016, đồng thời theo đuổi mục tiêu phát triển những tên lửa có thể mang đầu đạn hạt nhân với tầm bắn vươn tới lãnh thổ Mỹ.
“Nhưng nhiều chuyên gia vẫn tin rằng Triều Tiên chỉ cần 2-3 năm nữa là có đủ khả năng phóng tên lửa mang đầu đạn hạt nhân vươn tới Mỹ”, ông Einhorn nói.
Ba lựa chọn quân sự
Reuters dẫn lời các quan chức Mỹ giấu tên tiết lộ quân đội Mỹ hiện có ba lựa chọn để đối phó với một cuộc phóng thử tên lửa tiếp theo của Triều Tiên, bao gồm tấn công phủ đầu trước khi tên lửa được phóng, chặn tên lửa đang bay, hay ngồi yên để cho Triều Tiên phóng tên lửa.
Cựu thứ trưởng ngoại giao Mỹ Strobe Talbott, hiện là Chủ tịch Viện nghiên cứu Brookings, đặt nghi vấn liệu bình luận trên Twitter của ông Trump có ám chỉ Mỹ sẽ tiến hành cuộc tấn công phủ đầu nhằm vào Triều Tiên hay không. Trong khi đó, một quan chức Mỹ giấu tên cho rằng có quá nhiều rủi ro nếu Mỹ tấn công phủ đầu, bao gồm nguy cơ tấn công nhầm mục tiêu hoặc Triều Tiên trả đũa vào các đồng minh của Mỹ trong khu vực như Hàn Quốc và Nhật Bản.
Chuyên gia về kiểm soát vũ khí Jeffrey Lewis thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury (Mỹ), cho biết thêm các khu vực phóng tên lửa và thử hạt nhân nằm rải rác khắp nhiều tỉnh ở Triều Tiên. “Triều Tiên có hệ thống đường hầm dưới các địa điểm thử vũ khí hạt nhân. Và Triều Tiên có thể phóng một ICBM từ bất kỳ nơi nào vì có thể sử dụng bệ phóng di động”, ông Lewis lưu ý.
Trong khi đó, ông Victor Cha - từng là cố vấn cho cựu tổng thống George W. Bush, tin rằng ông Trump nghiêm túc về việc không để cho Triều Tiên có ICBM có thể đe dọa nước Mỹ. “Nhưng để ngăn chặn Triều Tiên, đòi hỏi phải có sự kết hợp giữa ngoại giao, các biện pháp trừng phạt, triển khai thêm các khí tài quân sự đến khu vực, tấn công phủ đầu và hệ thống lá chắn tên lửa”, ông Cha nói.
Tăng cường biện pháp trừng phạt
Trong một bình luận khác trên Twitter, ông Trump cũng chỉ trích Trung Quốc không giúp ích gì trong việc kiềm chế Triều Tiên, mặc dù Trung Quốc - đồng minh lâu năm của Triều Tiên, đã ủng hộ các biện pháp trừng phạt mới đây của LHQ đối với Triều Tiên.
Các chuyên gia nhận định Trung Quốc không muốn đồng minh Triều Tiên sở hữu ICBM có thể bay nửa vòng trái đất, nhưng lại không muốn chính quyền Triều Tiên sụp đổ. Vì nếu các biện pháp trừng phạt khiến chính quyền Triều Tiên sụp đổ, Trung Quốc có thể đối mặt với làn sóng hàng triệu người Triều Tiên vượt biên sang Trung Quốc tị nạn, khi đó Triều Tiên và Hàn Quốc có thể thống nhất thành một quốc gia rồi trở thành đồng minh quân sự của Mỹ.
Dù ông Trump đến nay vẫn chưa nêu chi tiết về chính sách đối với Triều Tiên, nhưng một cố vấn trong ban chuyển giao quyền lực của ông đã tiết lộ với Reuters rằng chính quyền mới sẽ cân nhắc nhiều biện pháp trừng phạt nghiêm khắc đối với Triều Tiên. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby ngày 3.1 cho hay Mỹ không loại trừ khả năng tiếp tục tăng cường các biện pháp trừng phạt Triều Tiên.
Trong một bài viết đăng trên CNN, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Cory Gardner bày tỏ kỳ vọng chính quyền mới của ông Trump sẽ áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt nhắm vào các công ty và cá nhân hỗ trợ chương trình phát triển vũ khí của Triều Tiên, đa phần là ở Trung Quốc.
Chuyên gia Frank Jannuzi, quan chức Nhà Trắng - hiện là người đứng đầu tổ chức nghiên cứu về châu Á Maureen và Mike Mansfield (Mỹ), nhận định Triều Tiên lâu nay bất chấp các biện pháp trừng phạt của Mỹ và LHQ, vẫn nỗ lực theo đuổi chương trình phát triển tên lửa và vũ khí hạt nhân của nước này, còn ông Trump có thể sẽ không thể thay đổi được điều này.
Ông James Acton, giám đốc Chương trình Chính sách hạt nhân thuộc tổ chức Quỹ Hòa bình quốc tế Carnegie, đánh giá tuyên bố của ông Trump nghe cũng giống những tuyên bố của ông Obama trước đây là không khoan nhượng đối với chương trình phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. “Tôi lo ngại bình luận của ông Trump trên Twitter chỉ giúp Triều Tiên táo bạo hơn, bởi vì họ xem đó là tuyên bố rỗng tuếch”.
“Ông Trump đã quá liều lĩnh một cách dại dột khi đăng tải bình luận trên mạng xã hội, động đến những thách thức lớn trong việc kiềm chế chương trình phát triển tên lửa và vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Tôi nghĩ đây có thể là thứ quay trở lại ám ảnh ông”, ông Acton nhận xét.

tin liên quan

Sức mạnh tên lửa Triều Tiên
Triều Tiên được cho là đang phát triển các loại tên lửa đạn đạo có thể vươn tới Mỹ và mọi mục tiêu ở Hàn Quốc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.