Tên lửa Oreshnik của Nga uy lực nhưng không phải vô đối?

Tên lửa Oreshnik của Nga uy lực nhưng không phải vô đối?

La Vi
La Vi
01/12/2024 15:40 GMT+7

Hôm 21.11, Nga đã tấn công Dnipro bằng một loại tên lửa mới. Nó có tên là Oreshnik (cây phỉ) và theo giới chức cấp cao của Ukraine thì chỉ gây ra thiệt hại ở mức độ nhẹ.

Nhưng việc Nga lần đầu sử dụng thiết kế vũ khí này trong chiến đấu đã thu hút sự chú ý của các chuyên gia quân sự phương Tây.

Một cuộc điều tra của hai chuyên gia về các mảnh vỡ của tên lửa đạn đạo tầm trung mới cho thấy cách nó thả nhiều trọng tải qua khu vực mục tiêu.

Ông Jeffrey Lewis là giám đốc Chương trình Không phổ biến vũ khí hạt nhân Đông Á tại Trung tâm Nghiên cứu Không phổ biến vũ khí hạt nhân James Martin, thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury ở California (Mỹ).

Ông Lewis cho biết: "Tên lửa đạn đạo phóng lên và đưa mọi thứ vào không gian. Tầng đẩy đầu tiên rơi ra, rồi động cơ tên lửa thứ hai cũng rơi ra. Và sau đó thì chỉ còn phương tiện chở tên lửa trôi trong không gian".

Ông Lewis cho biết mảnh vỡ lớn nhất là một phần của khoang mang đầu đạn của tên lửa.

Phần lớn các mảnh vỡ còn lại chứa thiết bị dẫn đường, thùng nhiên liệu và các thiết bị điện tử khác.

Khoang chở cho phép mang theo nhiều "phương tiện hồi quyển nhắm mục tiêu độc lập" - hay MIRV, và mỗi phương tiện mang một đầu đạn và có thể bắn trúng một điểm riêng biệt.

"Khi khoang này di chuyển trong không gian, những động cơ đẩy sẽ khai hỏa để quay hướng khoang, để nó có thể thả đầu đạn vào các vị trí khác nhau. Và về cơ bản, những gì chúng tôi nhận thấy là khoang có thể mang theo 6 đầu đạn và mỗi đầu đạn trong số đó mang theo 6 quả bom con. Những gì bạn thấy là 6 bộ gồm 6 tên lửa tấn công căn cứ, và mỗi bộ phóng đến những nơi khác nhau. Đó là vì phương tiện có thể điều khiển và thả chúng ở những điểm khác nhau", ông Lewis giải thích.

Tên lửa Oreshnik của Nga uy lực nhưng không phải vô đối?- Ảnh 1.

Một cuộc tấn công của tên lửa Oreshnik ở vùng Dnipro

ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH VIDEO

Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, tên lửa này có nguồn gốc từ tên lửa đạn đạo tầm trung RS-26, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.

Ông Lewis cho biết thiết kế mới rất có thể đã loại bỏ một tầng đẩy từ RS-26, làm giảm tầm bay của nó.

Sau cuộc tấn công, ông Putin cho biết Oreshnik có tốc độ bội siêu thanh và không thể bị đánh chặn.

Tuy nhiên, ông Lewis và các chuyên gia khác lưu ý rằng tất cả các tên lửa đạn đạo thuộc tầm bắn đó đều là tên lửa bội siêu thanh và một số tên lửa đánh chặn của Israel và Mỹ được thiết kế để tiêu diệt loại tên lửa này.

Các quan chức cấp cao của Ukraine nói với Reuters rằng tên lửa dùng để tấn công Dnipro không mang theo chất nổ và gây ra ít thiệt hại. Nhưng ông Lewis cho rằng tốc độ quay trở lại khí quyển cũng đủ gây ra thiệt hại.

Trong bài phát biểu sau vụ phóng tên lửa, ông Putin cho biết đây là phản ứng trực tiếp trước các cuộc tấn công vào Nga của lực lượng Ukraine bằng tên lửa của Mỹ và Anh... đồng thời cảnh báo cuộc xung đột có thể lan ra toàn cầu.

Bộ Quốc phòng Nga đã không trả lời yêu cầu bình luận về vấn đề này.

Chuyên gia Lewis cho rằng việc Nga sử dụng loại tên lửa này có thể là một chiến thuật tâm lý hơn là một chiến thuật quân sự: "Nếu vũ khí đó vốn đã đáng sợ thì ông [Putin] sẽ chỉ sử dụng nó. Nhưng như vậy chưa đủ. Ông ấy phải sử dụng nó và sau đó mở họp báo, rồi sau đó ông tổ chức cuộc họp báo thứ hai để nói rằng cái này thực sự đáng sợ đấy".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.