Tên lửa Triều Tiên đạt tầm bắn của ICBM?

04/07/2017 12:32 GMT+7

Nếu được phóng theo quỹ đạo tiêu chuẩn, tên lửa Triều Tiên vừa phóng sáng ngày 4.7 có thể bay xa 6.700 km - tầm bắn của một tên lửa xuyên lục địa (ICBM).

Năng lực tên lửa của Triều Tiên đang ngày càng phát triển sau hàng loạt vụ phóng thử liên tiếp. Ngay sáng 4.7, nước này tiếp tục phóng một tên lửa đạn đạo bay được khoảng 40 phút rồi rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nhật Bản tại vùng biển giữa bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản, theo Yonhap. Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) cho biết tên lửa này bay xa hơn 930 km.
Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ thì cho biết tên lửa bay được khoảng 37 phút. Hiện chưa rõ độ cao mà tên lửa lần này đạt đến là bao nhiêu và đây là tên lửa gì. Tuy nhiên, chuyên gia David Wright của Liên minh các nhà khoa học Mỹ (UCS) đặt giả thuyết nếu tên lửa bay xa 950 km, với thời gian bay 37 phút, thì độ cao có thể là hơn 2.800 km.
Chuyên gia này cũng ước tính rằng nếu được phóng theo quỹ đạo tiêu chuẩn, tên lửa này có thể bay xa đến 6.700 km, tức tầm bắn của một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM). Với khoảng cách này, tên lửa có thể bắn đến nhiều vùng ở bang Alaska của Mỹ.
Che giấu năng lực
Qua những dữ liệu tổng hợp từ những lần phóng tên lửa của Triều Tiên, nhiều chuyên gia nhận định với Reuters rằng nước này đang che giấu khả năng thật sự và tránh sự phản đối của các nước láng giềng.
Hôm 14.5, Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo tầm trung Hwasong-12 (Hỏa Tinh-12) từ bờ biển phía đông của nước này. Tên lửa rơi xuống địa điểm chỉ cách nơi phóng 787 km, tuy nhiên lại đạt độ cao đến 2.111 km, gấp 5 lần độ cao quỹ đạo của Trạm không gian quốc tế (ISS).
Truyền thông Triều Tiên sau đó tuyên bố tên lửa được phóng lên cao như vậy nhằm tôn trọng an ninh của các nước láng giềng. Ông Wright đánh giá nếu tên lửa này được phóng ở một góc thấp hơn thì có thể bay đến hơn 4.800 km, đặt một vài phần lãnh thổ Mỹ ở Alaska vào tầm bắn.
Ông Joshua Pollack, tổng biên tập tạp chí The Nonproliferation Review (Mỹ) nhận định tên lửa Triều Tiên được phóng với độ cao đó hoàn toàn có ý đồ. “Triều Tiên phóng tên lửa tầm xa gần như thẳng đứng lên nhằm tránh bay xuống hoặc ngang qua Nhật Bản”, ông Pollack giải thích.
Theo ông Pollack, một số nước khác cũng "bắn bổng" tên lửa để kiểm tra tầm bắn, nhưng Triều Tiên sử dụng kỹ thuật này thường xuyên hơn vì nước này bị nhiều nước khác vây bọc.
Chuyên gia Ralph Savelsberg phân tích trên trang tin chuyên về Triều Tiên 38North rằng tên lửa Hwasong-12 có động cơ rất mạnh. Những hình ảnh từ vụ phóng cho thấy bên cạnh động cơ chính, tên lửa còn có 4 động cơ phụ giúp điều khiển hướng bay đồng thời cung cấp thêm sức mạnh và độ chính xác cho tên lửa.
Tuy nhiên, kỹ sư hàng không Đức Markus Schiller cho rằng vẫn chưa cần quá lo ngại về năng lực tên lửa của Triều Tiên. Theo ông, nước này đã phải mất đến 20 năm mới chế tạo được một tên lửa đưa vệ tinh vào vũ trụ năm 2012.
Triều Tiên sẽ "còn phải mất nhiều thời gian hơn thế" nếu muốn chế tạo một tên lửa liên lục địa đảm bảo phóng được trong mọi tình huống, ông Schiller nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.