Tên lửa Triều Tiên sẽ ra sao sau khi rơi xuống biển?

06/08/2016 07:00 GMT+7

Tên lửa Triều Tiên bắn đi bao xa, có xâm phạm lãnh thổ nước nào hay không là những điều mà đa số mọi người quan tâm nhưng ít ai để ý đến việc nó sẽ như thế nào sau khi rơi xuống biển.

Trong nhiều năm qua, Triều Tiên đã phóng không biết bao nhiêu quả tên lửa, pháo và rocket xuống các vùng biển phía đông nước này. Những lần phóng tên lửa của Triều Tiên thường mang mục đích thử nghiệm, biểu đạt sự giận dữ đối với Hàn Quốc và Mỹ hoặc chứng minh năng lực có thể tấn công kẻ thù.
Tuy nhiên theo AP ngày 5.8, hầu như toàn bộ các tên lửa của Triều Tiên sau khi phóng đều chịu chung số phận: tan tành thành nhiều mảnh mà chẳng hề gây ra tác động gì.
Theo giáo sư Roh Taeseong tại đại học Inha (Hàn Quốc), các tên lửa của Triều Tiên, gồm loại tên lửa đạn đạo tầm trung mà nước này vừa phóng hôm 3.8 và rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nhật Bản, sau khi phóng đều vỡ tan tành và rơi rải rác xuống vùng biển sâu 3.000 m giống như “vãi một nắm cát xuống sông Hán ở Seoul”.
Khi tên lửa rơi xuống biển, nó sẽ chịu tác động cực lớn và có thể bị vỡ thành nhiều mảnh. Nhà nghiên cứu Chae Yeon-seok tại Viện nghiên cứu không gian vũ trụ Hàn Quốc phân tích rằng vụ va chạm giống như đâm phải một cái nền bằng bê tông. Ông đánh giá rằng tên lửa Rodong phóng hôm 3.8 có thể đã vỡ thành hơn 10 mảnh.
Một số chuyên gia khác thì nhận định rằng mức độ thiệt hại còn phụ thuộc vào góc tiếp xúc, nếu tên lửa rơi xuống theo một góc thẳng đứng thì sẽ ít thiệt hại hơn.
Các nước như Hàn Quốc và Mỹ đã từng thử trục vớt các mảnh vỡ của tên lửa Triều Tiên về nghiên cứu nhưng chẳng thu được kết quả gì, vì phần lớn tên lửa đều bị vỡ thành các mảnh nhỏ và chìm xuống biển. Hơn nữa, nếu có tìm được thì cũng khó mà đánh giá được gì vì những tên lửa Triều Tiên được sản xuất dựa trên các tên lửa Scud của Liên Xô, loại vũ khí đã được phân tích từ lâu.
Nhật Bản cũng đã điều các tàu khu trục và máy bay trinh sát săn ngầm P-3C Orion để tìm các mảnh vỡ tên lửa Triều Tiên phóng hôm 3.8. Tuy nhiên theo ông Roh, đó dường như chỉ là nước cờ chính trị của chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe nhằm xây dựng một quân đội mạnh hơn bằng cách nhấn mạnh tầm nguy hiểm của tên lửa Triều Tiên.
Vị trí tên lửa Triều Tiên phóng hôm 3.8 và rơi xuống EEZ của Nhật Bản Đồ hoạ: NHK
Vậy, tên lửa của Triều Tiên có thật sự nguy hiểm? Theo AP, các tên lửa được phóng thử này có thể chỉ được gắn đầu đạn giả. Nó sẽ chẳng phát nổ nếu có tác động và chẳng có cơ may nào bắn trúng các tàu chiến. Độ chính xác của tên lửa Triều Tiên “nổi tiếng” đến nỗi AP nói rằng các mảnh vỡ của chúng sẽ chẳng rơi tập trung gần nhau dù cho chúng được nhắm vào cùng một khu vực.
Ngoài ra, các tên lửa Triều Tiên sau khi rơi xuống biển cũng không gây tác động nào đến môi trường. Dù sử dụng nhiên liệu lỏng độc hại, nhưng các tên lửa này thường đốt cháy hết nhiên liệu trước khi rơi xuống biển, theo các chuyên gia Hàn Quốc. Lượng nhiên liệu còn sót lại cũng bị đại dương rộng lớn làm loãng đi.
Tên lửa của Triều Tiên bị đánh giá thấp về độ chính xác Reuters
Tại sao việc Triều Tiên phóng tên lửa lại nghiêm trọng?
Lý do là Triều Tiên công khai theo đuổi mục đích sở hữu vũ khí hạt nhân và muốn đặt những đầu đạn hạt nhân đó vào các tên lửa có khả năng bay tới đất Mỹ.
Kể từ khi ông Kim Jong-un lên làm lãnh đạo Triều Tiên vào cuối năm 2011, nước này tiến hành nhiều cuộc thử nghiệm vũ khí hơn. Theo giáo sư Kim Seung-jo tại đại học quốc gia Seoul, Triều Tiên trước đây cũng thường triển khai sử dụng tên lửa mới mà không hề phóng thử vì cho rằng điều đó không cần thiết. Bởi các tên lửa này đã được thiết kế giống với các mẫu tên lửa đã chứng minh được năng lực của Nga và Trung Quốc.
Hồi đầu năm 2016, Triều Tiên liên tiếp thất bại trong việc thử tên lửa trước khi đưa được một tên lửa tầm trung Musudan lên độ cao hơn 1.400 km rồi rơi xuống biển. Hiện vẫn chưa rõ cách thức nước này dùng để theo dõi các tên lửa sau khi phóng đi. Cách duy nhất được cho có khả năng là dùng radar để xác định vị trí tên lửa rơi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.