Tết Canh Tý 2020: Nhớ tết xưa với nhiều kỷ niệm...

Lê Thanh
Lê Thanh
27/01/2020 15:00 GMT+7

Tết xưa không có nhiều bánh mứt, thức ăn ngon, tiền lì xì như bây giờ nhưng vẫn in đậm trong ký ức, gợi nhớ kỷ niệm với nhiều người trẻ.

Ngày Tết Canh Tý 2020, trong những câu chuyện về tết, nhiều bạn trẻ nhớ tết xưa với nhiều hoài niệm. 
Chị Nguyễn Thị Kim Xuyến, thành viên của Nhóm tình nguyện Sắc màu cuộc sống (TP.HCM),  kể: “Quê tôi ở tỉnh Tiền Giang. Ngày xưa, khoảng cuối tháng 10 là ba bắt đầu trồng bông chưng tết. Các loại bông thường trồng như: bông cúc, bông vạn thọ rồi các loại rau ăn như bắp cải, cải xà lách, bầu, mướp… Có khi ba ươm mầm nhiều trồng không hết thì ba xếp vào giỏ cho tôi ra chợ bán. Ba thường tưới mỗi ngày, tụi tui cũng có khi phụ tưới hoặc bắt sâu. Tôi nhớ rất rõ là bắp cải nhiều sâu lắm. Mỗi buổi sáng tinh mơ khi những giọt sương còn ướt đẫm lá cây thì tôi ra vạch lá bắp cải bắt sâu”.

Bông vạn thọ bày bán ở chợ dịp tết

Lê Thanh

Chị Kim Xuyến kể tiếp: “Bắt đầu từ 26 tết là chợ quê đã đông lắm rồi, tôi thích theo má ra chợ ngắm nhìn người mua sắm. Mà tôi cứ mãi ngắm nhìn, lâu lâu nhìn lên là thấy mình đang nắm tay bà nào lạ hoắc, lại lật đật bỏ tay ra chạy đi tìm má. Hồi đó nhà nghèo, nói đi chợ tết cho sang vậy chứ nhà có món gì ngon như trái đu đủ, mãng cầu hay xoài, bưởi, cam, quýt thậm chí con gà, con vịt gì là má đem đi bán để mua sắm đồ trong nhà. Chị em tụi tui rất ít khi được mua đồ mới, cứ đồ thường ngày giặt sạch sẽ là mặc trong mấy ngày tết thôi. Có năm, tôi thích có đôi dép mới mà đôi dép cũ chưa đứt, thế là tôi lấy dao lam cắt đứt phần mũi dép để được mua dép mới. Kết quả là phải mang đôi dép mất mỏ trong dịp tết đó vì nhà không có tiền, lại quá cận tết nên không được mua dép mới luôn, thiệt là nhớ đời”.

Đi mua sắm tết ở chợ quê

Lê Thanh

Chị Kim Xuyến cho biết, do tết nhà có trồng bông nên không phải mua bông chưng. Chiều 30 tết, ba tôi ra cây mai cạnh nhà, cắt vào một nhánh mai đẹp thiệt đẹp, có nhiều nụ búp. Rồi ba hơ qua lửa ở phần gốc để giữ nước cho mai, cắm vào cái bình đẹp nhất ở nhà trên rồi treo lên các thể loai thiệp chúc tết ở nhà có.

Hình ảnh gợi nhớ ở chợ quê ngày tết

Lê Thanh

Trái cây bày bán ở chợ miền quê dịp tết

Lê Thanh

Theo chị Kim Xuyến, ngày ấy trái cây không thể thiếu trong ngày tết là dưa hấu. “Mỗi ngày  gọt một quả nên dịp tết má tôi thường mua khoảng 5 quả dưa, mua xong cho mấy anh em ôm về nhà. Rồi sáng mùng một khi xẻ dưa ra cúng, cả nhà quây quần lại xem dưa hấu đó có đỏ không, có ngọt không, nếu đỏ thì mọi người đều vui mừng vì nghĩ rằng năm đó là một năm may mắn, tốt đẹp”, chị KIm Xuyến nói.

Cảnh sum vầy của một gia đình trong ngày mùng một Tết Canh Tý năm 2020

Lê Thanh

Chị Kim Xuyến kể: “Chúng tôi có lệ: mùng một tết cha, mùng ba tết thầy nên năm nào mùng một cũng ở nhà cả ngày. Chỉ đến mùng hai chúng tôi mới thật sự bắt đầu cái tết của mình bằng việc đi chơi với bạn bè. Ngày xưa tụi tôi chỉ có đi từ nhà đứa này ăn uống xong rồi đi đến nhà đứa khác, chỉ toàn đi bộ thôi mà vui, mà hứng thú cả ngày. Rồi mùng ba tụi tôi hẹn nhau đi thăm thầy cô, đầu tiên là đến nhà cô chủ nhiệm, rồi nhà những thầy cô khác. Vậy nên thầy trò và cả bạn bè hồi cấp 1, cấp 2 thân thiết lắm, tụi tôi hầu hết đều biết nhà nhau, thậm chí còn chơi thân với nhau đến tận bây giờ”.
Anh Nguyễn Vĩnh Phú (quê tỉnh Bến Tre), cựu sinh viên Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM, nhớ lại những cái tết năm nào. “Khoảng rằm tháng chạp lúc đó mấy anh em phải lặt mai. Nhà có bụi mai thiệt to, nhiều cây mai lâu năm nên mỗi lần lảy lá là mỏi cổ, mỏi chân, mỏi tay lắm nên đứa nào cũng ngán. Lá mai được gom lại, chờ khô để đốt lửa sưởi ấm. Những ngày giáp tết trời lạnh lắm, mà cỡ 5 giờ sáng là nội không ngủ được nữa, nội và ba mẹ ra đốt lửa sưởi ấm, uống trà, nướng bánh tráng ăn rồi trò chuyện”.
Còn chị Lê Thị Thảo, cựu sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, hiện ngụ tại 22 Hùng Vương, quốc lộ 56, ấp Đức Trung, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, kể: “Tết bây giờ sung túc hơn ngày xưa rất nhiều. Cái gì cũng ra chợ mua chứ ngày xưa mỗi lần tết đến là bánh mứt ở nhà tự làm hết”.
Chị Thảo nhớ lại: “Nhà tôi có đông anh em nên gần tết là má tôi sên cho một bao mứt dừa (khoảng 30 trái dừa có) cho mấy anh em ăn tết. Rồi má tôi rang khoảng từ 5 đến 7 kg nếp, sau đó mang đến nhà máy xay thành bột. Bột sau khi xay xong, tối mang lên nóc nhà đổ ra tấm bạt hoặc tấm áo mưa phơi sương ít nhất một hoặc 2 đêm cho nó dịu lại, rồi trộn với đường tán (loại đường cục đen) cạo nhuyễn nhận vào khuôn bánh có những hình thù khác nhau rất đẹp mắt. Sở dĩ má tôi làm rất nhiều bánh mứt trong dịp tết là để cho anh em có ăn đến hết tháng giêng luôn”.
Cứ thế, chuyện nay xen lẫn chuyện xưa, ngày tết hiện đại nhưng với nhiều bạn trẻ vẫn nhớ tết xưa một thuở. 
 
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.