Tết Canh Tý 2020: Thủ phủ mai miền Trung thu cả trăm tỉ nhờ mai dáng trực

Hoàng Trọng
Hoàng Trọng
13/01/2020 10:34 GMT+7

Giáp Tết Canh Tý, tại Bình Định - nơi được mệnh danh "thủ thủ phủ mai vàng miền Trung", mai kiểng được rao bán bình quân có giá từ 500.000 đồng – 1 triệu đồng/chậu.

Dự kiến thu hơn 100 tỉ từ bán mai
Ngày 12.1, ông Đào Xuân Huy, Phó Chủ tịch UBND TX.An Nhơn (Bình Định) cho biết dự kiến trong dịp Tết Canh Tý 2020, TX.An Nhơn sẽ thu về khoảng 115 tỉ đồng từ tiền bán mai vàng, nhiều hơn so với dịp Tết năm trước khoảng 40 tỉ đồng.
Từ đầu tháng Chạp, nhiều nhà vườn ở tỉnh Bình Định đã trưng bày mai tết dọc tuyến QL 1 A để bán, nhiều nhất là đoạn qua địa bàn TX.An Nhơn. Càng gần đến Tết Canh Tý, người đến TX.An Nhơn mua mai kiểng càng đông dần. Ngoài người dân địa phương còn có nhiều xe tải, xe khách đỗ ven đường để mua mai.
Theo các nông dân trồng mai ở TX.An Nhơn, năm nay thời tiết nắng ấm, lại ít mưa bão nên rất thuận lợi cho việc phát triển của cây mai. Nhờ đó, các nông dân trồng mai ở Bình Định năm nay được mùa, có nhiều chậu mai đẹp.

Những chậu mai Bình Định dáng trực đang được rao bán với giá từ 500.000 đồng- 1.000.000 đồng

Ảnh: Hoàng Trọng

Một chậu mai dáng trực lâu năm

Ảnh: Hoàng Trọng

Hiện các chậu mai Bình Định được bày trên QL 1 có rất nhiều kích cỡ, giá cả từ vài trăm ngàn đến hàng trăm triệu đồng mỗi chậu, trong đó nhiều nhất là các loại mai có giá rao bán từ 500.000 – 1.000.000 đồng/chậu.
Ông Đỗ Văn Bé (66 tuổi, ở thôn Háo Đức, xã Nhơn An) cho biết mai vàng Bình Định được bán đi khắp nước, trong đó nhiều nhất là Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Gia Lai, TP.HCM, Hà Nội… Năm nay, hầu hết các nhà vườn trồng mai tết ở TX.An Nhơn đều canh mai nở đúng tết nên sẽ có thu nhập cao hơn so với những năm trước. Ngay từ đầu tháng Chạp, các thương lái đã đến nhà vườn thu gom mai chở đi bán khắp nơi.
Theo ông Đào Xuân Huy, hiện TX.An Nhơn có khoảng 3.000 hộ dân trồng mai vàng với diện tích khoảng 145 ha, chủ yếu tại các xã Nhơn An, Nhơn Phong, Nhơn Hưng, Nhơn Hạnh, Nhơn Mỹ…
Năm nay, lần đầu tiên UBND TX.An Nhơn phối hợp với Hội Sinh vật cảnh An Nhơn tổ chức Hội thi Mai vàng An Nhơn tại lô đất nằm sát QL 1 A ở P.Bình Định (TX.An Nhơn) từ ngày 11 và 12.1 nhằm trưng bày, quảng bá sản phẩm mai vàng và tạo điều kiện cho các nghệ nhân trồng mai có cơ hội giao lưu, trao đổi kiến thức, học hỏi kinh nghiệm trồng và chăm sóc cây mai vàng.

Những châu mai được trưng bày tại hội thi

Ảnh: Hoàng Trọng

Ban giám khảo chấm điểm tác phẩm mai kiểng dự thi

Ảnh: Hoàng Trọng

Hội thi thu hút 1.000 tác phẩm mai vàng quý, hiếm, đủ mọi dáng thế của 15 nhà vườn trong thị xã tham gia trưng bày. Trong các tác phẩm trưng bày, có 500 tác phẩm tham gia 2 phần thi: thi tác phẩm cây mai (mai truyền thống và mai bonsai), thi tay nghề (uốn mai con truyền thống bằng cọc, lạt và uốn mai con bonsai bằng dây kim loại).
Kết quả, tác phẩm Nét xưa Bình Định của nghệ nhân Nguyễn Xuân Hà đoạt huy chương vàng. Sau khi trao giải, tác phẩm này được thương lái trả 300 triệu đồng nhưng nghệ nhân Nguyễn Xuân Hà không bán.

Tác phẩm mai Nét xưa Bình Định

Ảnh: Hoàng Trọng

Tác phẩm Vũ nữ chân dài của nghệ nhân Nguyễn Văn Hồng đoạt huy chương bạc

Ảnh: Hoàng Trọng

Tạo dáng mai như luyện người quân tử

Theo ông Đặng Xuân Ngữ (68 tuổi, ở thôn Háo Đức, xã Nhơn An), nghề trồng mai kiểng truyền thống tại Bình Định xuất phát từ làng Háo Đức vào những năm 80 của thế kỷ trước. Sau đó, nghề trồng mai ngày càng ăn nên làm ra, lan rộng dần ra cả xã Nhơn An, sau đó lan ra nhiều xã lân cận.
“Nghề trồng mai có ở nhiều tỉnh miền Trung, miền Nam. Tỉnh Bình Định xuất phát sau nhưng cây mai vàng Bình Định sớm xây dựng được thương hiệu, có chỗ đứng trên thị trường là nhờ tạo ra những cây mai dáng trực. Mai dáng trực tượng trưng cho tinh thần hiên ngang, bất khuất của người quân tử. Thế mai khắc khổ, nhưng khi vươn lên thì thân rồng lực lưỡng, tứ chi đầy đặn. Người trồng mai chúng tôi hay nói, tạo dáng mai cũng như rèn người quân tử. Tức là cây mai sinh ra phải được rèn luyện về dáng thế, gốc đế, chi, cành theo những quy tắc rất nghiêm ngặt, như người quân tử sinh ra phải rèn luyện kham khổ, không ngừng tu dưỡng đạo đức”, ông Ngữ nói.

Những chậu mai dáng trực có bông búp dày thu hút nhiều khách hỏi mua

Ảnh: Hoàng Trọng

Người trồng mai Bình Định quan niệm mai dáng trực phải có gốc đế vững vàng, tứ chi cân đối...

Ảnh: Hoàng Trọng

Theo ông Ngữ, ở xã Nhơn An, người trồng mai nhiều thì có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, người trồng ít cũng đủ để cho gia đình một cuộc sống ấm no. Người có nghề thì mua mai vài tuổi về chăm một hai năm sau bán lại, người có đất mà không có nghề thì ươm mai giống ngoài ruộng rồi chăm vài năm thì bán, còn người không có đất thì đi làm thuê cho các vườn mai cũng có thu nhập cao.
Nhân công lặt lá, nhổ cỏ, vận chuyển mai, kéo xe đất… ở làng mai được trả 250.000 đồng/ngày. Thợ trồng mai có tay nghề ở Nhơn An đi chăm mai trong tỉnh được trả công 300.000 đồng/ngày, đi các tỉnh khác thì được trả đến 500.000 đồng/ngày. Ngoài ra, ở các làng mai còn có nghề phụ trợ như vót cọc tre, đúc chậu, bán đất…

Lao động lặt lá mai ở xã Nhơn An được trả công 250.000 đồng/ngày

Ảnh: Hoàng Trọng

Ngoài dáng trực, nông dân trồng mai bonsai ở Bình Định ngày càng tạo ra nhiều dáng mới

Ảnh: Hoàng Trọng

Các giống mai cũng được lai ghép, tạo ra những cây mai có nhiều bông, bông nhiều cánh

Ảnh: Hoàng Trọng

Chủ tịch UBND xã Nhơn An Nguyễn Tấn Đức cho biết toàn xã có khoảng 1.500 hộ dân thì 1.200 hộ tham gia trồng mai. Dịp Tết Kỷ Hợi 2019, người dân xã Nhơn An thu được 27 tỉ đồng từ tiền bán mai. Trong dịp Tết Canh Tý 2020, hiện người trồng mai trên địa bàn xã Nhơn An đã thu được 24 tỉ đồng từ việc bán mai. Theo dự kiến, vụ mai Tết năm nay, người trồng mai ở Nhơn An sẽ có mức doanh thu hơn 30 tỉ đồng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.