Tết này Hà Nội có múa nghê thời Lý

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
25/01/2020 13:04 GMT+7

Tiến sĩ Trần Hậu Yên Thế đã phỏng dựng lại điệu múa nghê với đầu nghê dựa trên tạo hình của nghê thời Lý.

Chiếc đầu nghê cho điệu múa nghê đã được đăng hình trên facebook của TS sĩ Trần Yên Thế (ĐH Mỹ thuật Hà Nội) từ những ngày cuối tháng chạp. Bạn bè của ông vào hỏi thăm liên tục vì tạo hình đầu nghê quá đẹp. “Phường nào dựng đầu nghê mà đẹp quá”, nhà điêu khắc Đinh Công Đạt nói.
Về tạo hình nghê này, TS Trần Hậu Yên Thế nói: “Hai đầu nghê là nghê/sư tử đội tòa sen chùa Bà Tấm, Bắc Ninh. Chuẩn mực đẹp của thời Lý đấy”. Quả thực, tạo hình sư tử đội tòa sen ở chùa Bà Tấm là một trong những mẫu mực tạo hình sư tử đẹp trong lịch sử mỹ thuật VN. PGS -TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, thậm chí còn cho rằng mẫu sư tử này là mẫu tử đẹp nhất trong các chùa Việt. Đây cũng là hiện vật vừa được công nhận bảo vật quốc gia cuối năm 2019.
Tết Canh Tý này, điệu múa nghê do TS Trần Hậu Yên Thế phỏng dựng lại được biểu diễn ở nhiều nơi. Trong đó, có hai điểm văn hóa quan trọng tại Hà Nội là Văn Miếu Quốc Tử Giám và Trung tâm văn hóa phố cổ. “Rõ ràng, đây là một tín hiệu vui cho văn hóa truyền thống. Con nghê đã từ di tích bước ra và hòa vào đời sống văn hóa của người dân”, nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình - sáng lập viên nhóm Đình làng Việt nói. Ông Bình cũng cho biết, sự tươi vui của điệu múa khiến người dân cũng bị thu hút. Bản thân nhóm của ông cũng cùng đi theo cổ vũ.

TS Trần Hậu Yên Thế bên mô hình đầu nghê

Ảnh NVCC

Về điệu múa nghê, ông Yên Thế chia sẻ: “Tôi phỏng dựng điệu múa này dựa trên một nghiên cứu của mình từ lâu. Theo đó, tôi phỏng đoán về điệu múa theo phương thức sáng tạo truyền thống. Ở Hàn Quốc múa nghê vẫn còn. Hình thức của điệu múa này khiến tôi giật mình vì có nhiều điểm tương đồng với một số điệu múa của người Nùng. Khi sang Lào tôi cũng thấy có múa sư tử. Khi tôi về Vũ Thư, Thái Bình cũng có điệu múa sư tử riêng. Họ nói là của anh bộ đội học người Thái, người Lào rồi về dạy. Vậy phải chăng có một điệu múa rất xưa là múa lân, trong đó có các yếu tố giống các điệu múa Hàn Quốc, Lào trên do có giao thoa và tương đồng văn hóa”.
Một thành viên của nhóm yêu di sản Đình làng Việt, ông Lương Hồng Nam đánh giá: “Tạo hình nghê rất đẹp và sáng. Tuy nhiên vận động còn sơ sài. Có lẽ đầu nghê nặng, nên người bê nhanh xuống sức, dẫn đến có những vận động đơn giản và gây nhàm chán”. Ông Nam cũng đề nghị nếu có thể thì giảm độ lớn hoặc trọng lượng của đầu nghê. Ông cũng muốn tăng tính vui tươi trong các hành động. Chẳng hạn, có thể nhái theo hành động của các chú chó con như mừng, lăn lộn, đứng 2 chân, đùa nhau, gãi…
Về lâu dài, ông Yên Thế cho biết cũng sẽ chỉnh sửa điệu múa nghê cho đẹp hơn, thu hút hơn. Trước hết, điều đó sẽ bắt đầu từ việc làm lại với kích thước nhỏ hơn cho dễ múa. Bản thân ông Thế cũng là người đã gắn bó với việc nghiên cứu nghê nhiều năm. Còn nhớ hồi 2017, ông đã xuất bản cuốn Phác họa nghê - gã linh vật bên rìa (Nhìn từ đền Vua Đinh, Vua Lê). Ở đó, ông khảo rất nhiều mẫu nghê ở các đền, đưa ra các bản vẽ chi tiết. Từ những bản vẽ này, những người thợ thủ công có thể tạo được mẫu nghê. Làng đá Ninh Bình cũng đã đục lại những mẫu nghê xưa dựa trên nghiên cứu này của ông Thế. Điều này giúp đánh bật linh vật ngoại lai trong di tích Việt. Cuốn sách sau đó cũng đã nhận giải thưởng Sách Quốc gia 2019.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.