Vừa tích trữ vừa bất an
Chúng tôi gặp bà Phạm Thị Huân - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ba Huân trong những ngày cuối năm. Không giấu được vẻ vội vã, tất bật, bà Ba Huân bộc bạch: "Năm nay ngành trứng gia cầm khá khó khăn, thị trường thu hẹp đáng kể do công nhân thất nghiệp nhiều, các bếp ăn tập thể thu hẹp quy mô và bắt đầu kén chọn nhiều hơn. Trong bối cảnh đó, sự cạnh tranh về thị phần giữa các doanh nghiệp tăng lên đáng kể. Không chỉ riêng Ba Huân mà một số doanh nghiệp cùng ngành cũng hoạt động rất khó khăn. Năm nay có thể nói giá trứng bình ổn gần như cả năm chứ không chỉ vào dịp cao điểm. Ở thời điểm hiện nay, các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá của TP.HCM đã phải tích trữ hàng hóa, chuẩn bị đủ nguồn hàng theo yêu cầu, Ba Huân cũng đã có kế hoạch tăng thêm 10 - 20% sản lượng để đón tết nhưng cũng rất lo sức mua không đủ mạnh".
"Trước tình hình thị trường trứng gà gặp áp lực cạnh tranh lớn, chúng tôi đã phải nỗ lực đầu tư chuyển đổi khâu sản xuất, áp dụng công nghệ quản lý bằng hệ thống AI để giảm nhân công, hạn chế thất thoát và ứng dụng mua hàng trực tuyến qua điện thoại thông minh. Mặc dù phải đầu tư một chi phí lớn nhưng sẽ được khấu hao trong quá trình 10 năm, 20 năm tới nhằm tiết kiệm chi phí. Ngoài ra, Ba Huân còn đang mở rộng nhiều sản phẩm khác ngoài trứng tươi để đa dạng mặt hàng", bà Phạm Thị Huân cho biết thêm.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Trương Chí Thiện, Tổng giám đốc Công ty Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt cũng chia sẻ: "Từ dịp Tết Trung thu đến nay, tình hình tiêu thụ trứng gia cầm khá ảm đạm. Đối với công ty chúng tôi thì thị phần các bếp ăn tập thể, khu công nghiệp chiếm khoảng 40% doanh số, nhưng thời gian gần đây thì lượng công nhân giảm mạnh, thị phần tại các chợ và siêu thị có tăng lên chút đỉnh nhưng không đủ bù đắp cho lượng thiếu hụt. Bên cạnh đó, một số đối tượng khách hàng khác là các công ty bánh kẹo cũng bị ảnh hưởng nặng nề nên đã giảm mua nguyên liệu trứng. Ví dụ, thời điểm hiện nay gần đến dịp lễ tết cuối năm, các công ty bánh ngọt thường sử dụng một lượng lớn trứng gà để làm bánh, nhưng năm nay cũng chưa thấy gì".
Đối với nguồn trứng gia cầm chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán, ông Trương Chí Thiện cho biết sẽ tăng sản lượng để tích trữ theo cam kết của chương trình bình ổn giá, nhưng vẫn rất lo vì khả năng có thể dư thừa như tết năm trước.
Liệu có thiếu thịt, trứng?
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê và Cục Chăn nuôi, tổng đàn gia cầm hiện vẫn giữ ở mức ổn định, công tác tiêm phòng được quan tâm nên không xảy ra dịch bệnh trên diện rộng. Nhiều cơ sở đã mở rộng quy mô chăn nuôi khi hợp tác nuôi gia công cho các công ty trong và ngoài nước. Ước tính tổng số gia cầm của cả nước đến thời điểm cuối tháng 11 tăng khoảng 3% so với cùng thời điểm năm 2022. Nguồn cung vẫn đang tăng nên khó thiếu thịt gia cầm, trứng gia cầm trong dịp cuối năm.
Về giá bán, do nhu cầu tiêu thụ giảm và người tiêu dùng tiết kiệm chi tiêu, giá thịt gà, trứng gia cầm vẫn ở mức thấp và giá trứng gần như ổn định trên cả nước, dao động trong khoảng 2.100 - 2.300 đồng/quả. Để chuẩn bị hàng hóa phục vụ người dân dịp Tết Giáp Thìn, Tổng Công ty thương mại Hà Nội (Hapro) đã tăng khối lượng hàng hóa dự trữ gấp 3 lần. Một số doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực cung ứng hàng hóa cũng cho biết, phần lớn ngân sách của các đơn vị sẽ được ưu tiên cho trữ lượng các nhóm hàng bình ổn thị trường như: Gạo, đường, dầu ăn, thịt heo, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả, hải sản…
Đối với hệ thống siêu thị Co.opmart, tổng giá trị nguồn hàng thiết yếu phục vụ tết của Saigon Co.op lên đến 10.000 tỉ đồng, tăng từ 20 - 50% tùy theo nhóm hàng so với tháng kinh doanh bình thường. Phần lớn ngân sách ưu tiên cho trữ lượng các nhóm hàng bình ổn thị trường gồm gạo, đường, dầu ăn, thịt heo, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả, thủy hải sản… Do đó, có thể nói nguồn thịt, trứng năm nay khá dồi dào và sẵn sàng chờ người tiêu dùng mua sắm.
Tăng cường bảo đảm nguồn cung thực phẩm
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Chỉ thị 29/CT-TTg về việc ngăn chặn nhập lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật, kiểm soát tốt dịch bệnh, phát triển chăn nuôi bền vững, bảo đảm nguồn cung thực phẩm. Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Bộ NN-PTNT theo dõi sát tình hình, chủ động chỉ đạo, triển khai các biện pháp bảo đảm nguồn cung thực phẩm trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024; chỉ đạo cơ quan chuyên môn thú y tăng cường công tác kiểm dịch nhập khẩu, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trong nội địa theo quy định pháp luật, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động chỉ đạo các cơ quan chức năng chuyên ngành phối hợp để triển khai các biện pháp nhằm ngăn chặn, chấm dứt để tình trạng nhập lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật, đồng thời kiểm soát tốt các loại dịch bệnh động vật, hạ giá thành chăn nuôi, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm động vật sản xuất trong nước.
Bình luận (0)