Cơm áo khiến chúng ta quên đi nhiều thứ
Có lẽ chúng ta hơi hờ hững với thời gian. Bởi cơm áo như chiếc lồng quay xổ số. Còn mỗi người lại như một quả bóng trong đó. Cứ tung lên theo vòng quay một cách chóng mặt, xáo trộn lộn xà ngầu. Cứ vậy, chúng ta quên đi những điều nhỏ nhặt hoặc lớn lao. Chúng ta chỉ có thể làm con rối của cuộc sống áo cơm.
Bước chân thời gian đi thật khẽ và lướt thật nhanh |
LÊ THANH HẢI |
Chúng ta hơi hờ hững với thời gian. Cũng giống như việc chúng ta biết rằng ai đó sẽ bước đến một thế giới khác. Nhưng khi nhận được tin ấy, chúng ta không khỏi bàng hoàng. Vấn đề là chúng ta chưa chuẩn bị tâm lý và có phần hờ hững với thời gian quá. Chính vì vậy mà thời gian cũng hờ hững với tất cả mọi người.
"Thời gian chạy qua tóc mẹ". Thời gian không hình hài, mà in hằn những nếp nhăn trên gương mặt hiền hậu của bà. Thời gian như hút hết chất dinh dưỡng, để xác thân cha ngày một héo gầy. Và cũng chính nó đang từng giây đang bào mòn tuổi trẻ của chúng ta. Ai hay? Bởi chúng ta và thời gian đều đang hờ hững với nhau. Đến khi bất giác nhận ra, ta mới thở dài nuối tiếc.
Thời gian không hình hài, mà in hằn những nếp nhăn trên gương mặt hiền hậu của mẹ |
NGUYỄN DŨNG |
Tôi cũng thế. Và ai đó cũng vậy. Khi đọc những dòng này, các bạn có nuối tiếc chi chăng? Riêng tôi, tôi có thật nhiều tiếc nuối. Bởi tôi cũng hờ hững. Tôi đã hờ hững với thời gian khi để công việc trì trệ, làm những việc vô bổ. Tôi hờ hững với những điều giản dị. Như những người đến trong cuộc đời tôi, hay thờ ơ trước những bữa cơm mẹ nấu... Khi tôi chợt suy tư, tôi bỗng thấy mình như một khối sắt, trái tim như một viên đá khô. Tôi tiếc nuối!
Tôi bớt hờ hững với thời gian, bớt hờ hững với những người xung quanh và cả chính mình |
LÊ THANH HẢI |
Tiền có thể kiếm cả đời...
Chúng ta đều có “Những phút xao lòng” khi nghĩ về quá khứ. Và phàm thì khi mất đi, con người ta mới ngậm ngùi nuối tiếc. Bởi chúng ta đang phó thác cuộc đời mình cho những thứ xung quanh. Cuối năm, chúng ta đổ mồ hôi chạy đua với vật chất. Mà quên mất một năm qua mình cũng đã tất bật. Để rồi mỗi cái tết với chúng ta là một nỗi ám ảnh… kinh hoàng. Bị cuộc sống mưu sinh lấn át, việc về quê đoàn viên cũng bị bỏ xó. Đến khi nhớ ra, vé xe, vé tàu đều đã leo thang… máy. Tại sao thế nhỉ? Hờ hững mà ra. Chúng ta đều lo tất bật kiếm tiền, quên đi những điều quan trọng. Tiền có thể kiếm cả đời. Nhưng những cái tết đoàn viên sẽ ngày càng ít, khi số lượng thành viên trong gia đình đang đếm ngược.
Thời gian thấm thoát thoi đưa |
TRẦN CAO DUYÊN |
Chúng ta vừa hờ hững với thời gian, vừa hờ hững với những người đã đến trong cuộc đời mình. Để khi bất chợt nhận ra giá trị, ta đã mất cả chì lẫn chài. Chắc chẳng ai quên được cái tết dài lịch sử do dịch Covid-19 và hệ lụy của nó. Chúng ta đã mất vui 2 mùa tết như vậy. Và có lẽ chính giây phút ấy, tất cả mọi người đều cảm nhận được sự buồn bã và thương nhớ tết xưa. Nhưng rồi đâu lại vào đấy, cơn lốc áo cơm lại cuốn ta theo.
Năm đó, tết với tôi hơi buồn. Những người thân ở nước ngoài gọi về chúc tết trong nỗi hoài hương. Lúc ấy, tôi cảm thấy mình hạnh phúc vì còn được sum họp bên gia đình. Mọi năm, tôi cũng chả ham gì xuân, chẳng mừng gì tết. Tôi cứ ca “Một ngày như mọi ngày”, vậy là xong.
Cuối năm, chúng ta đổ mồ hôi chạy đua với vật chất. Mà quên mất một năm qua mình cũng đã tất bật |
TRẦN CAO DUYÊN |
Nhưng sau tết, tôi lại thay đổi. Tôi bớt hờ hững với thời gian, bớt hờ hững với những người xung quanh và cả chính mình. Năm nay, tôi lựa chọn đặt vé xe thật sớm, thu xếp mọi việc để về bên gia đình. Cúng đưa ông Táo, dọn dẹp cửa nhà, và rước ông bà về ăn tết.
“Đừng để những ký ức chỉ là tiếc nuối”! Như tôi bây giờ, có những người thân mùa tết này đã không còn gặp lại. Hãy cầm điện thoại lên, đặt một chiếc vé xe, tết này về quê. Và đừng hững hờ với những gì mình đang có...
Bình luận (0)