Tết ở giữa sông Hàm Luông |
LỮ DUY TƯỜNG |
Nằm giữa con sông Hàm Luông, cách đất liền gần 2km, cù lao An Bình hay còn gọi là cù lao Đất thuộc địa phận ấp An Bình, xã An Hiệp, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Nơi đây được phù sa bồi đắp quanh năm, bốn bề sóng vỗ. Có diện tích 2,2 km² với khoảng gần 2.000 người. Bà con sống bằng nghề nông như trồng lúa, mía… và nuôi tôm, đánh bắt thủy sản trên sông Hàm Luông.
Không cần trả tiền mặt bằng lại có thêm thu nhập
Trong dịp Tết Nhâm Dần 2022, chúng tôi đã về cù lao Đất để tìm hiểu cuộc sống bà con cũng như những sinh hoạt, vui chơi trong dịp xuân về. Theo đó, xuất phát từ thị trấn H.Ba Tri, mất khoảng 20 phút đến bến phà Giồng Lân (ấp Giồng Lân, xã An Hiệp, H.Ba Tri) và tốn thêm 30 phút theo con phà thì chúng tôi mới đến được cù lao Đất.
Sau khi thức dậy ở một homestay (loại hình du lịch lưu trú tại nhà người dân) tại cù lao. Đúng 7 giờ sáng ngày 30.1, chúng tôi bắt đầu khám phá nơi đây. Chợ truyền thống (hay còn gọi là chợ An Bình) là nơi đến đầu tiên của mọi người.
Cù lao Đất nằm lẻ loi giữa dòng sông Hàm Luông |
T.Đ |
Được biết, cách từ 1,5 đến 2 tiếng thì phà sẽ chạy. Chuyến đầu tiên trong ngày bắt đầu từ 5 giờ sáng (từ cù lao qua đất liền). Và chuyến cuối cùng là 5 giờ chiều. Sau khung giờ này, ai muốn đi thì phải… bao phà với giá dao động từ 150.000 đồng - 200.000 đồng. |
T.Đ |
Nằm sát bến phà, chợ này có nhiều loại hàng hóa từ thịt, rau củ quả, các mặt hàng gia dụng… tuy không đa dạng nhưng nó cung cấp đủ một vài bữa cho dân cù lao. Trong những ngày cận tết chợ đông hơn. Được biết, đây là chợ duy nhất ở cù lao này, và chỉ bán vỏn vẹn từ 1 tiếng đến 1,5 tiếng mỗi ngày.
Người bán ở chợ chủ yếu là dân bên đất liền |
T.Đ |
Tất bật bán từng quả bưởi cho khách, anh Lê Văn Tùng (30 tuổi), cho hay: “Tôi bán cũng được hai mùa tết rồi. Ở đây ai có gì thì ra đây bán, không cần phải trả phí gì hết”.
Anh Tùng sinh ra và lớn lên ở cù lao Đất. Đến năm 18 tuổi, anh đi học ngành điện tại Trường CĐ Cao Thắng TP.HCM rồi ở lại làm gần 3 năm, sau đó anh về Bến Tre làm công nhân. Tết 2022, anh quyết định về đây sống để tiện chăm cha, mẹ già và nối nghiệp nghề nuôi tôm.
Anh Tùng lấy bưởi từ vườn ở H.Châu Thành, Bến Tre về cù lao bán để có thêm thu nhập |
T.Đ |
Theo anh Tùng, nơi đây là chợ duy nhất của bà con cù lao. Người bán khá ít chủ yếu là cô, chú ở đất liền. Mỗi ngày chợ bán vỏn vẹn đúng 1 tiếng đồng hồ (7 giờ đến 8 giờ) hoặc trễ lắm cũng kéo dài đến 8 giờ 30. Giá cả thì chỉ cao hơn vài ngàn đồng so với đất liền.
Anh Tùng tiếp tục nói: “Đúng 7 giờ là chuyến phà đầu tiên cập bến. Hàng hóa, lương thực sẽ được bày bán, người dân sẽ kéo ra mua. Có những ngày thiếu đồ đến mức… giành với nhau”.
Loay hoay cũng mất gần 30 phút để lựa vài mớ rau, miếng thịt, một nhành hoa để đem về nhà bà con của chúng tôi gần đó, nhưng thú thật, mọi người luôn sợ hết đồ vì lượng người dân ùa ra ngày càng nhiều. “Lựa nhanh đi coi chừng hết đồ đó. Một chút nữa là người ta về lại đất liền rồi”, một tiểu thương nhắc nhở.
Các mặt hàng nông sản được người dân ưa chuộng |
T.Đ |
Ngồi đối diện với anh Tùng, chị Lưu Thị Loan Thảo (24 tuổi), thì bày bán vài hộp cơm sườn, bánh tét… “Nhà tôi bên đất liền. Mỗi ngày 5 giờ sáng là thức dậy đi lấy hàng bán. Đến 7 giờ theo con phà, chở đồ qua đây bán tiếp. Ở cái chợ này thích nhất là không cần trả tiền mặt bằng, lại có thêm nguồn thu nhập”.
Chị Thảo, 24 tuổi, cho hay không chỉ kiếm thêm thu nhập, bán ở chợ cù lao không trả phí mặt bằng |
T.Đ |
Vừa nói dứt câu, chị Thảo nhờ chúng tôi mua vài cái bánh còn sót lại để chị về nhà đúng giờ. “Chợ này ngộ lắm, đến 8 giờ 30 là không thấy ai ra mua. Có ngày xui thì những mặt hàng nào không bán được phải năn nỉ người ta, còn không thì về lại đất liền bán với giá gốc. Tôi tính nghỉ bán vào mùng 1, 2 tết để vui chơi với gia đình, sang mùng 3 thì bắt đầu bán lại”, chị Thảo bộc bạch.
Một gian hàng nhỏ ở chợ cù lao |
T.Đ |
Chị N.T.T.Nhung (33 tuổi), ngụ ấp An Bình, xã An Hiệp chia sẻ: “Người dân ở đây đi làm sớm. Nhà nào cũng có tôm, cá dưới ao, cứ bắt lên mà chế biến. Đi chợ chỉ mua thêm mớ nông sản, dụng cụ cá nhân. Ai mua hàng nhiều thì sang đất liền để sắm sửa. Có hôm bất chợt thiếu đồ thì qua mượn nhà bà con, hàng xóm".
"Đóng cho nhà mạng cũng mất gần cả trăm ngàn đồng/ngày"
Những ngày cận tết, không nhiều thì ít, mỗi hộ dân cù lao Đất cũng trang hoàng nhà cửa bằng một đến hai chậu hoa kiểng. Ai có kinh tế thì mua nhiều, người hạn hẹp thì chỉ trang trí lác đác những bông dán hình hoa mai trên tường. Ấy vậy mà... vui.
Người dân cù lao mang tết về nhà chỉ là vài nhành hoa vạn thọ, đòn bánh tét |
LỮ DUY TƯỜNG |
Đón tiếp chúng tôi bằng sự niềm nở, chú Trịnh Văn Hồng (hay còn gọi là Sáu Xưa), sinh ra và lớn lên ở cù lao Đất cho hay nơi đây có điện cũng được hơn 8 năm nay. Nhờ vậy mà đời sống bà con được cải thiện đáng kể. Từ đó, việc nuôi tôm công nghiệp, các hoạt động sản xuất được đầu tư nhiều hơn, chứ hồi đó… nghèo lắm.
Chú Trịnh Văn Hồng (hay còn gọi là chú Sáu Xưa) vui vẻ tiếp đón nhóm chúng tôi |
T.Đ |
Nói về cái tết ở xứ cù lao này, chú Sáu Xưa chia sẻ: “Ở đây thì bình thường thôi. Vào ngày tết con cái đi làm xa trở về nên nhà đông hơn. Cũng có những hộ dân thì không đón tết, đi làm miết… Nhà tôi thì có thờ cúng ông, bà tổ tiên nên dịp tết đám nhỏ về cũng nhiều”.
“Từ lớn đến giờ tôi có biết vui chơi hoa xuân, lễ hội là gì. Ngày tết chỉ cho phép mình nghỉ ngơi vài bữa rồi tiếp tục đi làm. Từ khi có điện thì hầu như nhà nào cũng sắm cái loa kẹo kéo để karaoke cho giải trí, thư giãn. Ở đây thì chưa có wifi, nên muốn sử dụng mạng phải đăng kí 3G hoặc 4G. Tuy nhiên nhiều lúc cũng chập chờn lắm, đang hát khúc hay thì bị “đứng hình”. Vào ngày tết, anh em, bà con tụ tập ca liên tục, có những ngày tiền đóng cho nhà mạng cũng mất gần cả trăm ngàn đồng/ngày”, chú Sáu Xưa nói và cười.
Một ngôi nhà ở cù lao Đất trang trí tết |
T.Đ |
Không khí rất trong lành, quên đi những lo toan mệt nhọc
Trở về homestay sau một ngày dài "tám" với người dân, chúng tôi được đón gió, hòa mình vào thiên nhiên tại cù lao. Cũng chọn nơi đây để vui chơi xuyên tết cùng gia đình của mình, Trần Kim Duy Khang (18 tuổi), ngụ Q.8, TP.HCM cho hay: "Quê ngoại em ở đây. Cứ đến tết là em theo phụ huynh về chơi, thư giãn sau một năm học tập và làm việc. Em thấy nơi này có không khí rất trong lành, giúp mình quên đi những phiền toái, mệt nhọc".
Duy Khang (áo trắng) cùng các em nhỏ vui chơi, đón gió trên bè |
T.Đ |
Dẫn chúng tôi ra bè nuôi cá gần đó, Duy Khang chia sẻ: "Với em, quê ngoại là đẹp nhất. Mỗi lần đến nơi đây, em như được tách biệt với thế giới bên ngoài. Không còn tiếng xe cộ ồn ào, tấp nập. Thay vào đó, được hòa mình vào thiên nhiên. Ở đây, em cảm nhận đúng nghĩa của sự an yên vì được hít thở bầu không khí mát mẻ, trong sạch và thấy được sự tĩnh lặng từ bên trong tâm hồn".
Đến với cù lao Đất như được tách biệt những lo toan, mệt nhọc |
T.Đ |
Đang phát triển các loại hình du lịch nghỉ dưỡng
Anh Nguyễn Nhật Trường, Phó bí thư Xã đoàn An Hiệp, cho hay cù lao Đất đang vươn lên từng ngày. Nơi đây đã và đang phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng.“Khi đến với Cồn Đất, mọi người sẽ được trải nghiệm các hoạt động vui chơi như: câu cua, bắt cá tôm tại vuông của người dân, chạy xe đạp tham quan khung cảnh sinh hoạt của người dân xứ cù lao…Ngoài ra mọi người có thể trải nghiệm ở đêm tại homestay trên cồn với nhiều hoạt động như: đốt lửa trại, giao lưu văn hóa đờn ca tài tử... Về ẩm thực, thì nổi tiếng với những đặc sản như: mắm cá, canh chua bần, cá bông lau”, anh Trường thông tin thêm.
Bình luận (0)