Tết sắp đến của công nhân giữa mùa ít việc: Ba mẹ khỏe là tết; quyết về với con

23/12/2022 12:15 GMT+7

Công ty không có đơn hàng, không được tăng ca khiến nhiều công nhân phải chi tiêu chắt bóp mới đủ trang trải. Dù khó khăn nhưng ai nấy đều hi vọng có cái tết vui vẻ, an yên, sang năm mới công việc ổn định hơn.

17 giờ chiều, trời TP.HCM đổ cơn mưa tầm tã. Xóm trọ công nhân trên đường Phạm Văn Chiêu (Q.Gò Vấp) tối mịt, nước mưa bắn hẳn vào phòng. Giờ này, nhiều người đã tan ca làm, trở về lo cơm nước cho gia đình. Những tưởng đó là cuộc sống bình yên của mỗi công nhân sau một ngày làm việc.

Thực tế, vì không được tăng ca nên họ phải về sớm. Trong lòng họ canh cánh nỗi lo, Tết Nguyên đán cũng đang đến gần.

“Thấy ba mẹ mạnh khỏe đón tết là vui rồi!”

Trong phòng trọ rộng khoảng 4m2 nhưng đồ đạc được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp, hai mẹ con chị Nguyễn Thị Bê (39 tuổi, quê ở Huế) thủ thỉ về chuyện học hành của con, chuyện chỗ làm của mẹ. Chị là công nhân may của một công ty sản xuất lều trại, con gái chị năm nay học lớp 9.

Chị Bê chia sẻ về công việc dịp cuối năm

dương lan

Sát cửa ra vào, chị đặt một chiếc máy may. Đây là chiếc máy may của người quen, chị mượn về làm thêm kiếm chút tiền. Tuy nhiên, nhiều tháng nay không có ai nhờ, chiếc máy nằm im.

Chị Bê cho hay, chị làm từ 7 giờ 30 sáng đến 16 giờ 30 chiều. Trước đây, đơn hàng nhiều chị thường tăng ca đến 18 giờ. Dù vất vả nhưng có thêm thu nhập để mẹ con đủ trang trải sinh hoạt, dành dụm ít tiền phòng lúc trái gió trở trời.

Khu trọ chị Bê thuê tối mịt sau cơn mưa

dương lan

“Trước tôi làm ở công ty khác, thâm niên lâu nên kinh tế ổn định, hai mẹ con đủ sống. Giờ chỗ nào lương cũng thấp, hàng ít, có những lúc tưởng như bế tắc, không xoay nổi. Tôi mới chuyển sang công ty này làm, phải ráng để có thêm đồng ra, đồng vào”, chị chia sẻ.

Chưa học hết cấp 3, chị rời quê vào TP.HCM kiếm sống. Ít năm gần đây, vì không hợp tính, vợ chồng chị li hôn. Chị làm mẹ đơn thân nuôi con gái ăn học.

“Đợt này việc ít nhưng đó là tình hình chung, không riêng gì tôi nên phải cố gắng. Hai mẹ con ở với nhau, lúc nào buồn chán thì nói chuyện, nấu này nấu kia cho con. Hồi nào giờ tôi toàn đi làm, không nghỉ ngày nào vì chùn bước là không ai lo cho con, trời thương rồi cuộc sống ổn định dần dần”, chị cho hay.

Chiếc máy may chị Bê mượn về làm thêm nhưng rất ít khách

dương lan

Cũng theo chị Bê, nếu việc đều thu nhập mỗi tháng của chị khoảng 8 triệu đồng. Tuy nhiên, thời gian gần đây không tăng ca, không có tiền thưởng nên chỉ được lương cơ bản khoảng 6 triệu đồng. Trừ tiền trọ, tiền con ăn học, chị không có dư.

Với chị, Tết Nguyên đán cũng giống…. ngày thường. Chị không về quê, mẹ con ở lại phòng trọ chuẩn bị mâm cơm cúng, sáng mùng 1 đi chùa cầu bình an, sức khỏe trong năm mới. Nhà chị có 7 anh em, ba mẹ sống ở quê nên chị luôn mong gia đình có cái tết đầm ấm, đủ đầy.

Chị Bê sắp xếp đồ đạc gọn gàng dù phòng nhỏ xíu

dương lan

“Mười mấy năm rồi, năm nào tôi cũng ở lại. Có việc gì gấp hoặc tranh thủ nghỉ hè mới đưa con về thăm ba mẹ vì tôi cũng không có nhiều tiền, đi lại tốn kém. Ngày tết, tôi làm mâm cơm theo đạo Phật đặt lên bàn thờ. Tội nghiệp con cũng hiểu, có chút chạnh lòng nên mình cứ động viên, hai mẹ con đi chùa đầu năm cho khuây khỏa”, chị bộc bạch.

Với chị Bê, dịp tết đến xuân về, nhìn ba mẹ khỏe mạnh là niềm hạnh phúc lớn. Năm nào, chị cũng canh chờ đến giao thừa để gọi chúc ba mẹ đầu tiên, năm nay cũng không phải ngoại lệ.

Mỗi tháng chị Bê trả khoảng 1,8 triệu tiền phòng trọ

dương lan

“Hồi chưa li hôn, tôi theo chồng làm trọn bổn phận làm dâu được 10 năm. Giờ một mình nuôi con nên phải chắt bóp, con chuẩn bị lên cấp 3 nên tiền học nhiều hơn. Tôi ráng bấm bụng cho hết năm, qua tết tìm công việc mới vì có nơi cho nghỉ việc cũng có nơi cần người. Đợt này chủ nhà thương tình cũng cho vài trăm động viên”, chị nói.

“Cố gắng về quê vì 3 năm rồi chưa được về!”

Chị Nguyễn Thị Hiếu (39 tuổi, quê ở Quảng Nam) chuẩn bị bữa cơm tối sau ca làm. Vợ chồng chị có một bé gái, cả gia đình sống trong một phòng trọ nhỏ chưa đến 10m2. Chị Hiếu đang lo phải nghỉ tết sớm vì không có việc. Dù vậy, chị cũng cố gắng để cả gia đình về quê ăn tết vì 3 năm nay chị chưa về.

“Đợt này tôi không được tăng ca nên về sớm hơn, giờ làm được ngày nào hay ngày đó. Mấy năm trước do dịch nên không về được, năm nay khó khăn mấy vợ chồng cũng cố gắng về quê đón tết với gia đình để con gái được gặp ông bà, anh em gặp lại nhau”, chị cho biết.

Với chị Vân, hiện giờ có việc làm lai rai cũng là một may mắn

dương lan

Cách phòng trọ của chị Hiếu không xa là nơi ở của vợ chồng chị Lê Tuyết Vân (37 tuổi, quê ở Vĩnh Long). Chị gửi bé gái đầu cho ba mẹ, còn con gái thứ hai sống cùng vợ chồng chị. Chị làm công ty giày da cho một đơn vị tư nhân nhỏ. Công ty mới mở nên hàng không nhiều. Chồng chị nghỉ chờ việc một tháng nay, gần đây mới đi làm trở lại.

Con gái thứ hai của chị Vân đang học lớp 1

dương lan

“Bình thường tôi đi làm 8 giờ tối mới về, nay về sớm hơn. Lương cơ bản không cao nên phải nhờ vào tăng ca, nếu việc đều mỗi tháng được khoảng 8 triệu đồng. Tháng trước tôi nghỉ ở nhà nhiều, tháng này đỡ hơn nên làm lai rai, giờ có việc là may rồi”, chị chia sẻ.

Tết năm nay chị sẽ cố gắng về quê ăn tết

dương lan

Đến giờ chị vẫn chưa có dự định mua sắm đồ tết vì công ty chưa báo tiền thưởng tết. Tuy nhiên, cả nhà sẽ về quê ăn tết cùng ba mẹ, con gái đầu. “Dù cách Sài Gòn khoảng 200km nhưng năm nay tôi chưa về lần nào vì ở lại chờ việc. Cả nhà cố gắng ăn tết cùng nhau rồi qua năm tính tiếp. Đợt này mới có việc nên anh làm ca đêm đến 9 – 10 giờ tối mới về”, chị vừa nói vừa chỉ con gái học lớp 1 tập viết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.