Đó là những câu thơ trong một bài thơ học trò tôi viết từ hơn 20 năm trước, thuở tôi còn là chàng trai 20 tuổi. Tôi thích tết. Tôi yêu tết. Tôi viết khá nhiều về tết. Bởi với tôi, tết không chỉ là ngày lễ, tết, cũng chẳng thuộc vòng quay 365 ngày. Tết là một khoảng không gian vô cùng đặc biệt. Thậm chí, tết không có ngày đêm và không có cả giờ phút. Tết được gọi tên theo mùng. Tết không có cũ và cũng chẳng có mới. Bởi trong những thứ rất cũ luôn ánh lên những điều mới mẻ. Bởi trong rất nhiều khởi đầu mới vẫn lấp lánh những âm ba của xưa cũ.
|
Tôi đã trải qua hơn 40 cái tết, từ ngày bắt đầu ý thức được ngày tết. Được đón Tết ở nhiều ngôi nhà mà tôi đã đi qua. Có cái tết ở phố cổ Hàng Bồ, nơi tôi sinh ra và trải qua suốt thời thơ ấu. Có cái tết ở khu tập thể cũ được xây dựng ở thập niên 80. Có cái tết ở khu chung cư gần như hiện đại và sang chảnh nhất nhì thành phố. Nhưng tất cả đều là những cái tết Hà Nội. Chưa bao giờ tôi rời khỏi Hà Nội vào dịp tết cả. Và chắc sẽ chẳng bao giờ tôi muốn đón tết ở đâu ngoài Hà Nội của tôi. Bởi tết của tôi mà rời khỏi Hà Nội, dường như, nó chẳng còn là tết nữa. Có đi đâu thì cũng phải sau mùng 2, mùng 3.
Tết bắt đầu từ lúc nào?
Tết bắt đầu không phải là lúc giao thừa. Tết bắt đầu từ trước đó rất lâu. Có khi trước cả ngày ông Công ông Táo lên chầu trời. Tết có khi bắt đầu từ những gánh củ kiệu ngoài phố, những mẹt hoa thược dược, violet tím, những gánh đồ hàng mã… Tết của trước Giao Thừa thuở bé chậm ơi là chậm. Nhưng đến tuổi trưởng thành thì lại gấp ruổi xiết bao. Đến lúc có gia đình, tết của trước giao thừa lại là cấp tập chuẩn bị. Tôi thích khoảng thời gian này. Nó là khoảng thời gian chậm rãi mà vội vã, cuống cuồng mà vẫn nhẩn nha. Bởi công việc đã được thu xếp lại sau những ngày xuyên đêm chuẩn bị báo tết, không vội vã vì công việc nhưng vội vã trong sự chuẩn bị cho tết. Vội đấy mà vẫn chậm rãi bởi nó không có deadline nào hết. Nên có nhiều bữa cà phê nhìn dòng người xuôi ngược, ngẫm và nghĩ về năm tháng mà ta đã vắt chân lên cổ chạy. Cuống cuồng trong tâm thức những ngày giáp tết nhưng vẫn nhẩn nha nhâm nhi vị ngày trước tết. Thực sự đó là khoảng thời gian vô cùng phức cảm.
Giao thừa - “trái tim” của tết
Rồi đến giao thừa - “trái tim” của tết. Phải, giao thừa chính là tâm điểm của tết. Giao thừa là của trở về nhà nhưng cũng lại là xuất phát điểm của khởi hành. Trở về nhà trước 12 giờ đêm và khởi hành sau 12 giờ đêm. Tôi luôn yêu cảm giác mình đi xuyên qua cánh cửa giữa 2 năm như vậy. Cảm giác vừa miên man lại vừa phấn khích. Có năm, tôi đón giao thừa bên người yêu của mình, cùng cô ấy ngắm pháo hoa và hẹn ước trăm năm. Tiếc rằng, giao thừa mỗi năm một lần nhưng tình yêu tuổi trẻ có khi chỉ đến một lần. Có năm, tôi đón giao thừa cùng bố mẹ mình. Tôi luôn háo hức được nghe bố mẹ chúc khi họ mừng tuổi tôi. Đến cả bây giờ, khi tóc tôi cũng đã nhiều sợi bạc, con của tôi đã lớn, tôi vẫn luôn mong ngóng lời chúc mừng năm mới của bố mẹ mình. Chẳng phải những lời chúc đó hay ho thế nào đâu, bố mẹ tôi ít chữ lắm, nhiều khi lời chúc năm nào cũng giống nhau cả. Nhưng tôi vẫn háo hức vì tôi cảm giác được trong những lời chúc ấy là xiết bao kỳ vọng mà bố mẹ dành cho tôi.
Lại có năm, tôi đón giao thừa bên vợ, con mình. Cảm giác quây quần bên nhau thật sự ấm áp. Nhưng luôn có một đôi chút chạnh lòng khi nghĩ đến bố mẹ mình và nghĩ đến mình mai này. Phải, là khi lũ con cái lớn khôn, giao thừa chúng đều có bạn bè chúng, gia đình riêng của chúng. Chạnh lòng để thấy trân quý từng giây phút giao thừa khi ở bên nhau. Và có những năm, tôi đón giao thừa giữa bạn bè và đám đông xa lạ xung quanh. Xa lạ trước giao thừa và trở nên thân thiết sau giao thừa. Là bởi cùng chúc mừng nhau như những người đã thân thiết từ… năm ngoái.
Hơn 40 cái tết đã đi qua mà tết này đến tôi vẫn thấy như mới. Ngoài kia, bạn đã thấy tết chưa?
Bình luận (0)