Trong cuốn “Thú chơi sách” của mình, nhà nghiên cứu văn hóa Vương Hồng Sển viết: “Tết năm 1918, Nam Phong tạp chí có cho ra một tập riêng, toàn thơ văn có giá trị và nếu không lầm, tập ấy là thủy tổ các số báo xuân, báo tân niên...”.
Như vậy, căn cứ vào cái sự “nếu không lầm” của cụ thì báo tết có tuổi đời hơn một thế kỷ. Chừng ấy thời gian có thể phủ bao nhiêu lớp rêu mờ lên những đền đài. Nhưng với báo tết thì ngược lại: Càng về sau càng xuân, càng sáng, càng đẹp và hay vì báo nào cũng đầu tư, cải tiến không ngừng.
Thơ văn, bài vở, hình ảnh trên báo tết luôn được các “đầu bếp” (ban biên tập) chăm chút từ nội dung đến hình thức. Do vậy, ấn phẩm tết đặc biệt này được coi là món ăn tinh thần đậm đà hương vị xuân trong phần lớn gia đình Việt.
Hội báo xuân tỉnh Quảng Ngãi |
TRẦN CAO DUYÊN |
Hậu trường báo tết
Xin kể vài chuyện vui vui ở hậu trường báo tết. Giữa tháng 10, thằng em là phóng viên về quê ghé nhà chơi. Vừa ngồi nó đã ra điều kiện: “Một giờ thôi nghen. Có thể bia nhưng không quá 3 lon. Rề rà nấn ná, anh em phát hiện kéo tới thì toi cả ngày. Có thể thâm đêm luôn ấy chứ”.
Lý do của điều kiện là: Đang vào mùa báo tết. Viết cho báo mình, báo địa phương, rồi đặc san của các sở ban ngành... Phải ráng cày kiếm ít “lúa”. Lười viết có nước ăn tát chứ đừng nói ăn tết. Mình biết chữ “ăn tát” là nó... ám chỉ một cách đầy yêu thương về cô vợ đảm đang của nó.
Nhà báo mười anh thì hết chín anh viết báo tết từ giữa mùa thu. Trời thu, mây thu, lá thu có gợn buồn cũng mặc. Không gian của một bài báo tết phải có nụ mai tươi, cành đào thắm, có “con én đưa thoi”. Trong không khí thoảng có mùi bánh chưng bánh tét. Báo tết mà đợi tháng chạp ngấp nghé để thăng hoa cảm xúc mới ngồi viết có nước bốc cám mà ăn.
Thằng em đúc kết rằng viết báo tết phải có tầm nhìn xa, kiểu như ông bà ta hay nói “tích cốc phòng cơ”. Đừng đợi tòa soạn “phát” rồi mới “động”. Thu chưa tàn, xuân còn xa lắc nhưng có thể ngồi viết bài tết được rồi. Năm con gì viết con đó là mô típ thường thấy. Chẳng hạn năm nay Nhâm Dần thì viết về cọp mới phù hợp. Tìm và sắp xếp tư liệu rồi viết, thêm một ít “mắm muối” nữa là có bài. Đại loại như “Khi kiểm lâm gặp chúa sơn lâm”, “Hình ảnh con cọp trong tục ngữ, ca dao”, “Chuyện về cọp bây giờ mới kể”, “Những năm Nhâm Dần trong lịch sử”, “Hồi hộp một lần bắt cọp”… Dạng bài này bảo đảm liếc cái tít là độc giả bập vào đọc ngay. Nhưng đừng tưởng bở. Cọp thì cũ như rừng nhưng viết phải mới, phải có chuyện. Nếu bài nhạt, biên tập sẽ bút phê: “xin hẹn tác giả đúng một giáp nữa”.
Một là “tiếng”, hai là “miếng”
Có hai lý do để các phóng viên, nhà văn, nhà thơ, chuyên gia đầu ngành chăm chăm viết báo tết. Một là “tiếng”, hai là “miếng”. Tiếng thì rõ rồi. Ai cũng mừng khi thấy tên mình rỡ ràng trên số báo tết đầy đặn, xinh đẹp và hoành tráng. Còn “miếng” thì khá dày. Nhuận bút một bài báo tết vài trăm chữ cũng ẵm tiền triệu. Khách thăm xuân, có ai hỏi ông có bài báo tết nào không thì xổ ngay: Có đây! Ông đọc đi! Người ta đang liếc bài báo thì tác giả lặng lẽ quan sát, coi ông này có đọc thật không để quyết định đãi thật hay... đãi bôi. Thằng em cho biết năm nào cũng kiếm trên hai chục “chai” từ tiền nhuận bút báo tết. Đấy là chưa kể tiền thưởng và quà biếu. Nó khoe tết này dư sức tặng “con dế” xịn cho bà xã lên hương.
Bìa báo tết được chăm chút kỹ từ hình vẽ đến đường nét, họa tiết, hoa văn. Những“nhân vật của năm” được bình chọn, hình ảnh công nông binh điển hình tiên tiến, những công trình trọng điểm, những cô gái xuân thì đạt thành tích cao ở nhiều lĩnh vực thường được lên trang bìa bên cạnh sắc mai, đào tươi thắm. Gì gì thì, bìa báo phải “tốt nước sơn” cái đã. Bìa báo càng đẹp, càng hút người mua. Báo tết được gia chủ đặt trang trọng trên bàn salon bên cạnh ấm trà, lọ mứt, chai rượu, bình hoa. Nếu có bài đăng, chủ nhà sẽ đặt tờ báo tết ở chỗ dễ thấy nhất để tiện “khoe”.
Đầu tiên là chủ - khách nhận xét bìa báo: Bìa trang nhã lắm. Nét vẽ tài hoa, chủ đề nổi bật. Tuy mỗi trang chỉ đảo mắt khoảng vài giây nhưng cũng phán: “Bài vở chất lượng lắm”. Ông khách nào có “kinh nghiệm” giao tiếp, vờ dừng hơi lâu ở bài của chủ nhà, lâu lâu đập đùi khen chỗ này độc đáo, chỗ kia sâu sắc... thì muốn gì được nấy: mồi ngon, rượu ngoại, bia xịn. Kể cả món “thời gian” quý như vàng ngọc cũng được chủ nhà thết đãi vô tư, muốn ngồi bao lâu cũng được.
Đông đảo bạn đọc xem báo tết tại Hội báo xuân tỉnh Quảng Ngãi |
TRẦN CAO DUYÊN |
Nhâm nhi từng trang báo
Về nội dung, báo tết có tính chất “tống cựu nghinh tân”, được chăm chút kỹ lưỡng, trình bày sinh động và nghệ thuật. Những lát cắt của đời sống xã hội năm qua, niềm hy vọng tươi sáng trong năm tới đều được thể hiện trang trọng trên mặt báo. Bởi vậy, cầm tờ báo tết trên tay là “cầm” một năm để thư thả lật từng trang nhìn lại. Và để nghe những dự cảm tốt đẹp cho 12 tháng đang lần lượt đến.
Báo tết được đông đảo bạn đọc quan tâm, nhất là sinh viên ngành báo chí – những nhà báo tương lai. Riêng các cụ về hưu hay nhẩn nha đọc báo tết làm vui. Quà biếu các cụ ngoài phong bao đỏ rực, con cháu thường kèm một vài tờ báo tết.
Nhiều người mua báo tết nhưng chưa vội đọc ngay. Cuối năm bận rộn dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa. Đầu năm diện đồ mới đi chúc tết, chơi xuân. Đọc lúc này không cảm thấu hết được. Mùng 7 gãy nêu. Khách thăm xuân vãn rồi. Lúc này nhâm nhi từng trang báo để thấy tết dường như chưa qua. Đọc báo tết lúc nào tùy người. Điều thú vị là năm nào họ cũng xôn xao mua báo tết. Bởi không có báo tết là thiếu đi một nét văn hóa tết, thiếu đi một “vầng” chữ nghĩa gợi cảm xúc khai tâm, khai trí đầu năm.
Đầu tháng chạp năm nào tôi cũng ghé sạp báo quen để mua báo xuân về ăn tết. Nhớ một lần cô chủ sạp “kiêm” giáo viên văn có cách mời khách mua báo khá thú vị. Lời lẽ cứ như thơ: “Một rừng báo xuân non tơ. Mua vài tờ về vui tết!”. Tôi thích ăn tết “sớm” bằng cách đọc báo tết trong những ngày tháng chạp dần vơi. Vì vậy khi âm thanh mùa xuân lao xao ngoài ngõ, tôi cũng ngồi bên cửa sổ để nghe lòng lao xao cùng những trang báo tết.
Bình luận (0)