Trong các ngày lễ nói trên, Tết Nguyên đán được xem là cái tết quan trọng nhất của người Việt, vì vậy mà tết xưa có nhiều chuyện lý thú. Dân gian từ lâu đã lưu truyền câu tục ngữ “Tết đến sau lưng, ông vải thì mừng con cháu thì lo” nhằm phản ánh tâm trạng của một bộ phận dân chúng trước những ngày tết lớn mang đến các nỗi lo kinh tế.
Quán ăn bản địa ngày Tết xưa |
T.L |
Hệ trọng nhất trong những ngày đầu năm mới luôn là lễ cúng gia tiên, thứ đến là những tục như lễ mừng tuổi các bậc tôn trưởng và chúc những điều tốt lành, tục dựng cây nêu và rắc vôi bột theo điển nhà Phật để quỷ sợ đừng vào, tục xông đất…
Ngày xưa, người ta cúng gia tiên 3 - 4 ngày, thậm chí là 7 ngày. Theo thời gian, phong tục lễ nghi ngày một được tinh giảm, số ngày cúng được rút ngắn, tục dựng cây nêu và rắc vôi giờ không còn phổ biến như xưa.
Lễ mừng tuổi và tục xông đất vẫn được duy trì, trong đó ý niệm vía nặng - nhẹ của người đến xông đất vẫn còn trong niềm tin của một bộ phận người dân Việt Nam cho đến ngày nay.
Những lễ tục, thói quen sinh hoạt của người Việt xưa trong dịp Tết Nguyên đán được ghi lại đây đó qua ngòi bút của người nước ngoài quan sát của họ như thước phim quay chậm về một nước Việt trong quá khứ với các phân đoạn văn hóa lễ tục độc đáo.
Gánh hát rong ngày xuân |
T.L |
Camille Paris, người chịu trách nhiệm xây dựng đường điện báo Trung kỳ từ Huế đến Bình Thuận, đã viết những dòng cảm xúc về không khí chuẩn bị đón Tết Nguyên đán của người Việt khi ông dừng chân ở Vân Hội (thị trấn Diêu Trì, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) đầu năm 1886 trong tác phẩm Voyage d’exploration de Hué en Cochinchine par la Route mandarine (Du ký Trung kỳ theo đường cái quan, xuất bản năm 1889; Nguyễn Thúy Yên dịch sang Việt ngữ, Thư Books và NXB Hồng Đức ấn hành năm 2021).
Ông cho biết những ngày giáp Tết, “dịp lễ quốc gia, duy nhất, của toàn dân mà mọi tầng lớp xã hội đều mong ngóng”, người dân Vân Hội bắt đầu tiến hành các công việc quét vôi nhà cửa, sơn mới bàn thờ tổ tiên, “thay tất cả bùa chú, bùa hộ mệnh, câu đối, những bức phúng dụ giấy vàng treo hoặc dán trong nhà và trước cửa từ Tết năm trước”.
Chợ hoa ngày Tết |
T.L |
Trong mắt của nhà du hành phương Tây có óc tò mò và hài hước Camille Paris, quang cảnh 8 ngày trước Tết Nguyên đán ở Vân Hội rất huyên náo, mọi người chuẩn bị đón Tết không quản ngày đêm: “Từ người nghèo muốn đổi đồ đạc trong nhà, thương nhân bán tống bán tháo hàng hóa, người bán pháo rong, bán nhang thơm, bán hình Phật, hình nhân thế mạng bằng tre bọc ngoài bằng giấy màu sặc sỡ…”.
Còn gì nữa, “người ta xẻ thịt lợn, vun quả cau thành đống, nhà giàu thì mua vải làm khăn, mũ. Cần phải có tiền và có cái gì mới...trong dịp đầu năm".
Nói về tết Việt xưa, Camille Pari kể tiếp: "Các hàng quán thì bán buôn rất sôi động: người dân tụ tập uống trà, uống rượu, ăn đậu, ăn cơm, “những hạt cơm trắng như tuyết tô điểm bằng những miếng thịt lợn nấu đông hoặc nước mắm”. (còn tiếp)
Bình luận (0)