Tối qua 22.9 (theo giờ Việt Nam), kỳ họp thường niên của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ) chính thức khai mạc, nhưng phòng họp tại trụ sở LHQ ở TP.New York (Mỹ) lại vắng vì kỳ họp năm nay chủ yếu được tổ chức trực tuyến do đại dịch Covid-19, theo AFP.
Đây là kỳ họp Đại hội đồng LHQ trực tuyến đầu tiên kể từ khi tổ chức này được thành lập vào năm 1945. Những năm trước, khoảng 10.000 người, trong đó có nhiều nhà lãnh đạo đến trụ sở của LHQ để phát biểu trong phiên thảo luận chung. Tuy nhiên năm nay, các nhà lãnh đạo sẽ gửi bài phát biểu ghi hình của họ để phát ở phòng họp của Đại hội đồng LHQ.
Covid-19 phủ bóng kỳ họp
Chủ đề của phiên thảo luận chung năm nay là “Tương lai chúng ta muốn, LHQ chúng ta cần: tái khẳng định cam kết tập thể về chủ nghĩa đa phương - đối phó Covid-19 thông qua hành động đa phương hiệu quả”, theo thông báo của LHQ. Theo đó, Covid-19 nhiều khả năng là nội dung bao trùm trong phiên thảo luận, diễn ra từ ngày 22 - 26 và 29.9.
Trong thông điệp ghi hình được phát tại phiên thảo luận, Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc Trung Quốc để vi rút gây bệnh Covid-19 lây nhiễm cho thế giới, đồng thời kêu gọi LHQ phải buộc Trung Quốc chịu trách nhiệm. Ông Trump hứa sẽ cung cấp vắc xin Covid-19 và nhấn mạnh sẽ kết thúc đại dịch.
Trong bài phát biểu được phát sau đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố thế giới không nên chính trị hóa cuộc chiến chống Covid-19. Ông Tập còn tuyên bố vắc xin Covid-19 sẽ được cung cấp cho các nước đang phát triển, theo Reuters.
Trong 4 nước có lãnh đạo phát biểu ngày 22.9, Mỹ là vùng dịch lớn nhất thế giới và có số ca Covid-19 tử vong vượt ngưỡng 200.000. Brazil đứng thứ hai với hơn 136.000 ca tử vong, theo dữ liệu từ Đại học Johns Hopkins. Hai nhà lãnh đạo Brazil và Mỹ đã nhiều lần bất đồng với các thống đốc và chuyên gia y tế về cách ứng phó Covid-19, nhấn mạnh hậu quả kinh tế của phong tỏa phòng chống đại dịch. Trong khi đó, Trung Quốc là nơi khởi phát Covid-19 và bị Mỹ cùng một số nước khác cáo buộc là thiếu minh bạch, khiến đại dịch lây lan trầm trọng hơn. Bắc Kinh đã bác bỏ cáo buộc này. Còn Nga khiến thế giới bất ngờ về tốc độ phát triển vắc xin Covid-19, khi hồi tháng 8 trở thành quốc gia đầu tiên phê chuẩn vắc xin phòng ngừa bệnh này.
Đối đầu Mỹ - Trung
Căng thẳng Mỹ - Trung Quốc cũng đang là thách thức đối với tính hiệu quả và sự đoàn kết của LHQ nên được cho sẽ là chủ đề được đề cập nhiều trong phiên thảo luận chung.
Hôm 21.9, trong sự kiện kỷ niệm 75 năm thành lập LHQ, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra tuyên bố được cho là nhắm vào Mỹ khi nhấn mạnh: “Không có quốc gia nào có quyền kiểm soát các vấn đề toàn cầu, kiểm soát vận mệnh của nước khác hay giữ các lợi thế trong phát triển cho riêng mình… Chủ nghĩa đơn phương không có tiến triển”.
Trung Quốc lâu nay tự cho mình là dẫn đầu trong việc thúc đẩy chủ nghĩa đa phương. Trong khi đó, Tổng thống Trump thời gian qua cho thấy sự xem nhẹ hợp tác quốc tế với việc rút Mỹ khỏi các thỏa thuận toàn cầu về khí hậu, hạt nhân Iran, rời khỏi Hội đồng Nhân quyền LHQ và Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Cũng tại sự kiện kỷ niệm 75 năm thành lập LHQ, Phó đại sứ Mỹ tại LHQ Cherith Norman Chalet đánh giá tổ chức quốc tế này đã chứng minh “có những thử nghiệm thành công, nhưng còn nhiều lý do gây quan ngại”. Bà Chalet cho rằng LHQ lâu nay không chịu tiến hành những cải cách có ý nghĩa và thường thiếu minh bạch, theo Reuters.
Nhiều nhà lãnh đạo khác cũng đã kêu gọi cải cách LHQ và đặc biệt HĐBA LHQ, lập luận chỉ có 5 thành viên thường trực gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh và Pháp mới có quyền phủ quyết là không công bằng. Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cùng ngày cảnh báo thế giới đang gặp nhiều thách thức đa phương nhưng lại thiếu giải pháp đa phương, theo Reuters.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi thông điệp quan trọng tại Liên Hiệp Quốc
Theo tin từ Bộ Ngoại giao, ngày 21.9 (giờ New York, Mỹ), trong khuôn khổ Phiên thảo luận chung cấp cao của Đại hội đồng LHQ khóa 75, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có thông điệp gửi “Phiên họp cấp cao kỷ niệm 75 năm thành lập LHQ” cùng với 106 lãnh đạo cấp cao và 67 bộ trưởng các nước thành viên LHQ. Phiên họp tổ chức theo hình thức lãnh đạo các nước ghi hình phát biểu để phát tại trụ sở LHQ. Trong các phát biểu, lãnh đạo và đại diện các nước đánh giá cao những thành tựu LHQ đã đạt được từ khi thành lập đến nay, khẳng định sự cần thiết của việc tôn trọng Hiến chương LHQ và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, độc lập, chủ quyền và quyền tự quyết của các quốc gia, ngăn chặn xung đột, giải quyết hòa bình các tranh chấp. Các nước cũng kêu gọi cải tổ mạnh mẽ để LHQ đáp ứng tốt hơn những nhiệm vụ và thách thức mới đang đặt ra.
Trong thông điệp quan trọng gửi phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc điểm lại những thành quả nhân loại đã đạt được trong suốt 75 năm qua, khẳng định vai trò không thể thiếu của LHQ với tư cách là “trung tâm điều phối hành động của các quốc gia”. Trước những thách thức chưa có tiền lệ như hiện nay, Thủ tướng cho rằng, cộng đồng quốc tế cần đoàn kết, hợp tác hơn nữa để tăng cường chủ nghĩa đa phương với trung tâm là LHQ; tuân thủ Hiến chương, luật pháp quốc tế; triệt để tôn trọng độc lập, chủ quyền của các quốc gia cũng như đặt con người vào vị trí trung tâm của mọi nỗ lực phát triển.
Khẳng định mạnh mẽ những thành tựu to lớn mà Việt Nam đã đạt được trong công cuộc đổi mới, cải cách mở cửa, hội nhập quốc tế, những nỗ lực trong phòng, chống và phục hồi sau đại dịch Covid-19 cũng như những đóng góp tại các thể chế đa phương quan trọng như LHQ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng bày tỏ cảm ơn cộng đồng quốc tế đã tín nhiệm bầu Việt Nam giữ cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020 - 2021, đồng thời khẳng định quyết tâm của nhân dân Việt Nam sẽ hoàn thành tốt các trọng trách mà cộng đồng quốc tế giao phó, bao gồm cả cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2020, nỗ lực đóng góp vào các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ, thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững (SDG).
Vũ Hân
|
Bình luận (0)