Thách thức cho chủ quyền đất nước

14/03/2022 04:10 GMT+7

Những ngày qua, dư luận rất hoan nghênh việc Cục Điện ảnh xác nhận bộ phim Thợ săn cổ vật (tựa gốc: Uncharted ) bị cấm chiếu tại VN do chứa hình ảnh bản đồ đường lưỡi bò.

Đây là bản đồ mà Trung Quốc dùng để tuyên bố chủ quyền phi pháp trên Biển Đông của VN, dù bản đồ này đã bị cộng đồng quốc tế và Tòa trọng tài thường trực đưa ra phán quyết bác bỏ.

Đến nay, theo các thông tin được công bố chính thức thì bộ phim trên không có sự tham gia tổ chức, thực hiện bởi đơn vị liên quan Trung Quốc. Tuy nhiên, hồi tháng 2, truyền thông quốc tế đưa tin bộ phim đã trải qua nhiều bước cam go để có thể được cấp phép chiếu tại Trung Quốc đại lục vốn có quy mô thị trường rất lớn.

Vì thế, dù chưa thể kết luận, nhưng chúng ta cũng không loại bỏ khả năng bản đồ đường lưỡi bò được lồng ghép trong phim đến từ sức ép của Bắc Kinh. Bởi thực tế, trong vài năm gần đây, các đơn vị liên quan Trung Quốc đã cố ý lồng ghép hình ảnh trên vào nhiều bộ phim (như Điệp vụ biển Đỏ, Everest - người tuyết bé nhỏ hay còn có tên tiếng Anh là Abominable…) và cả các ấn phẩm, đồ chơi… Tất cả nằm trong một chuỗi chiêu trò biến không thành có của Trung Quốc đối với chủ quyền Biển Đông.

Suốt nhiều năm qua, công cuộc bảo vệ chủ quyền của chúng ta chưa bao giờ hết khó khăn. Sinh mạng của nhiều chiến sĩ, đồng bào đã phải ngã xuống từ trên đất liền cho đến các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa máu thịt. Ngày nay, tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, nhiều khả năng dẫn đến những tiền lệ nguy hiểm đe dọa an ninh và hòa bình, ổn định toàn cầu.

Trong khi đó, Trung Quốc vừa công bố tăng ngân sách quốc phòng thêm 7,1% trong năm 2022, cao hơn mức tăng trưởng GDP dự kiến của nước này trong cùng thời gian. Điều này được giới quan sát nhìn nhận như một động thái nhấn mạnh tham vọng của Bắc Kinh tăng cường sức mạnh quân sự ở khu vực.

Tuần qua, Trung Quốc cũng tổ chức hội thảo về quân sự quy tụ những nhân vật ảnh hưởng của lực lượng vũ trang nước này. Hội thảo đã tập trung vào “các biện pháp pháp lý” để bảo vệ lợi ích của nước này trên toàn cầu, bao gồm cả các khu vực Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền. Điển hình là các biện minh pháp lý cho hành động quân sự ở các khu vực tranh chấp, chẳng hạn như Biển Đông.

Thực tế, những năm gần đây, Bắc Kinh đã tự ban hành các luật lệ bất chấp luật pháp quốc tế, nhằm đạt được mục tiêu chủ quyền phi pháp như tại Biển Đông. Ví dụ, luật hải cảnh mới cho phép lực lượng này được quyền dùng vũ lực nhằm vào tàu nước ngoài ở vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền. Trung Quốc cũng ban hành các quy định mới về khai báo đối với một số loại tàu thuyền đi vào vùng biển mà nước này tuyên bố chủ quyền. Đây là những chiêu trò giúp Bắc Kinh tăng cường kiểm soát chủ quyền phi pháp ở Biển Đông. Vì thế, sau hội thảo vừa qua, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ còn bổ sung những chiêu trò mới để hợp pháp hóa chủ quyền ở Biển Đông vốn thuộc về VN.

Từ những thực tế trên, công cuộc bảo vệ chủ quyền của VN chắc chắn còn đối mặt với nhiều thách thức mà chúng ta phải luôn cảnh giác, sẵn sàng ứng phó, dù chỉ là một tấm bản đồ xuất hiện trên phim.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.