Dấu ấn ban đầu
HLV Shimoda Masahiro dẫn dắt Sài Gòn FC đã nâng số nhà cầm quân ngoại tại V-League lên con số 4, chiếm gần 1/3 các CLB. Đó là tín hiệu tích cực cho thấy tính cạnh tranh cao của V-League, thể hiện qua các CLB sẵn sàng bỏ số tiền lớn thuê HLV “Tây”. Điều lợi quá rõ, khi những chiến lược gia có bằng cấp xịn từ châu Á hay châu Âu sẽ thổi những luồng gió mới vào V-League. Họ sẽ đem đến những mảng miếng chiến thuật, lối chơi đến cách cầm quân và triết lý bóng đá giúp phong phú hơn nền bóng đá VN. Là “Tây” nên họ dễ dàng đánh giá và quyết định mọi thứ hầu như thuần chuyên môn. Những ông chủ, khi quyết định chi mức tiền lương và lót tay hàng trăm ngàn USD mỗi năm, sẽ tôn trọng và ít can thiệp vào chuyên môn so với các HLV nội - nhiều người không có tiền lót tay, lương chỉ ngang cầu thủ. Môi trường đội bóng vì thế sẽ cạnh tranh sòng phẳng hơn vì tránh được khá nhiều tình trạng “con ruột, con ghẻ” bởi những quan hệ lắm “dzích dzắc” ngầm lắm khi phức tạp của những HLV nội. Sự khác biệt ứng xử này vẫn được nhắc đến với thuật ngữ “Bụt nhà không thiêng”.
Tại V-League 2021 đang chứng kiến số lượng HLV ngoại tăng cao, ngoài HLV Shimoda Masahiro còn có sự góp mặt của HLV Kiatisuk Senamuang (Kiatisak, HAGL), Mano Polking (CLB TP.HCM) và Ljupko Petrovic ở Thanh Hóa. Họ đều làm việc với những ông bầu không giấu giếm tham vọng thách thức nhóm đầu và sẵn sàng phất cờ nếu có cơ hội tranh vô địch. Về tiếng tăm, đội hình HLV ngoại rất đáng gờm khi có cựu giám đốc kỹ thuật Nhật Bản, nhà vô địch C1 châu Âu từng là á quân V-League, huyền thoại V-League từng giúp Thái Lan thống trị Đông Nam Á, chất Brazil giúp xưng hùng tại Thai League... Sự xuất hiện của bộ tứ HLV ngoại lập tức khiến
V-League trở nên sống động và đáng xem hơn hẳn. Điều này thấy rõ ở trận mở màn V-League khi sân Thống Nhất chật cứng khán giả để chứng kiến ngày tái xuất của HLV Kiatisak.
|
Khó phá lời nguyền 15 năm
Nhưng không phải vô cớ suốt chiều dài hơn 20 năm lịch sử V-League, chỉ có 2 HLV ngoại thành công đó là HLV Arjhan Somgamsak và Henrique Calisto giúp HAGL, Đồng Tâm Long An vô địch từ 2003 - 2006. 16 mùa bóng còn lại, các chức vô địch luôn thuộc về những nhà cầm quân nội. Đã 15 năm liền, các HLV ngoại vẫn vô duyên với chức vô địch. HLV Chung Hae-soung và Ljupko Petrovic đã từng nắm lợi thế lớn, tưởng đã đặt “một tay” lên chức vô địch ở mùa giải 2017, 2019. Nhưng tiếc là áp lực khủng khiếp từ các đối thủ đã khiến họ ngậm ngùi nhìn những đồng nghiệp nội lên ngôi.
Điều này cho thấy không phải bất cứ HLV ngoại nào cũng có thể thành công dù bằng cấp, trình độ của họ hơn hẳn các thầy nội. Áp lực tâm lý là một chuyện, nhưng còn những vấn đề khác, chẳng hạn thời gian nắm bắt và tiếp cận chưa nhiều, chính sách chuyển nhượng chưa như ý vì không có quá trình theo dõi xuyên suốt với bóng đá VN hay giáo án huấn luyện đôi khi cũng chưa phù hợp, tính toán nhân sự còn lúng túng, sắp xếp đôi lúc chưa phát huy tốt các phẩm chất của cầu thủ. Đôi lúc họ muốn làm “cuộc cách mạng” lối chơi, nhưng đi nhanh quá lại trở thành chậm. Thực tế đến lúc này cả 4 HLV ngoại đều đang nhận được sự ủng hộ lớn của những ông bầu giàu tham vọng. Tuy nhiên, không phải khi nào mọi thứ cũng diễn ra suôn sẻ khi sự ma sát về văn hóa, triết lý bóng đá là điều tất yếu phải xảy ra trong hoàn cảnh thời gian eo hẹp.
|
Như tại Sài Gòn FC, HLV Shimoda Masahiro lập tức bắt tay vào việc J-League hóa lối chơi. Dù đã có một thời gian theo đội và đánh giá năng lực các cầu thủ, nhưng giáo án theo tiêu chuẩn J-League của ông vẫn khiến đội bóng có phần “ngộp” vì khá nặng. Lãnh đạo CLB Sài Gòn FC sau khi ghi nhận những phản hồi đã làm cầu nối giúp HLV Shimoda Masahiro và các cầu thủ hiểu rõ nhau hơn. Cầu thủ Sài Gòn FC đều hiểu cái lợi nếu “tải” được hết giáo án của HLV Shimoda Masahiro vì nó sẽ giúp họ hiệu quả hơn trong cuộc chiến dài hơi tại V-League ngày càng đặt nặng sức mạnh. Nhưng giáo án như thế nào để cân bằng giữa hiệu quả và tránh chấn thương, áp dụng nhanh hay chậm là bài toán cân bằng không dễ. Nhất là làm sao tạo tâm lý tích cực để đội bóng dễ dàng “nuốt” các bài tập nhưng vẫn giữ được cái “tôi” của HLV Nhật Bản.
Hay cầu thủ CLB TP.HCM quen với giáo án và lối chơi chắc chắn, giàu sức mạnh của HLV Chung Hae-soung đã bối rối khi HLV Mano Polking áp dụng lối chơi kỹ thuật, bật nhả nhóm nhỏ kiểu samba. Thực tế, họ có rất nhiều cầu thủ mạnh mẽ như Hoàng Thịnh, Thanh Bình, Văn Thuận... nhưng thiếu những người như Công Phượng. Cuối cùng, CLB TP.HCM loại trung vệ Diakite để đem về Junior Barros để chơi “tất tay” với toàn bộ 3 ngoại binh Brazil đều là tiền đạo. Họ sẽ hợp với Lee Nguyễn tạo thành “bộ tứ nguyên tử” kỹ thuật gánh vác hàng công phía trên dàn thủ nội. Nhưng tính toán mạo hiểm này sẽ thành công đến đâu sẽ phải chờ khi V-League trở lại.
Bình luận (0)