Thách thức của đại học

12/08/2023 06:07 GMT+7

Liệu có thể xem tỷ lệ 35,5% thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT của năm nay không chọn con đường đến trường đại học là chỉ báo cho sự điều chỉnh rất thực tế về tiếp cận nghề nghiệp?

Trong bối cảnh các trường đại học đã mở toang cửa đón nhận người học, thì cũng là lúc phụ huynh và người học trở nên tỉnh táo hơn khi lựa chọn hành trình bước vào nghề nghiệp. Chi phí học tập phải hợp lý, cơ hội nghề nghiệp phải rõ ràng, và thu nhập sau tốt nghiệp phải tương xứng với nỗ lực. Đó chính là 3 tiêu chí định hình lại quan điểm của nhiều phụ huynh cũng như người học khi chọn nghề, chọn trường.

Điều gì đang diễn ra ở khu vực đại học? Cả trường công và trường tư đều đang chịu áp lực tăng học phí để đảm bảo cân đối tài chính và đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng. Trường nào cũng cố kéo càng đông người học càng tốt, nhưng không có trường nào "dám" điều chỉnh giảm học phí để hỗ trợ người học và thể hiện trách nhiệm xã hội. Nếu không có ràng buộc của chính sách thì chắc chắn học phí trường công trường tư gì cũng rủ nhau leo thang rồi. Chưa kể, chính vì sa đà vào chiến thuật "đông người học", các trường đại học VN gần như đã lấn xuống "sân dưới" là "sân" dạy nghề, xao nhãng sứ mạng đích thực của mình. Nghịch lý hiện diện ở nhiều nơi là có những nghề đang được đào tạo ở trường đại học với số giờ thực hành nghề ít hơn rất nhiều so với các trường nghề. Điều đó góp phần lý giải vì sao chúng ta thiếu hụt thợ lành nghề.

Một bối cảnh chính sách khác về giáo dục đại học cũng liên quan, là suốt hàng chục năm qua, việc cấp chỉ tiêu đào tạo đại học thiếu cân nhắc về chiến lược đã gần như đẩy các trường dạy nghề vào thị trường ngách. Cơ cấu đào tạo nhân lực lệch hẳn về phía đại học, vừa lãng phí nguồn lực xã hội, vừa tác động tiêu cực đến mục tiêu đào tạo lực lượng thợ lành nghề. Thế rồi đến lúc nhà máy, xí nghiệp, công ty thiếu thợ lành nghề, kêu gọi tuyển dụng và tạo nhiều cơ hội việc làm tốt cho lực lượng lao động có tay nghề phù hợp mà chẳng cần phải trình bằng cấp đại học cho oách.

Trong khi đó, bức tranh kinh tế hậu Covid-19 chưa có nhiều tông màu sáng sủa hơn. Doanh nghiệp ít tuyển dụng hơn, và tuyển dụng với những tiêu chí thực tế hơn, chứ không chăm chăm nhìn vào tấm bằng đại học.

Còn phụ huynh và người học, họ ngày càng có nhiều thông tin đa chiều hơn về giáo dục đại học, thoát khỏi quán tính xã hội kiểu "độc đạo đại học". Chi phí học tập thấp hơn, chi phí thời gian thấp hơn, tay nghề cụ thể hơn, việc làm sẵn sàng hơn có thể là những lý do đủ mạnh mẽ để dịch chuyển mục tiêu đầu tư giáo dục nghề nghiệp của các bạn trẻ.

Các trường đại học nên tự mình điều chỉnh dần dần chiến thuật "đông người học" để quay về theo đuổi những chiến lược có ý nghĩa hơn trong sứ mạng đào tạo nhân lực. Trường đại học thì nên tập trung đào tạo nhân lực ở phân khúc "trình độ cao". Và chính sách hỗ trợ vay tiền học đại học phải thật sự sẵn sàng để hỗ trợ hiệu quả cho người học muốn tiếp cận đại học.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.