Khi nghe tin ở Bình Dương, một người dân kinh doanh hoa quả đã dùng chất diệt cỏ để làm chín chuối, ông Cao Đức Phát - Bộ trưởng Bộ NN-PTNT trong một cuộc họp đã thốt lên: 'Thế là tội ác'.
Đúng là tội ác, vì chất diệt cỏ dù ở nồng độ nào, nếu dùng để làm chín hoa quả cũng là hành vi giết người thầm lặng. Nhưng đáng tiếc những hành vi “lạnh sống lưng” ấy đang trở nên phổ biến: nuôi heo bằng chất cấm salbutamol, nuôi gà bằng chất vàng ô, trồng rau siêu tốc bằng thuốc kích thích tăng trưởng, chế dầu ăn từ nước cống, “tinh chất” biến nước lã thành cà phê...
Tìm thực phẩm an toàn giờ là bài toán khó giải đối với mỗi gia đình, mỗi bà nội trợ. Người dân đành tặc lưỡi an ủi nhau: không ăn thì chết ngay (vì đói), ăn thì chết từ từ (vì chất độc hại). Thế là nhà nhà nhắm mắt ăn, nhắm mắt lo sợ. Niềm tin của người tiêu dùng vào thực phẩm sạch, an toàn, vì thế leo lét như ngọn đèn trước gió.
Vì đâu nên nỗi, khi mà luật An toàn thực phẩm đã có hiệu lực hơn 4 năm rồi? Vì sao có tới 3 bộ để lo “mâm cơm” an toàn cho người dân mà cuộc chiến chống thực phẩm bẩn vẫn bế tắc, đe dọa sức khỏe người dân, chất lượng giống nòi?
Thực ra, cuộc chiến ấy không hiệu quả là bởi vì, chúng ta mới có quyết tâm trên giấy, mà chưa có cơ quan nào thực sự vào cuộc để giải quyết triệt để. Bằng chứng, năm nào chúng ta cũng có Tháng hành động quốc gia về vệ sinh an toàn thực phẩm với những tuyên bố ngày càng mạnh mẽ. Sau Tháng hành động quốc gia về an toàn thực phẩm đó, lại có các “cao điểm” an toàn thực phẩm Trung thu, an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán... được đánh dấu bằng những tuyên bố hùng hồn, những buổi lễ rầm rộ. Trong khi tình hình ngộ độc thực phẩm hằng năm thì vẫn tăng đều cả về số vụ, số người mắc bệnh và mức độ thiệt hại. Những hô hào ấy không mang lại niềm tin cho người tiêu dùng, mà ngược lại, khiến họ ám ảnh hơn với thực phẩm bẩn.
Chất cấm trong chăn nuôi, tuy gọi là “tội ác”, nhưng chả ai thấy có trách nhiệm xử lý, “tội ác” cứ nhơn nhơn. Không ít những vụ vi phạm an toàn thực phẩm, vụ ngộ độc nghiêm trọng, gây tranh cãi, nhưng chẳng có ai nhận trách nhiệm. Vì trên thực tế, một miếng ăn từ khi nuôi trồng, chế biến ở trong nước hoặc được nhập khẩu từ nước ngoài cho đến khi vào dạ dày người tiêu dùng thì phải trải qua sự kiểm soát của dăm ba bộ, ngành chức năng. Trách nhiệm chung, nên không có ai thấy đó là trách nhiệm của mình.
An toàn thực phẩm là vấn đề lớn và không thể giải quyết được bằng những khẩu hiệu. Các cơ quan chức năng cần làm hết trách nhiệm, phối hợp với nhau một cách đồng bộ. Chỉ cần vài vụ bị xử lý hình sự thì có cho tiền người nông dân cũng không trộn chất cấm vào thức ăn nuôi lợn nuôi gà. Nhập thực phẩm bẩn về có nguy cơ phá sản khi bị phát hiện, thì chả doanh nghiệp nào dại mà mua bán nhập nhèm. Nguyên tắc đơn giản ấy, sao mãi cứ bị lờ đi?
Bình luận (0)