Thách thức với vai trò cầm quyền của Đảng trong bối cảnh mới

26/10/2019 09:15 GMT+7

Với tư cách là người duy nhất cầm quyền, Đảng Cộng sản Việt Nam có nhiều thuận lợi.

Với bản chất, mục đích chính trị của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, Đảng luôn được nhân dân tin tưởng, ủng hộ, cùng góp sức vào công cuộc cách mạng chung.
Với tính chính đáng đầy thuyết phục, vì mục tiêu giá trị cao quý của chủ nghĩa xã hội (CNXH), Đảng đã huy động được tối đa sức mạnh vật chất, tinh thần, trí tuệ, ý chí của chế độ mới, thực hiện công cuộc xây dựng CNXH trên một đất nước nghèo nàn, lạc hậu, bị chiến tranh tàn phá nặng nề. Đảng đã cùng toàn dân xây dựng được cơ sở cho CNXH miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cả nước đi lên CNXH, một thành tựu không phải đảng nào cũng làm được.
Tuy nhiên, lịch sử đã sang trang, cả nước bước vào xây dựng và phát triển mới - đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH), phát triển kinh tế tri thức, hội nhập quốc tế. Bối cảnh đó không chấp nhận sự lãnh đạo mệnh lệnh, chủ quan duy ý chí vì chúng kìm hãm và cản trở kết quả lãnh đạo. Đẩy mạnh CNH, HĐH có nghĩa là Đảng lãnh đạo phải bằng trí tuệ, bằng tư duy và trình độ KH-CN, đòi hỏi tri thức và phương pháp tư duy khoa học. Đó là thách thức lớn của Đảng trong quá trình xây dựng, phát triển đất nước, đó cũng là thách thức lớn đối với vị trí, vai trò cầm quyền của Đảng.
Bên cạnh đó, kinh tế thị trường còn khá mới mẻ ở Việt Nam, đòi hỏi cách tư duy và cách vận hành mới khác với tư duy và hoạt động kinh tế truyền thống và kế hoạch hóa tập trung trước đây. Đây cũng là thách thức lớn đối với sự lãnh đạo của Đảng. Mặc dù cho đến nay, kinh tế tri thức ở nước ta đã đạt được những bước tiến đáng kể, song hiệu quả vẫn còn quá thấp, định hướng XHCN đứng trước nhiều thách thức.

Tham nhũng, lộng quyền sẽ làm mất niềm tin của nhân dân

Đặc biệt, tư tưởng, đạo đức, lối sống và bản lĩnh chính trị của một bộ phận cán bộ trong giới cầm quyền cũng là vấn đề hết sức bức xúc. Không ít cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước dao động, mất phương hướng, thậm chí thoái hóa, biến chất; tham nhũng, lộng quyền, lợi dụng quyền lực để mưu lợi ích riêng; thái độ hách dịch, xa dân, xem thường dân; coi thường kỷ cương phép nước, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng. Đó không chỉ là nguy cơ làm suy yếu Đảng, làm mất niềm tin của nhân dân đối với sự nghiệp cách mạng, mà còn có thể dẫn đến nguy cơ mất Đảng, mất chế độ, nếu không được kịp thời chỉnh đốn, củng cố, gây dựng và phát triển Đảng vững mạnh.
Cho đến nay, những nguy cơ đã được Đảng ta vạch ra vẫn còn tồn tại: nguy cơ chệch hướng XHCN; nguy cơ tụt hậu về kinh tế; nguy cơ về nạn tham nhũng, suy thoái tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống. Là đảng duy nhất cầm quyền, sự suy thoái, biến chất, chuyển hóa chính trị của cán bộ là nguy cơ lớn nhất, đồng thời cũng là nguy cơ dễ xảy ra nhất. Về lý thuyết, nếu một đảng duy nhất cầm quyền, nghĩa là đảng đó không có đối trọng, không có phản biện chính trị và dễ chủ quan, dễ rơi vào chuyên quyền, độc đoán.
Thiếu nhận thức khoa học, thiếu sự kiên định bản chất, mục tiêu của CNXH, cùng với sự chống phá của các thế lực thù địch, cán bộ, đảng viên “kiêu ngạo cộng sản” (VI. Lênin), “vác mặt làm quan” (Hồ Chí Minh) có quyền lực càng làm cho Đảng, Nhà nước từng bước yếu đi, nguy cơ chuyển hóa chế độ là điều dễ xảy ra, nếu không có một chính đảng vững mạnh. Điều đó cũng không ngoại lệ đối với Đảng ta.
Giữ vững bản chất là đảng khoa học và cách mạng, phát huy truyền thống bách chiến bách thắng trong đấu tranh giải phóng dân tộc, ý chí quyết tâm đổi mới trong công cuộc xây dựng CNXH để xây dựng Đảng vững mạnh, đủ sức đảm đương sứ mệnh vinh quang là đảng duy nhất cầm quyền, lãnh đạo toàn dân xây dựng, phát triển đất nước.
* Trích tham luận “Một số vấn đề về vị trí, vai trò duy nhất cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam” trong kỷ yếu hội thảo Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong điều kiện mới. Tiêu đề do Thanh Niên đặt.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.