Thái Bình Dương: Từ đế quốc Nhật đến sự trỗi dậy của Trung Quốc

05/12/2021 09:42 GMT+7

Sau 80 năm kể từ vụ tấn công Trân Châu cảng (Hawaii), khu vực Thái Bình Dương đang đứng trước các thách thức an ninh mới giữa sự trỗi dậy của Trung Quốc .

Bài học lịch sử

Nhận định với Thanh Niên nhân 80 năm ngày xảy ra vụ tấn công căn cứ quân sự Mỹ ở Trân Châu cảng, TS Satoru Nagao, chuyên gia của Viện Nghiên cứu Hudson (Mỹ), cho rằng vụ tấn công năm xưa đang chỉ ra một bài học cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo-Pacific) nói chung. “Bài học đó đang thách thức Mỹ và chứa đựng rủi ro cao cho khu vực”, TS Nagao phân tích.

“Trước khi Nhật Bản tấn công Trân Châu cảng, cuộc chạy đua vũ trang đã diễn ra giữa các bên. Sau Thế chiến 1, Nhật Bản chiếm đảo Guam và đảo Saipan ở Thái Bình Dương. Nhật Bản cũng tăng cường hoạt động ngư nghiệp ở nam Thái Bình Dương. Vì thế, dù Nhật Bản, Úc và Mỹ phối hợp chiến đấu với nhau trong chiến đấu ở Thế chiến 1, nhưng tình hình khiến Mỹ và Úc đều bắt đầu quan tâm đến các hoạt động của Nhật Bản ở Thái Bình Dương. Mối quan hệ cứ thế xấu đi theo thời gian”, TS Nagao nhắc lại.

Hải quân Trung Quốc đang trỗi dậy ở Thái Bình Dương

AFP

“Giờ đây, cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung khiến người ta nhớ đến lịch sử của Mỹ và Nhật Bản. Khu vực hoạt động quân sự và kinh tế của Trung Quốc đã mở rộng ra Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Mỹ cũng đã lo ngại về sự bành trướng của Trung Quốc, bất chấp việc Washington và Bắc Kinh phối hợp chống lại Liên Xô vào những năm 1980”, ông Nagao so sánh.

Sự trỗi dậy của Trung Quốc

Thực tế, Trung Quốc thời gian qua đã tăng cường sức mạnh quân sự, đặc biệt là hải quân. Nước này trở thành lực lượng hải quân có nhiều phương tiện quân sự nhất thế giới.

Cụ thể, Bộ Quốc phòng Mỹ hồi tháng trước công bố báo cáo thường niên về các sự phát triển liên quan quân sự và an ninh Trung Quốc năm 2021.

Theo báo cáo, hải quân Trung Quốc có đến 355 phương tiện quân sự hải quân, nhiều hơn con số chưa đầy 300 phương tiện của hải quân Mỹ (chưa tính số tàu dự phòng hiện không được biên chế hoạt động).

Trong đó, ngoài 2 tàu sân bay Liêu Ninh và Sơn Đông, Trung Quốc còn có khoảng 32 tàu khu trục cùng gần 50 tàu hộ tống và gần 90 tàu tác chiến nhanh mang tên lửa. Ngoài ra, Trung Quốc còn có hơn 70 tàu ngầm các loại. Đặc biệt, Trung Quốc hiện có 12 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Trong đó có 6 tàu có thể phóng tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân.

Tham vọng của Bắc Kinh

Xa hơn, theo kế hoạch thì đến năm 2025, Trung Quốc sẽ sở hữu khoảng 420 tàu quân sự và con số này năm 2030 là 460 tàu, tức cũng vượt xa kế hoạch bổ sung tàu quân sự mà hải quân Mỹ đang theo đuổi.

Theo giới phân tích, Bắc Kinh đang nuôi tham vọng bá chủ quân sự toàn cầu nhằm đánh dấu cột mốc 100 năm ra đời nhà nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (1949 - 2049). Và để hiện thực hóa mục tiêu này, Trung Quốc phải có sức mạnh quân sự vượt Mỹ, nên đang theo đuổi các chương trình tăng cường vũ trang toàn diện cả về không quân lẫn lục quân, hải quân và năng lực tấn công trên không gian.

Song hành cùng sự phát triển tàu sân bay, Trung Quốc tất nhiên cũng đẩy mạnh quá trình phát triển máy bay chiến đấu để sử dụng kèm theo tàu sân bay. Vừa qua, tờ Hoàn Cầu thời báo dẫn lời ông Tôn Thông, kỹ sư trưởng về thiết kế dòng chiến đấu cơ J-15 và dòng FC-31 của Trung Quốc, cho hay trong năm nay, nhiều khả năng nước này sẽ công bố dòng máy bay mới dành cho tàu sân bay. Cụ thể, chiến đấu cơ thế hệ 5 tàng hình FC-31 sẽ được hướng đến thay thế J-15 để trang bị cho các tàu sân bay của Trung Quốc. Không những vậy, Trung Quốc cũng đã triển khai chiến đấu cơ thế hệ 5 tàng hình là J-20 đến nhiều khu vực.

Ngoài ra, Trung Quốc đang theo đuổi việc phát triển tàu đổ bộ tấn công Type 075 với kế hoạch sẽ đóng 8 chiếc, trong đó có 2 chiếc đã hoàn thiện. Loại tàu này có độ choán nước 40.000 tấn, dài khoảng 237 m và có thể mang theo 30 trực thăng chiến đấu đa nhiệm Z-8 hoặc Z-9. Như truyền thông Trung Quốc từng tiết lộ, nước này đang phát triển phiên bản cất cánh đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng (STOVL) của dòng FC-31 để trang bị cho các tàu đổ bộ Type 075.

Nếu được trang bị FC-31 phiên bản STOVL, tàu Type 075 có thể trở thành tàu sân bay tương tự Mỹ triển khai chiến đấu cơ F-35 cho tàu đổ bộ lớp America, lớp Wasp. Khi đó, năng lực tổ chức tác chiến của tàu Type 075 sẽ tăng lên mức độ mới và Bắc Kinh có thể sớm sở hữu thêm tàu sân bay.

Không chỉ tăng cường lực lượng tàu chiến, Trung Quốc cũng đang theo đuổi kế hoạch nâng cấp và củng cố kho tên lửa chống tàu chiến, tên lửa tầm xa dựa trên chiến lược phong tỏa, chống tiếp cận nhằm vào hải quân Mỹ. Theo giới phân tích, tất cả những chương trình này của Trung Quốc nhằm hướng đến mục tiêu sớm trở thành bá chủ quân sự ở khu vực Thái Bình Dương.

Reuters ngày 4.12 dẫn lại thông báo của hải quân Indonesia cho biết Nga và ASEAN đã hoàn tất cuộc tập trận hải quân chung đầu tiên. Cuộc tập trận diễn ra ngoài khơi đảo Sumatra của Indonesia và kéo dài 3 ngày. Hoạt động được tổ chức nhằm tăng cường khả năng phối hợp giữa các quốc gia thành viên ASEAN và hải quân Nga trong một khu vực hàng hải chiến lược.

Đông A

Ấn Độ tăng cường sức mạnh hải quân

Tờ The Hindu vừa dẫn lời đô đốc R.Hari Kumar, Tham mưu trưởng hải quân Ấn Độ, trong ngày truyền thống của hải quân nước này (4.12) nhấn mạnh việc tăng cường sức mạnh quân sự trên biển. Đối trọng mà Ấn Độ hướng đến chính là Trung Quốc, trong bối cảnh 2 bên liên tục căng thẳng ở khu vực biên giới trên bộ. Không những vậy, việc Trung Quốc liên tục tăng cường sức mạnh hải quân có thể đe dọa cả lực lượng hải quân Ấn Độ ở Ấn Độ Dương.

Dự kiến, New Delhi sẽ nâng số lượng 140 tàu chiến hiện có lên 170 chiếc vào cuối thập niên 2020 này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.