Thái Lan lên 'kế hoạch B' để đấu với sầu riêng Việt Nam ở Trung Quốc

18/08/2024 07:23 GMT+7

Thay vì tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu sầu riêng tươi, người Thái đang chuẩn bị sẵn cho kịch bản người Trung Quốc chuyển sang nhập sầu riêng đông lạnh nhằm gia tăng lợi ích kinh tế và bảo vệ môi trường.

'Kế hoạch B' của người Thái là gì?

Tại Hội nghị sầu riêng châu Á lần thứ 2, được tổ chức ở Malaysia vào cuối tháng 6.2024, chuyên gia nông nghiệp Thái Lan, ông Sakda Sinives đã có bài phân tích về xu hướng của thị trường sầu riêng tại Trung Quốc.

Thái Lan lên 'kế hoạch B' để đấu với sầu riêng Việt Nam ở Trung Quốc- Ảnh 1.

Sầu riêng Việt Nam liệu có còn duy trì lợi thế khi Thái Lan chuyển hướng?

CHÍ NHÂN

Theo ông Sakda Sinives, năm 2023 Trung Quốc nhập 1,4 triệu tấn sầu riêng và dự báo sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới, nhu cầu đặc biệt cao ở các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải hay Quảng Châu.

Nguồn cung sầu riêng cho Trung Quốc đến từ Thái Lan 929.000 tấn, Việt Nam 493.000 tấn và Philippines 3.700 tấn.

Chuyên gia Thái Lan nhận định, vấn đề với trái sầu riêng tươi là phần để ăn được chỉ có 30 - 35% và 65 -70% là vỏ hay là chất thải. Với 1,4 triệu tấn sầu riêng thì lượng thịt để ăn được khoảng 456.000 tấn và khoảng 969.000 tấn chất thải, cần được xử lý thích hợp vì có thể gây ra nhiều loại ô nhiễm khác nhau.

"Về mặt kinh tế, năm 2023 người Trung Quốc cũng phải tốn từ 325 - 350 triệu USD để vận chuyển vỏ sầu riêng từ Thái Lan về Trung Quốc", chuyên gia người Thái tính toán.

Thái Lan cạnh tranh với sầu riêng Việt Nam ở Trung Quốc

Từ nhận định trên, ông Sakda Sinives cho rằng: Chỉ xuất khẩu phần thịt sầu riêng sang Trung Quốc có thể giảm đáng kể chi phí vận chuyển, tăng lợi nhuận và giá trị. Điều này cũng mang lại thu nhập ổn định hơn cho nông dân Thái Lan từ việc bán sầu riêng, cho phép họ tập trung vào chất lượng và hương vị thay vì kích cỡ. Mặt khác, với thị trường Trung Quốc cũng phù hợp với xu hướng và thị hiếu của người trẻ có lối sống hiện đại và đặc biệt là các gia đình nhỏ, ít người. "Sự thay đổi này là tất yếu", chuyên gia người Thái dự báo.

Chuyên gia Việt Nam nói gì?

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam (VINAFRUIT) có nhận được tham luận từ chính chuyên gia Sakda Sinives. "Không chắc xu hướng sẽ diễn ra đúng như vậy hay khi nào sẽ diễn ra. Nhưng nó cũng cho chúng ta thấy người Thái không những đang dẫn đầu thị trường sầu riêng thế giới mà họ cũng nắm rất chắc thị trường cũng như chuẩn bị cho những xu hướng mới. Nếu chúng ta chủ quan trong nhận thức rằng sầu riêng tươi vẫn là số 1 hoặc sầu riêng cấp đông bị giảm chất lượng thì có thể sắp tới sẽ gặp rất nhiều thách thức", ông Nguyên nhận xét.

Thái Lan lên 'kế hoạch B' để đấu với sầu riêng Việt Nam ở Trung Quốc- Ảnh 2.

Việt Nam cần chuẩn bị tinh thần cho những xu hướng mới của thị trường

CHÍ NHÂN

Đại diện VINAFRUIT phân tích: Sầu riêng tươi của Việt Nam có nhiều lợi thế ở thị trường Trung Quốc như có nguồn cung quanh năm, diện tích và sản lượng lớn. Đặc biệt là lợi thế về vị trí địa lý khi ở gần thị trường tiêu thụ Trung Quốc khiến thời gian vận chuyển ngắn, chi phí logistics thấp… Đây là những thứ giúp chúng ta đang cạnh tranh rất tốt và gia tăng thị phần nhanh chóng ở thị trường Trung Quốc. Lợi thế đó có thể bị mất nếu những phân tích và dự báo của chuyên gia Thái Lan sẽ diễn ra trong một vài năm tới.

Hiện tại, ở khâu sầu riêng cấp đông trình độ công nghệ của chúng ta còn hạn chế. Cấp đông 1 container sầu riêng Việt Nam phải mất 8 tiếng trong khi Thái Lan chỉ cần 1 tiếng. Công nghệ cấp đông tốt cũng giúp chất lượng sầu riêng khi rã đông vượt trội nhờ giữ nguyên được chất lượng. 

"Có thể họ đang muốn dùng 'vũ khí công nghệ' để khắc chế những lợi thế của sầu riêng Việt Nam. Bên cạnh đó, giả thuyết là thị trường Trung Quốc có chuyển qua mặt hàng sầu riêng đông lạnh thì lợi thế mùa vụ quanh năm của Việt Nam cũng không còn. Có khá nhiều thách thức mà chúng ta cần phải nhận diện và chuẩn bị ứng phó cho mặt hàng tỉ đô này", ông Nguyên khuyến cáo.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.