Thái Lan tận dụng chai nhựa để sản xuất đồ bảo hộ chống Covid-19

05/09/2021 05:00 GMT+7

Với việc khan hiếm đồ bảo hộ y tế, Thái Lan đang tận dụng lượng rác thải nhựa lớn của nước này để tái chế thành quần áo bảo hộ cho những người chống Covid -19.

Tại Thái Lan, hàng triệu chai nhựa đã được thu gom, cắt nhỏ và tái chế làm đồ bảo hộ cá nhân (PPE) cho các bệnh viện hoặc ngôi chùa, nơi các nhà sư vẫn đang hỏa táng các nạn nhân Covid-19, theo Reuters vừa đưa tin.
Ông Phra Maha Pranom Dhammalangkaro, trụ trì chùa Chakdaeng tại tỉnh Samut Prakan gần thủ đô Bangkok, cho biết: “Có những lúc rất khó để tìm được những bộ PPE, thậm chí đôi khi có tiền cũng không mua được”.

Chai nhựa biến thành quần áo bảo hộ chống dịch Covid-19

Các tình nguyện viên của chùa đã may những bộ PPE màu cam cho các nhà sư, người lo việc tang lễ và người quét đường. Ngoài ra, các bộ PPE cũng đang được gửi đến hàng ngàn ngôi chùa có nhu cầu trên khắp nước này.

Vỏ chai được thu gom lại

Reuters

Mặc dù những bộ đồ này không phải là đồ y tế chuyên dụng, chúng vẫn một phần nào giúp bảo vệ cho những người có khả năng tiếp xúc với virus SARS-CoV-2. Thêm vào đó, để làm ra một bộ PPE như vậy thì chỉ cần dùng 18 chai nhựa.

Sau khi được tái chế, vải được tình nguyện viên của chùa may thành những bộ PPE

Reuters

Tại một nhà máy dệt ở tỉnh Rayong, các sợi chỉ được làm từ vỏ chai tái chế và kéo thành một cuộn lớn và dệt thành vải, được xử lý để có thể chống nước. Các thớ vải này được đưa đến chùa để tình nguyện viên may thành những bộ đồ PPE.
Ông Arnuphap Chompuming, trưởng bộ phận kinh doanh và tiếp thị của công ty dệt may Thai Taffeta, là công ty vận hành nhà máy dệt ở phía đông Bangkok, cho biết vải có thể ngăn hạt bụi thấm qua và ngăn virus tiếp xúc với người mặc.

Một phụ nữ may đồ PPE cho các nhà sư

Reuters

Có khoảng 18 triệu chai nhựa đã được sử dụng kể từ giữa năm 2020 để làm vải cho các bộ PPE. Những bộ đồ bảo hộ này đã được gửi đến các bệnh viện trên khắp Thái Lan, ông Arnuphap Chompuming nói thêm. Bộ PPE này có thể được giặt và dùng lại 20 lần.
Theo trụ trì chùa Chakdaeng, dự án tái chế này đang giúp đảm bảo rằng không chỉ các chuyên gia y tế mà những người thường đối mặt với virus SARS-CoV-2 cũng được bảo vệ. “Chúng tôi đang vừa bảo vệ mạng sống và vừa bảo vệ môi trường”, ông cho biết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.