Ngày 21.9, Khoa Tiền sản Bệnh viện T.Ư Huế, cho biết khoa này đang theo dõi một trường hợp sản phụ N.T.Lĩnh (27 tuổi, quê ở Cam Lộ, Quảng Trị) mang thai 34 tuần tuổi, chờ sinh mắc bệnh về nhóm máu hiếm, được chỉ định sinh mổ nhưng nhiều nguy cơ.
VIDEO: Ai có thể hiến máu giúp mẹ con chị Lĩnh có thể đến Bệnh viện T.Ư Huế để kiểm tra và hiến máu
|
Lời kêu gọi người có nhóm máu hiếm cùng giúp đỡ hiến máu để cứu em bé sau khi chào đời
|
Theo BSCKII. Trần Văn Lượng, phó Trưởng khoa Truyền máu, thuộc Trung tâm Huyết học-Truyền máu Bệnh viện T.Ư Huế, đây là một ca tiền sản mà sản phụ có tiền sử mắc bệnh về máu hiếm gặp.
Sản phụ Lĩnh trước đây từng 2 lần sinh mổ: lần đầu sinh, bé 15 ngày tuổi đã bị vàng da, được điều trị được tích cực nên đến nay vẫn sống khỏe. Lần 2 chị cũng sinh mổ, sau khi sinh, bé được 3 ngày tuổi thì vàng da nặng và được các bác sĩ tại Quảng Trị chuyển viện ra Hà Nội để thay máu. Tuy nhiên, trên đường ra Hà Nội cháu bé đã tử vong.
Đây là lần sinh thứ 3 của sản phụ, các y bác sĩ cũng tiên lượng nếu không dùng phương pháp thay máu, cháu bé sẽ nguy hiểm đến tính mạng.
Để chuẩn bị cho phương pháp thay máu cho cháu bé ngay sau khi sinh mổ (dự kiến vào ngày 28.9 tới), Khoa sản và Trung tâm Huyết học-Truyền máu của Bệnh viện T.Ư Huế cần có đủ một lượng máu thuộc nhóm máu hiếm RhD âm. Theo đó, bệnh viện cần huy động 20 đơn vị máu O và 4 đơn vị máu AB để chuẩn bị thay cho cháu bé ngay khi bé chào đời và 10 đơn vị máu B cho mẹ.
Sản phụ Lĩnh đang được theo dõi chờ sinh tại khoa Tiền sản Bệnh viện T.Ư Huế Ảnh Lê Toàn
|
PGS.TS Nguyễn Duy Thăng, Phó giám đốc Bệnh viện TƯ Huế, cho biết, "Sở dĩ 2 cháu bé trước đều xuất hiện vàng da, 1 bé tử vong và cháu thứ 3 này tiên lượng sau khi sinh ra sẽ gặp nguy hiểm vì có sự bất đồng nhóm máu giữ bố và mẹ. Cụ thể, bố mang nhóm máu O Rh (+), mẹ nhóm máu: B Rh (-) tức là đã có sự bất đồng nhóm máu giữa mẹ và con, mặc khác người mẹ còn có them một bệnh về máu khác nữa nên để sinh ra đứa bé đủ tuần và khỏe mạnh sẽ rất khó, đặc biệt hiệu giá kháng thể: Lần 1: ½; Lần 2 (12 W): 1/32; Lần 3: 1/64 (3 lầnđầu: theo sản phụ khai); Lần 4 (29/8/2017): thai 32W, 1/512;Lần 5 (12/9/2017): thai 34W, 1/1024" .
"Nhóm máu RhD âm, là nhóm máu rất hiếm. Mặc dù tại Trung tâm Huyết học Truyền máu vẫn có danh sách Câu lạc bộ tình nguyện hiến các nhóm máu hiếm, nhưng vì đối với trường hợp thay máu cho trẻ sơ sinh phải sử dụng máu mới hiến, với thời gian bảo quản không quá 72 giờ. Do vậy, chúng tôi đang vận động tìm kiếm thêm để chuẩn bị đủ lượng máu phù hợp", PGS.TS Nguyễn Duy Thăng nói thêm.
PGS.TS NGuyễn Duy Thăng, Phó giám đốc Bệnh viện TƯ Huế Ảnh Lê Toàn
|
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Duy Thăng, kỹ thuật thay máu tại Bệnh viện T.Ư Huế đã được thực hiện cách đây 20 năm. Nhưng do những trường hợp như trên rất hiếm gặp nên đến nay mới thực hiện trở lại. Để tìm biện pháp tốt nhất cứu sống cháu bé và sự an toàn của sản phụ, Bệnh viện TƯ Huế đã thành lập hội đồng y khoa gồm có nhiều chuyên khoa khác nhau như khoa sản, khoa nhi và khoa huyết học truyền máu; và tiến hành hội chẩn rất kỹ, thông tin cụ thể với người nhà bệnh nhân để quyết định chọn phương pháp thay máu cho cháu.
Bác sĩ Trần Văn Lượng cũng như bệnh viện đã phát lời kêu gọi trên nhiều kênh khác nhau, trong đó có lời kêu gọi đăng trên Facebook để vận động những người có nhóm máu phù hợp quan tâm giúp đỡ để bệnh viện có thể cứu sống bé sơ sinh và đảm bảo an toàn cho sản phụ.
Trò chuyện với PV Thanh Niên, chị N.T.Lĩnh lo lắng: "Đây là đứa con thứ 3 của tôi, đứa đầu thì bị vàng da, đứa thứ 2 đã mất cũng vì vàng da ngay sau khi sinh, giờ đứa thứ 3 các bác sĩ cũng dự đoán tình hình là xấu nên tôi rất lo sợ, chỉ mong mọi người hãy giúp tôi cứu lấy đứa bé".
Bình luận (0)