Thảm cảnh lao động nhập cư thành 'nô lệ' tại Hàn Quốc

03/06/2021 17:30 GMT+7

Những người lao động nhập cư thuộc diện EPS tại Hàn Quốc đã tố cáo những bất cập trong chương trình, khiến họ bị tước mất quyền lợi.

Mất quyền lên tiếng

Hệ thống cấp phép việc làm (ESP) là chương trình do Bộ Lao động và Việc làm Hàn Quốc điều hành, ra mắt vào năm 2004 nhằm tuyển chọn lao động nước ngoài cho các doanh nghiệp trong nước để giải quyết tình trạng thiếu nhân lực bản địa. ESP đã mang lại một lượng lao động nước ngoài ổn định từ 16 quốc gia cho các ngành công nghiệp như nông nghiệp, đánh bắt hải sản, sản xuất, dịch vụ.
Theo tờ The Korea Times ngày 2.6, những người lao động được đánh giá là "lao động siêng năng", không thay đổi công việc trong suốt đợt tuyển dụng kéo dài 4 năm 10 tháng sẽ được trao một cơ hội khác để nhập cảnh trở lại Hàn Quốc sau khi hết hạn hợp đồng. Theo quy định của ESP, trong đợt làm việc đầu tiên, người lao động nhập cư sẽ được phép thay đổi công việc tối đa 5 lần trong trường hợp hợp đồng chấm dứt hoặc hết hạn.
Họ cũng có thể yêu cầu chấm dứt hợp đồng vì những lý do như bị chủ lao động tấn công hoặc quấy rối tình dục, chậm trả lương hoặc điều kiện ăn ở không đạt tiêu chuẩn. Khi đưa ra yêu cầu, người lao động cần nộp bằng chứng chứng minh họ bị ngược đãi và nhận được sự chấp thuận của người sử dụng lao động để kết thúc hợp đồng.
Theo các nhóm bảo vệ quyền lợi của người lao động nhập cư, những yêu cầu khắt khe như vậy đã khiến người lao động gần như không thể chuyển đổi công việc.

"Nô lệ thời hiện đại"

Các nhà hoạt động vì quyền của người nhập cư cho rằng việc phải liệt kê những lý do để được chuyển đổi công việc là một yêu cầu hạn chế đáng kể quyền của người lao động. Thay vào đó, Bộ Lao động và Việc làm nên để họ tự do chuyển đến nơi làm việc khác.
"Mặc dù nhiều người lao động bị cung cấp chỗ ở kinh khủng và bị chủ doanh nghiệp bạo hành cả về thể xác lẫn tinh thần, họ vẫn do dự về việc lên tiếng hoặc yêu cầu đổi công việc. Lý do là vì việc duy trì mối quan hệ tốt với chủ thuê là rất quan trọng để có cơ hội quay trở lại Hàn Quốc sau này", ông Kim Dal-seong, người đứng đầu Trung tâm Hỗ trợ người nhập cư Pocheon, cho biết.

Người lao động theo diện EPS nói gặp khó khăn trong việc chuyển việc khác

AFP

Các nhóm người nhập cư đã thúc giục Bộ Lao động tích cực thảo luận về vấn đề này. Tuy nhiên, bộ này đã từ chối và nhấn mạnh rằng việc trao quyền tự do lựa chọn cho người lao động nhập cư sẽ làm giảm cơ hội việc làm của công dân Hàn Quốc.
Phản bác lại, nhà hoạt động đến từ Bangladesh Shehk al Mamun cho biết lao động nhập cư thuộc chương trình EPS được quy định chỉ làm việc trong một số ngành nhất định và được chính phủ giám sát chặt chẽ, nên sẽ không thể tràn sang các ngành khác.
"Chúng tôi không yêu cầu chính phủ mở rộng danh mục các ngành công nghiệp mở cửa cho lao động nhập cư. Tất cả những gì chúng tôi yêu cầu là để người lao động được lựa chọn nơi làm việc, để họ được đối xử nhân đạo", ông Kim nói thêm.
Ông Kim lập luận rằng chương trình EPS đã trao nhiều quyền lực hơn cho các chủ doanh nghiệp, đồng thời khiến nhân viên rất dễ bị đối xử bất công và bị lạm dụng. Theo ông, chính phủ Hàn Quốc từ lâu đã làm ngơ về vấn đề này, từ đó biến EPS thành "chế độ nô lệ thời hiện đại", vi phạm các quyền cơ bản của con người và quyền lao động của người lao động nhập cư.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.