Thanh niên Hàn Quốc ra nước ngoài tìm việc

06/12/2019 08:00 GMT+7

Tốt nghiệp những trường đại học hàng đầu song không kiếm được việc làm ở quê nhà, nhiều người trẻ Hàn Quốc đổ xô ra nước ngoài tìm cơ hội cho mình.

Đối diện tình trạng thiếu việc làm trầm trọng ở quê nhà, nhiều thanh niên Hàn Quốc đăng ký các chương trình do chính phủ tài trợ nhằm tìm kiếm công việc ở nước ngoài. Thực trạng này diễn ra khi số người trẻ tốt nghiệp đại học song thất nghiệp ngày càng gia tăng ở Hàn Quốc - nước có nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á, theo tờ South China Morning Post. Thống kê cho thấy vào năm 2013, gần 20% số thanh niên Hàn Quốc không có việc làm. Tính tới tháng 3.2019, cứ 4 người Hàn Quốc ở độ tuổi 15 - 29, có 1 người thất nghiệp.

Chương trình K-move

Các chương trình do chính phủ khởi xướng như K-move, được triển khai để kết nối thanh niên Hàn Quốc với “các công việc tốt” ở 70 quốc gia, đã giúp tìm việc ở nước ngoài cho 5.783 cử nhân trong năm 2018, nhiều hơn gấp 3 lần so với năm đầu tiên triển khai chương trình là năm 2013. Hai điểm đến thu hút nhiều người trẻ Hàn Quốc nhất trong chương trình này là Nhật Bản và Mỹ.

[VIDEO] Thế hệ "muỗng sành" gây rắc rối cho Tổng thống Moon Jae-in

Không như các chương trình tương tự ở những quốc gia khác như Singapore - buộc cử nhân ra đi phải cam kết trở về và làm việc cho chính phủ trong 6 năm, những người tham gia các chương trình hỗ trợ việc làm của chính phủ Hàn Quốc không bắt buộc phải quay về hay làm việc cho nhà nước. “Chảy máu chất xám hiện chưa phải là nỗi lo tức thời của chính phủ. Không để thanh niên rơi vào tình trạng đói nghèo mới là vấn đề cấp bách”, cho dù điều này có nghĩa là đưa nhiều lao động trẻ ra nước ngoài, theo Reuters dẫn lời Phó giám đốc Kim Chul-ju của Viện Ngân hàng phát triển châu Á.

Vỡ mộng

Tuy nhiên, không phải thanh niên Hàn Quốc nào rời quê hương cũng đều có công ăn việc làm như ý. Nhiều người tìm được việc với sự giúp đỡ của chính phủ cho biết họ buộc phải làm các công việc chân tay như rửa chén tại Đài Loan hoặc chế biến thịt ở Úc, cũng như không nhận được mức lương hoặc điều kiện sống như nhà tuyển dụng từng cam kết...

[VIDEO] Nghĩa vụ quân sự ở Hàn Quốc: đến BTS cũng không phải ngoại lệ

Giới hữu trách Hàn Quốc cho biết đang lập một “danh sách đen” các nhà tuyển dụng và cải thiện quy trình kiểm tra để ngăn chặn sự sai lệch về thông tin, điều kiện làm việc và tiền lương. Bộ Lao động Hàn Quốc cũng thành lập một “trung tâm hỗ trợ và tiếp nhận thông tin” nhằm xử lý tốt hơn mọi rắc rối nảy sinh từ chương trình đưa công dân ra nước ngoài làm việc.
Kết quả một cuộc khảo sát năm 2017 cho thấy gần 90% số cử nhân Hàn Quốc ra nước ngoài làm việc với sự hỗ trợ của chính phủ trong những năm 2013 - 2016 đã không phản hồi các câu hỏi của Bộ Lao động về nơi ở của họ hoặc thay đổi thông tin liên lạc. Tuy nhiên, thị trường việc làm cạnh tranh khốc liệt trong nước vẫn khiến nhiều người trẻ Hàn Quốc tìm tới các chương trình hỗ trợ việc làm mỗi năm.
Trong lúc số cử nhân ra nước ngoài kiếm việc ngày càng tăng, Hàn Quốc buộc phải tuyển thêm nhiều người nước ngoài để giải quyết vấn đề thiếu hụt công nhân. Theo Reuters, Hàn Quốc là một trong những nước có thanh niên sở hữu trình độ học vấn cao trong Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD, gồm 36 nước), với 75% số học sinh cấp ba tiếp tục học lên đại học, so với mức trung bình 44,5%. “Hàn Quốc đang phải trả giá cho việc bảo vệ quá mức các công việc lương cao nhẹ nhàng, còn nền giáo dục tạo ra một lớp người chỉ muốn số lượng việc làm nhỏ đó”, Ban Ga-woon, chuyên gia nghiên cứu về thị trường lao động tại Viện Giáo dục và Đào tạo nghề Hàn Quốc, chia sẻ.
Dù không tìm được việc, đa số cử nhân Hàn Quốc vẫn từ chối “lao động chân tay”, ông Lim Chae-wook - quản lý một nhà máy sản xuất máng cáp (cable tray) với 90 lao động ở TP.Ansan thuộc tỉnh Gyeonggi - cho hay. “Người bản xứ không muốn làm công việc này vì họ cho rằng nó thấp kém, vì thế chúng tôi buộc phải thuê nhiều lao động nước ngoài”, ông Lim kể. Ở TP.Gwangju thuộc miền tây nam Hàn Quốc, ông Kim Yong-gu - lãnh đạo Công ty Hyundai Hitech, cho biết thuê công nhân nước ngoài thường tốn kém hơn nhưng ông không còn lựa chọn nào khác, vì không thể tìm đủ lao động trong nước.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.