Thảm họa Brexit của Thủ tướng Anh

Bảo Vinh
Bảo Vinh
17/01/2019 08:20 GMT+7

Kế hoạch Brexit của Thủ tướng Anh Theresa May nhận thất bại nặng nề nhất trong lịch sử tại quốc hội, mở ra viễn cảnh u ám trong con đường chính trị của bà.

Hạ viện Anh hôm qua bỏ phiếu bác bỏ kế hoạch đưa đất nước rời khỏi EU (còn gọi là Brexit) của Thủ tướng Theresa May với tỷ lệ 432 phiếu chống và 202 phiếu thuận, theo Reuters. Đây là thất bại với tỷ lệ chênh lệch phiếu lớn nhất trong lịch sử nền quân chủ lập hiến Anh và giáng đòn nặng nề vào nỗ lực của Thủ tướng May. Trong hơn 2 năm qua, nữ lãnh đạo đã miệt mài đàm phán với EU để tìm ra thỏa thuận tốt nhất cho cả hai bên sau khi chính thức chia tay vào ngày 26.3, nhưng bà đã không vượt qua được sự chia rẽ sâu sắc ngay tại “sân nhà”.

Khả năng trưng cầu lần hai

Ngày 16.1, Thủ hiến Scotland Nicola Sturgeon cùng 71 nghị sĩ Công đảng kêu gọi tổ chức trưng cầu dân ý lần hai về Brexit để mở ra khả năng Anh tiếp tục ở lại EU. Tuy nhiên, Đài Sky News dẫn lời Bộ trưởng Giáo dục Damian Hinds khẳng định chính phủ và đảng Bảo thủ cầm quyền không có kế hoạch này. “Một cuộc trưng cầu lần 2 sẽ gây chia rẽ và gây mất lòng tin về nền dân chủ”, ông Hinds nhấn mạnh.
“Đây là thất bại thảm họa của chính phủ. Bất kỳ thủ tướng nào khác cũng sẽ từ chức sau kết quả này”, lãnh đạo Công đảng đối lập Jeremy Corbyn tuyên bố. Ông đồng thời kích hoạt cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với chính phủ và kết quả dự kiến được công bố vào sáng nay 17.1. Nếu bà May không vượt qua thử thách này thì Anh sẽ tiến đến việc thành lập chính phủ mới trong vòng 14 ngày hoặc tổ chức tổng tuyển cử trước hạn.
Nhiều khả năng Thủ tướng May sẽ tiếp tục tại vị vì các nghị sĩ đảng Bảo thủ, kể cả những người không ủng hộ kế hoạch Brexit của bà, không muốn để chính quyền rơi vào tay Công đảng, theo BBC. Tuy nhiên, áp lực ngày càng đè nặng trên vai nhà nữ lãnh đạo khi chính phủ buộc phải đàm phán lại với EU trong khi hạn chót 26.3 đang đến gần.
Trong tuyên bố cùng ngày, Thủ tướng May chỉ trích Hạ viện bác bỏ kế hoạch của bà nhưng cũng không đưa ra được ý tưởng khả dĩ nào. Reuters dẫn lời bà cam kết sẽ tiếp tục “đối thoại và đối thoại” với tất cả các bên để tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng.
Tuy nhiên, nhiều lãnh đạo EU hôm qua tỏ dấu hiệu cương quyết không thể đàm phán lại hoặc đưa ra những thay đổi lớn cho thỏa thuận đã đạt được. AFP dẫn lời Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker yêu cầu London “làm rõ ý định càng sớm càng tốt vì thời gian sắp hết” và EU đã đưa ra thỏa thuận “tốt và công bằng nhất có thể”. Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cũng bác bỏ khả năng nhượng bộ thêm còn Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh “sẽ không vì vấn đề chính trị nội bộ của Anh mà cản trở việc bảo vệ lợi ích châu Âu”.
Giới quan sát nhận định những diễn biến này cho thấy Thủ tướng May có thể sẽ phải “trắng tay” ra về mà không có thêm thay đổi nào để làm hài lòng giới nghị sĩ trong nước. Trong trường hợp xấu nhất, Anh sẽ rời EU mà không có thỏa thuận nào, kéo theo cắt đứt mọi hợp tác và ưu đãi về thương mại, thuế quan… dẫn đến ảnh hưởng nặng nề cho nền kinh tế nước này cũng như thị trường thế giới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.