Thảm họa “hơn cả đau lòng” ở Ấn Độ

Khánh An
Khánh An
28/04/2021 05:45 GMT+7

Chi viện quốc tế đang đổ dồn về Ấn Độ trong bối cảnh nước này ngày thứ 6 liên tiếp ghi nhận hơn 300.000 ca nhiễm Covid-19 .

 
Ấn Độ hôm qua ghi nhận thêm 323.144 ca mắc và 2.771 ca tử vong vì Covid-19, có giảm nhẹ so với con số của ngày trước đó, nhưng các chuyên gia cảnh báo đây chưa phải là tín hiệu lạc quan giữa đại dịch.

Quốc tế gấp rút chi viện

Tờ The Guardian dẫn lời các chuyên gia y tế cho rằng số ca mắc thực sự ở Ấn Độ cao hơn nhiều, nhất là do các bang Uttar Pradesh và Gujarat có thể chưa thống kê đầy đủ. Trong khi đó, các cơ sở xét nghiệm Covid-19 tại các thành phố lớn như New Delhi đang quá tải và nhiều người có triệu chứng nhưng vẫn chưa được xét nghiệm.

Các điểm hỏa táng, mai táng ở Ấn Độ đuối sức trước số ca Covid-19 tử vong quá cao

Tỷ lệ dương tính trong các mẫu xét nghiệm ở New Delhi tăng lên trên 35%, trong khi tỷ lệ này tại thành phố Kolkata ở Tây Bengal là gần 50%. Theo Giáo sư Rijo M John tại Viện Quản lý Ấn Độ, số ca mắc giảm nhẹ chủ yếu là do tốc độ xét nghiệm chậm lại. “Điều này không nên được xem là dấu hiệu giảm số ca mắc”, Reuters dẫn lời ông cảnh báo.

Hơn 1 tỉ liều vắc xin đã được tiêm

AFP hôm qua đưa tin thế giới đã tiêm hơn 1 tỉ liều vắc xin Covid-19, mang lại hy vọng dù số ca mắc trên toàn cầu vẫn tăng. Số vắc xin trên đã được tiêm tại 207 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong tình hình đại dịch diễn biến phức tạp, các nước tiếp tục đẩy mạnh tốc độ tiêm chủng, với số liều vắc xin được tiêm tăng gấp đôi chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng. Tuy nhiên, dù phần lớn các nước nghèo đã bắt đầu triển khai tiêm vắc xin nhờ sáng kiến COVAX, tỷ lệ tiêm chủng tại các nước thu nhập cao vẫn cao hơn hẳn, với 47%, trong khi tỷ lệ này chỉ ở mức 0,2% tại các nước thu nhập thấp. 
Trước tình hình căng thẳng, Ấn Độ huy động lực lượng vũ trang đối phó đại dịch. Tổng tham mưu trưởng quân đội Bipin Rawat cho biết ô xy dự trữ của lực lượng vũ trang đang được huy động, và những nhân viên quân y về hưu sẽ tham gia phòng chống dịch.
Hiện nhiều nước đang gấp rút hỗ trợ Ấn Độ chống dịch trong bối cảnh nhiều bệnh viện ở nước này thiếu ô xy và các trang thiết bị, vật tư y tế. Hôm qua, chuyến bay từ Anh chở các thiết bị y tế, trong đó có các máy thở đã hạ cánh ở Ấn Độ, còn Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) cũng viện trợ 6 bồn ô xy. Trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Narendra Modi, Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết “sự hỗ trợ vững chắc của Mỹ” khi cung ứng các thiết bị về ô xy và nguyên liệu thô để bào chế vắc xin. Mỹ còn hứa chia sẻ 60 triệu liều vắc xin AstraZeneca chưa dùng đến cho các nước, trong đó có Ấn Độ. Bên cạnh đó, Anh, Pháp, Đức, Đan Mạch, Ả Rập Xê Út, Úc, Bhutan… cũng cam kết hỗ trợ Ấn Độ đối phó đại dịch.

"Sóng thần" Covid-19 đang hoành hành Ấn Độ có điểm gì khác biệt?

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus hôm qua nói: “Tình hình ở Ấn Độ còn hơn cả đau lòng. WHO đang làm mọi thứ có thể, cung cấp các trang thiết bị trọng yếu”. WHO cũng đã gửi 2.600 chuyên gia để phối hợp với ngành y tế Ấn Độ đối phó Covid-19.

Đông Nam Á lo ngại

Tại Đông Nam Á, Thái Lan hôm qua ghi nhận 15 ca tử vong vì Covid-19, mức cao nhất từ trước tới nay. Cùng ngày, 2.179 ca mắc mới đã được ghi nhận, nâng tổng số ca mắc lên 59.687. Theo Reuters, hiện các công viên, phòng tập thể hình, rạp chiếu phim tại Bangkok đóng cửa đến ngày 9.5. Thái Lan còn triển khai quy định phạt 20.000 baht (14,7 triệu đồng) đối với người không đeo khẩu trang nơi công cộng.
Lào hôm qua ghi nhận thêm 75 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc thành 511 ở 15/18 tỉnh thành và chưa có ca tử vong nào. Trước tình hình Covid-19 phức tạp, chính phủ Lào đã chỉ đạo các cơ quan phòng chống dịch ở mọi cấp độ nhanh chóng lên danh sách các nguồn cung ứng cần thiết như thiết bị y tế, thuốc men cho đến dự trù kinh phí đối phó dịch. Theo tờ Vientiane Times, Lực lượng Phòng chống Covid-19 quốc gia được chỉ đạo phối hợp với các cơ quan trung ương, địa phương chuẩn bị, đảm bảo các cơ sở cách ly, chữa trị, bên cạnh các bệnh viện hiện tại.

Mỹ chia sẻ 60 triệu liều vắc xin Covid-19 Astrazeneca cho thế giới

Hôm qua, số ca nhiễm mới ở Campuchia vẫn ở mức cao là 508 và thêm 3 ca tử vong. Chính phủ quyết định kéo dài thời gian phong tỏa thủ đô Phnom Penh và thành phố Takhmao cho đến ngày 5.5. Theo quy định mới, thủ đô Phnom Penh được phân chia thành 3 vùng là “vùng đỏ”, “vùng cam” và “vùng vàng” nhằm tăng hiệu quả phòng chống dịch. Cụ thể, “vùng đỏ” là nơi có nguy cơ lây lan Covid-19 cao nhất và buộc phải siết chặt các biện pháp phòng dịch ở mức tối đa, “vùng cam” là nơi nguy cơ dừng ở mức vừa phải, còn “vùng vàng” có nguy cơ thấp nhất.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.